Hội thảo quốc gia “90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm”.
Ảnh: VGP/Gia Huy
Báo chí là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân
Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, báo chí cách mạng Việt Nam luôn phấn đấu hoàn thành sứ mạng của mình, là công cụ sắc bén tuyên truyền bảo vệ lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động.
Đảng luôn coi báo chí là phương tiện hữu hiệu để tiến hành giáo dục chính trị tư tưởng, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, là cầu nối giữa Đảng và nhân dân.
Tại Hội thảo quốc gia “90 năm báo chí cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” do Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam tổ chức sáng 18/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, qua 30 năm đổi mới đất nước, báo chí nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, từng bước đổi mới thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông.
Với sự phát triển mạnh mẽ, báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả chung của công cuộc đổi mới: Tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; tích cực tuyên truyền có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, có thể tự hào khẳng định, đến nay báo chí đã là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.
Trước tình hình mới, báo chí cần giữ vững và phát huy hơn nữa bản chất cách mạng, là công cụ tư tưởng của Đảng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, luôn hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới.
Cùng với sự phát triển của báo chí, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí, bảo đảm các yêu cầu về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, tri thức về khoa học-công nghệ thông tin, kiến thức và tri thức pháp luật, trình độ chính trị vững vàng.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, thương mại hóa báo chí vừa là vấn đề thực tiễn nhưng lại mang tính lý luận. Một mặt, báo chí phải bảo đảm nhiệm vụ chính trị, mặt khác phải lo cạnh tranh thông tin để phát triển, duy trì sự ổn định của cơ quan báo chí. Do vậy, công tác quản lý Nhà nước về báo chí cần chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí để tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đồng thời ngăn ngừa những tác hại từ mặt trái của kinh tế thị trường.
Đạo đức người làm báo phải đặt lên hàng đầu
PGS. TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định, trong xã hội hiện đại, vị thế, tầm ảnh hưởng, sức mạnh của báo chí ngày càng được khẳng định, chưa khi nào quyền lực của báo chí, khả năng tập hợp quần chúng, tạo dư luận xã hội lại thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ, nhanh chóng như bây giờ. Báo chí có thể tạo ra dư luận xã hội và đưa sự kiện, con người ra trước sự phán xét của dư luận xã hội.
Chính vì vậy, nhà báo càng cần phải có những phẩm chất đạo đức cá nhân và phẩm chất nghề nghiệp xứng đáng, cần luôn ý thức và rèn luyện phẩm chất đạo đức công dân và đạo đức nghề nghiệp.
Theo PGS. TS Vũ Văn Phúc, nhà báo có phẩm chất đạo đức tốt, có đạo đức nghề nghiệp sẽ là một nhà báo giỏi, có trách nhiệm với xã hội và cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng.
Một nhà báo thiếu phẩm chất đạo đức khi viết bài phê bình các hiện tượng tiêu cực, cũng giống như người đi tuyên truyền thuyết giảng về những giá trị đạo đức mà bản thân lại thiếu hụt những giá trị đó. Cách nói và làm khác nhau sẽ rất khó có sức thuyết phục.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương nhấn mạnh, người làm báo cần luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Giữ vững bản lĩnh chính trị để xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ.
Đối với nhà báo, đạo đức của người làm báo phải đặt lên hàng đầu. Đạo đức ấy không chỉ giới hạn trong một số phẩm chất có liên quan đến cách sống, lối sống, trong mối quan hệ giữa người này với người khác, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp… Đạo đức người làm báo trước hết phải xem xét từ góc độ quan hệ với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc và nhân dân.
Nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh: “Đối với mỗi nhà báo, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp không bao giờ là chuyện cũ”.