Nỗi lo cho tương lai từ những phim ảnh xuất xứ Trung Quốc
Mới đây, phim Quân đội vương bài gây xôn xao vì những nội dung được cho rằng xuyên tạc lịch sử Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trước đó, nhiều phim Trung Quốc có đường lưỡi bò được cài cắm như: Người tuyết bé nhỏ, Nhất sinh nhất thế, Lấy danh nghĩa là người nhà, Em là thành trì doanh lũy, Điệp vụ biển đỏ, Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta… cũng tạo nên làn sóng tiêu cực trong dư luận.
Những năm gần đây, phim ảnh được đánh giá là một trong những công cụ thể hiện “quyền lực mềm” của Trung Quốc. Vì thế, những mối lo đến từ các sản phẩm phim ảnh của quốc gia tỷ dân là điều đã và đang tồn tại.
Những phim từng khiến số đông khán giả bức xúc đều có sự tham gia của những cái tên đang được rất nhiều khán giả trẻ Việt Nam yêu mến như: Tiêu Chiến, Hoàng Cảnh Du, Dương Dương, Địch Lệ Nhiệt Ba… Vì thế, chúng dễ dàng tiếp cận được khán giả Việt Nam, ngay từ bước đầu quảng bá.
Trước khi Quân đội vương bài ra mắt, không ít khán giả của Tiêu Chiến đã kêu gọi ủng hộ thần tượng trên các fanpage, hội nhóm, để rồi vỡ lẽ, phim có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Nhiều người bày tỏ sự thất vọng, bẽ bàng, thậm chí tẩy chay phim. Nhưng một bộ phận khán giả trẻ vì phim, vì tình yêu thần tượng mù quáng, bất chấp thực tế, vẫn lên tiếng ủng hộ. Lực lượng người hâm mộ của những ngôi sao trên được tính theo con số hàng trăm ngàn, hàng triệu.
Những phân cảnh thoáng qua vài mươi giây bị xem nhẹ so với tổng thời lượng kéo dài của phim, nhưng sự hợp lực của nhiều tác phẩm thực sự là mối nguy lớn trong việc bành trướng sức mạnh, luận điệu sai trái. Đặc biệt khi các phim này được phát hành rộng rãi ở nhiều quốc gia châu Á và thế giới. Mưa dầm thấm lâu. Điều này khiến dư luận không khỏi lo ngại, e rằng trong tương lai, lịch sử, chủ quyền dân tộc có bị lung lay vì nông cạn, thiếu hiểu biết của thế hệ trẻ?
Chưa có rào chắn bảo vệ
Với sự phát triển của internet, không khó để khán giả Việt có thể tiếp cận những bộ phim này. Có 2 ứng dụng nằm trong top 7 ứng dụng xem phim trực tuyến hàng đầu Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam là iQiyi và WeTV. Các phim Trung Quốc được chiếu trên 2 nền tảng này đều có phụ đề tiếng Việt để khán giả Việt Nam dễ theo dõi.
Các nội dung hoặc được chiếu miễn phí hoặc người dùng có trả phí với mức rất rẻ 49.000-59.000 đồng/tháng, nằm trong khả năng chi trả của số đông người xem, đặc biệt với khán giả có mức thu nhập thấp. Nếu sử dụng theo quý hoặc năm, số tiền phí còn rẻ hơn. Để kích thích người dùng, các nền tảng này còn tung ra mức giá ưu đãi hấp dẫn chỉ 19.000 có thể xem tất cả nội dung độc quyền. Những chính sách hấp dẫn này ngày càng kéo khán giả Việt đến gần với những phim Hoa ngữ.
Thực tế, nguy cơ truyền bá những thông tin sai lệch về chủ quyền, lịch sử đã xảy ra từ các ứng dụng này. Gần đây nhất, trong tập 13 của phim Nhất sinh nhất thế được chiếu trên iQiYi Việt Nam, khán giả nhanh chóng phát hiện ra tấm bản đồ có đường lưỡi bò xuất hiện trong cảnh nhân vật Thời Nghi (Bạch Lộc đóng) ngồi trên máy bay sang Đức. Sau khi dư luận, truyền thông lên tiếng, iQiyi xử lý phân cảnh này mà không có bất kỳ thông báo nào.
Tương tự, vào đầu tháng 8, dư luận cũng phản ánh về bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trong tập 9 của phim Em là niềm kiêu hãnh của anh. Thời điểm đó, bà Phạm Thùy Trang - Giám đốc quốc gia WeTV, nơi chiếu độc quyền phim này tại Việt Nam cho biết nội dung phát sóng đều được biên tập.
Theo bà Trang, tất cả hình ảnh bản đồ của Trung Quốc đều kiểm duyệt và xử lý trước khi phát sóng. Bà cũng cho rằng hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội đến từ các nguồn không chính thống, không đưa ra phản hồi vì không thể kiểm soát được độ trung thực của hình ảnh. Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi thắc mắc bởi hình ảnh có đường lưỡi bò được lan truyền nằm trong một phân cảnh có cả phụ đề tiếng Trung và tiếng Việt?
Với những gì đã xảy ra, thật khó để không lo ngại khi lượng phim Trung Quốc đổ về ngày càng nhiều trên các nền tảng xem phim này, mà việc kiểm duyệt, quản lý vẫn đang còn nhiều kẽ hở.
Ông Vi Kiến Thành Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết hiện Cục này không quản lý những ứng dụng xem phim trực tuyến được đề cập bên trên. Lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử của Bộ Thông tin Truyền thông.
Hiện việc quản lý các dịch vụ phát thanh, truyền hình chịu sự điều chỉnh của Nghị định 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình được ban hành năm 2016. Thời điểm nghị định ban hành, các ứng dụng chiếu phim trực tuyến chưa phát triển tại Việt Nam. Vì thế, luật định vẫn chưa thể bao quát. Về bản chất iQiYi, WeTV cũng không khác so với Netflix, thuộc nhóm dịch vụ truyền hình trả tiền theo yêu cầu. Trong khi Netflix phát triển như vũ bão trong thời gian gần đây thì luật hiện hành vẫn chưa có cơ sở để quản lý.
Trong một cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, PGS.TS Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế nhận định sự phát triển của Netflix nhưng không quản lý được ngoài thất thoát kinh tế, còn tạo ra lo ngại truyền bá văn hoá sai lệch trong giới trẻ. Dĩ nhiên với WeTV hay iQiYi cũng không ngoại lệ, nếu chưa kiểm soát được.
Ông Trịnh Minh Anh cho rằng sự phát triển của công nghệ hiện tại rất nhanh thì luật phải cần được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Công tác quản lý cũng cần thay đổi, học tập kinh nghiệm nhiều hơn từ nước ngoài.
Hiện khi chưa có luật định cụ thể, ông Vi Kiến Thành cho rằng nếu nội dung vi phạm có thể căn cứ theo Luật An ninh mạng để xử lý. Từ thực tiễn cho thấy việc sớm hoạch định, nhằm quản lý tốt hơn các ứng dụng chiếu phim là nhu cầu khá cấp thiết, để tránh những sự việc tương tự đã từng xảy ra.