Chuyển đổi số

Đà Nẵng đề xuất giải bài toán cung cấp DVCTT toàn trình bằng các công nghệ số

Nhật Minh 04/09/2024 07:16

Đà Nẵng luôn xác định chuyển đổi số là “động lực”, “chìa khóa” để giải quyết các điểm nghẽn của hành trình phát triển và muốn làm đạt hiệu quả mục tiêu này, địa phương luôn chú trọng đảm bảo nâng cao hiệu quả việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện 8 giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT

Theo đó, khi nói về việc thực hiện đảm bảo nâng cao hiệu quả việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTTT), Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp mới, khác nhau, nhất là đối với 8 giải pháp: (1) Vai trò người đứng đầu; (2) Chính sách thúc đẩy sử dụng DVCTT; (3) Triển khai DVCTT toàn trình; (4) Giảm TTHC; (5) Đa dạng hoá kênh, đối tượng nộp hồ sơ trực tuyến; (6) Giám sát, cảnh báo tình hình xử lý hồ sơ TTHC từ Trung tâm IOC; (7) Cung cấp nhiều tiện ích; (8) Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT.

133362193704082670_z4594871373122_f68b2ef2cae58633a816c97314eee8e3.jpg
Đoàn Thanh niên Đà Nẵng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên và người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VneID, giao dịch hành chính công trực tuyến. (Ảnh: doanthanhnien.vn)

Về vai trò người đứng đầu, Đà Nẵng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trực tiếp chỉ đạo triển khai triệt để các giải pháp nâng cao hiệu quả DVCTT; chịu trách nhiệm về kết quả chỉ tiêu DVCTT…

Về chính sách thúc đẩy sử dụng DVCTT, Đà Nẵng triển khai chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến (giảm thời gian xử lý đến 50% đối với DVCTT so với xử lý hồ sơ trực tiếp); giảm lệ phí tất cả hồ sơ trực tuyến về TTHC đăng ký hộ tịch, cấp giấy phép xây dựng…

Cũng đạt ưu điểm như 2 giải pháp trên, giải pháp triển khai DVCTT toàn trình đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật; có khả năng kết nối với Nền tảng công dân số, Kho kết quả TTHC số… Đặc biệt, việc cung cấp DVCTT toàn trình giúp người dân tránh phải đến nộp trực tiếp, áp dụng cho khoảng 17% TTHC.

Đối với giải pháp giảm TTHC, Đà Nẵng xác định đây chính là một đặc trưng cơ bản của chính quyền số, không chỉ thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn tiết kiệm thời gian cho công chức trong xử lý hồ sơ dịch vụ công.

Việc đa dạng hoá kênh, đối tượng nộp hồ sơ trực tuyến được Đà Nẵng triển khai diện rộng. Địa phương này đã triển khai mô hình “Đại lý DVCTT” hay bưu điện/bưu cục nhận, nộp hồ sơ trực tuyến thay người dân, DN. Hơn nữa, Đà Nẵng cũng đã triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, “Thôn/Tổ điện tử”, “Ngày hội gần dân” để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến cho bà con ở khu dân cư (vào cuối tuần)…

Đối với việc giám sát, cảnh báo tình hình xử lý hồ sơ TTHC từ Trung tâm điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) (IOC), Đà Nẵng đã triển khai cung cấp 15 dịch vụ ĐTTM, trong đó, cung cấp dịch vụ giám sát dịch vụ công: Giám sát, cảnh báo/nhắc sớm về tình hình xử lý hồ sơ đến Thủ trưởng và cán bộ kiểm soát TTHC của cơ quan như tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, cảnh báo các cơ quan xử lý hồ sơ sắp trễ hạn, hồ sơ gần tới hạn, chưa tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.

Việc cung cấp nhiều tiện tích trước, trong và sau xử lý, cấp kết quả giải quyết TTHC được thực hiện thông qua: Tin SMS; zalo; app điện thoại (app Danang Smartcity)…

Cuối cùng với giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT, Đà Nẵng đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thông qua hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng. Đặc biệt, Thành phố đã lập Tổng đài DVCTT, bố trí viên chức hỗ trợ tất cả các ngày trong tuần với đầu số tắt *1022 để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC, DVCTT.

Giải quyết bài toán cung cấp DVCTT toàn trình bằng công nghệ số

Không chỉ tập trung vào thực hiện, triển khai 8 giải pháp trọng tâm trên, để công tác này ngày một hiệu quả hơn, Đà Nẵng nêu đề xuất, kiến nghị sẽ tiếp tục triển khai triệt để các giải pháp hiện có; triển khai Kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ, Ngành trong thời gian tới.

Đặc biệt, Đà Nẵng đề xuất sử dụng công nghệ số để nâng gần 100% TTHC được cung cấp DVCTT toàn trình.

Hiện nay, điểm nghẽn về quy định một số TTHC phải xuất trình hồ sơ gốc, phải cần sự hiện diện của chủ hồ sơ để xác nhận chính chủ (hay xác định danh tính), ký giấy tờ,... (hiện TP. Đà Nẵng còn 133 TTHC chưa triển khai DVCTT toàn trình; thống kê sơ bộ, các địa phương còn khoảng 35% TTHC chưa thể/không thể triển khai toàn trình). Lý do chính là vướng nhiều quy định khác nhau, để thực hiện thì cần sửa nhiều quy định và cần nhiều thời gian; trong khi đó, dự kiến mục tiêu toàn quốc cuối năm 2025, DVCTT toàn trình đạt 90% TTHC có đủ điều kiện, hồ sơ trực tuyến toàn trình toàn quốc đạt 70%.

Giải quyết bài toán này, Đà Nẵng đề xuất nghiên cứu áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học để triển khai DVCTT đối với các TTHC còn phải làm trực tiếp như TTHC lĩnh vực chứng thực, hộ tịch (sử dụng camera, quét hình ảnh ...).

Cụ thể là cần CCCD, hình ảnh, thông tin cá nhân thì sử dụng tài khoản VNeID và quét chip CCCD; kiểm tra bản sao, bản chính thì sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) để đọc/kiểm tra thông tin; cần kiểm tra chính chủ, sử dụng công nghệ sinh trắc học khuôn mặt eKYC4; cần người dân đến cơ quan ký giấy tờ trước khi nhận kết quả thì ký số trên điện thoại di động...

Tiếp theo, Đà Nẵng để xuất triển khai trước về giảm, tiến đến bỏ các TTHC cấp lại thông qua dữ liệu số. Đà Nẵng có khoảng 180 TTHC hay 10% số TTHC là cấp lại do mất, hư hỏng; trong khi đó kết quả TTHC đã cấp trước đó đã có trong Kho dữ liệu của Thành phố, Kho cá nhân; và có giá trị pháp lý như bản giấy.

Đồng thời, Đà Nẵng đề xuất với Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ có chính sách hỗ trợ chi phí cho các Đại lý DVCTT đối với hoạt động này nhằm thúc đẩy mô hình hoạt động trên cả nước. Đồng thời, chỉ đạo các DN công nghệ số, phối hợp với địa phương triển khai nhiều dịch vụ ký số để góp phần phổ cập chữ ký số cho người dân, từ đó cung cấp DVCTT thuận lợi hơn.

dich-vu-cong-truc-tuyen.jpeg
Các DN công nghệ số phối hợp với địa phương triển khai nhiều dịch vụ ký số để góp phần phổ cập chữ ký số cho người dân, từ đó cung cấp DVCTT thuận lợi hơn.

Cùng với đó, các Bộ, ngành đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình để đơn giản TTHC (giảm khâu thực hiện, kế thừa lại dữ liệu, kết quả TTHC số) khi triển khai xuống địa phương nhằm tạo thuận lợi cho người dân dễ sử dụng hơn; đặc biệt là hủy bỏ/giảm các thủ tục cấp lại qua kế thừa lại dữ liệu, kết quả thủ tục hành chính số.

Bộ Công an sớm cung cấp bộ khóa kết nối chính thức Cổng đăng nhập xác thực tập trung của thành phố Đà Nẵng với Nền tảng định danh và xác thực điện tử VNeID để cho phép người dân có thể đăng nhập, sử dụng các dịch vụ trên các hệ thống thông tin/nền tảng số của TP. Đà Nẵng bằng tài khoản VNeID mà không phải đăng ký tài khoản mới.

Bộ TT&TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn cụ thể áp dụng
cơ chế “Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt” (theo Điều 29 Luật Đấu thầu) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ do Bộ, Ngành Trung ương yêu cầu cập nhật gấp cho các hệ thống hiện có, để đưa vào sử dụng (trong vòng 1-2 tháng)”,
Đà Nẵng đề xuất.

Để triển khai DVCTT trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập DVCTT theo hướng trực tuyến toàn trình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS cho biết, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển DVCTT toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025.

Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương đạt tối thiểu 70%./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng đề xuất giải bài toán cung cấp DVCTT toàn trình bằng các công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO