Nhà mạng Việt Nam tham gia Liên minh Open RAN thúc đẩy 5G

HL| 02/07/2021 09:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Liên minh Vô tuyến Open RAN (O-RAN Alliance) là một tổ chức quốc tế thúc đẩy, thực thi việc chuẩn hóa, triển khai công nghệ truy nhập vô tuyến mở (Open RAN) trên thế giới. Tập đoàn VNPT đã chính thức trở thành thành viên của Liên minh này. Ngoài VNPT, VinSmart và Viettel cũng tham gia Liên minh này.

Nhiều quốc gia trên thế giới triển khai chính sách thúc đẩy mạng Open RAN

RAN là một phần của hệ thống viễn thông kết nối các thiết bị với các bộ phận khác của mạng thông qua kết nối vô tuyến không dây. Với Open RAN, cơ sở hạ tầng 5G có thể không còn bị phụ thuộc vào nhu cầu về phần cứng độc quyền đắt tiền.

Công nghệ Open RAN có những tiềm năng nhất định trong việc triển khai mạng truy cập vô tuyến, nên đã thu hút được nhiều tổ chức, nhà sản xuất tham gia vào nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm. Hiện trên thế giới có một số nhóm nghiên cứu, phát triển Open RAN như là: O-RAN Alliance, Open-RAN Policy Coaliation, Telecom Infra Project, O-RAN Software Community, Small Cell Forum...

Đặc điểm chung khi triển khai mạng Open RAN là cần có đủ lượng phổ tần để triển khai các công nghệ mạng 2G/3G/4G và 5G và Open RAN. Chính sách liên quan tới Open RAN cần đảm bảo tính linh hoạt không chỉ dựa trên khía cạnh triển khai công nghệ mạng 5G mà còn các công nghệ mạng khác như 2G/3G/4G. Cơ quan quản lý của các nước trên thế giới đang tăng cường hỗ trợ phát triển Open RAN và hiện đã nhiều quốc gia triển khai các dự án đầu tư, đổi mới và triển khai mạng Open RAN.

Tại Nhật Bản, tháng 4/2019, Bộ Nội vụ và Truyền thông đã cấp phép trực tiếp băng tần 5G cho các nhà mạng. Nhà mạng Rakuten được cấp 500 MHz phổ tần (3800-3900 MHz và 27-27,4 GHz), lượng phổ tần mà Rakuten được cấp tương đương với phổ tần mà các nhà mạng 5G khác của Nhật Bản được cấp. Rakuten cam kết với Chính phủ Nhật Bản triển khai dịch vụ 5G trên toàn quốc trong vòng 2 năm. Tháng 4/2021, Rakuten đã được cấp thêm băng tần 1,7 GHz (1860-1880 MHz) để sử dụng cho 5G.

Tại Ấn Độ, nhà mạng Jio đã không đạt được kỳ vọng như kế hoạch đã đề ra do không được đáp ứng về nhu cầu phổ tần. Nhà mạng Jio đã không xin được giấy phép thử nghiệm 5G ở các băng tần 26,5 - 29,5 GHz và 24,25 - 27,5 GHz và 3,5 GHz. Phiên đấu giá phổ tần 4G (băng 7) - không bao gồm băng tần 3300 - 3600 MHz đã kết thúc vào ngày 2/3/2021. Nhà mạng Jio chỉ được cấp phép băng tần 800 MHz, 1800 MHz và 2300 MHz.

Tại Hoa Kỳ, nhà mạng DISH cam kết với chính phủ xây dựng mạng 5G trên nền tảng Open RAN sử dụng băng tần 700 MHz và 600 MHz đã được cấp phép. Tới tháng 6/2023, DISH cam kết phủ sóng 70% dân số bằng băng tần 700 MHz và phủ sóng 75% dân số bằng băng tần 600 MHz. Nếu DISH đáp ứng được tiêu chí phủ sóng tối thiểu 50% dân số của Hoa Kỳ vào tháng 6/2023, các mốc thời hạn này sẽ được kéo dài đến tháng 6/2025. Ngược lại, nếu không đáp ứng được các mốc thời hạn triển khai mạng 5G nêu trên, DISH sẽ bị thu hồi giấy phép và bị phạt rất nặng. DISH cũng có kế hoạch sử dụng phổ tần 3,5 GHz để triển khai 5G. Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu DISH phải cung cấp các dịch vụ băng thông rộng 5G chứ không phải là các dịch vụ IoT hay các dịch vụ không phải là 5G.

Cơ hội tiếp cận, khai thác các tri thức từ Open RAN

Hiện Open RAN đang là xu thế công nghệ mới, là giải pháp chuẩn hóa giao diện vô tuyến dựa trên nền tảng ảo hóa, cho phép thiết bị vô tuyến của các nhà mạng có thể tương thích chéo lẫn nhau.

Ví dụ, thiết bị BBU của Nokia có thể kết nối với thiết bị RRU của nhà cung cấp Altiostar (Mỹ) theo chuẩn Open RAN, thay vì chỉ có thể kết nối với RRU của Nokia như trước đây. Nhờ đó các nhà mạng sẽ tiết kiệm được chi phí vốn (CAPEX) đầu tư hạ tầng vô tuyến, hạn chế hiện tượng vendor-lock, giảm sự lệ thuộc vào lộtrình (roadmap) sản phẩm của một vài hãng cung cấp thiết bị. Chi phí OPEX cũng giảm do sử dụng hạ tầng thiết bị được đơn giản hóa bằng nền tảng áo hóa trên các phần cứng tiêu chuẩn.

Được thành lập từ năm 2018 với sự tham gia sáng lập của 5 nhà mạng viễn thông lớn trên thế giới là AT&T, China mobile, Deutsche Telekom, NTT DOCOMO và Orange với mục tiêu chuẩn hóa giao diện trong mạng vô tuyến 4G/5G để các thiết bị vô tuyến có thể tương thích chéo lẫn nhau, đến nay O-RAN Alliance đã có 282 thành viên gồm các nhà mạng viễn thông, hãng sản xuất thiết bị, các tổ chức nghiên cứu, học thuật. Trong đó, các nhà mạng viễn thông lớn trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ Open RAN, một xu thế công nghệ mới, là giải pháp chuẩn hóa giao diện vô tuyến dựa trên nền tảng ảo hóa, cho phép thiết bị vô tuyến của các nhà mạng có thể tương thích chéo lẫn nhau.

Việc trở thành thành viên của Liên minh Open RAN sẽ giúp Tập đoàn VNPT có cơ hội tiếp cận, khai thác các tri thức, kết quả đã được phát triển của Liên minh với công nghệ Open RAN để phục vụ công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm của VNPT. Đây sẽ là tiền đề để Tập đoàn VNPT hợp tác thử nghiệm, sẵn sàng cho hệ sinh thái Open RAN cũng như mở rộng hình ảnh thương hiệu qua sự hiện diện tại tổ chức công nghệ lớn trên thế giới.

Hơn nữa, VNPT còn có cơ hội hợp tác thử nghiệm với các hãng sản xuất thiết bị là thành viên của liên minh, triển khai và đánh giá giải pháp Open RAN trên hạ tầng mạng vô tuyến của VNPT, tham gia chuỗi nghiên cứu, phát triển sản phẩm giải pháp Open RAN, tiến tới làm chủ công nghệ, thiết bị giải pháp Open RAN trên nền tảng ảo hóa cấu trúc mạng vô tuyến trên cơ sở kế thừa hệ thống tri thức, tiêu chuẩn đã được phát triển bởi liên minh.

Cùng với đó, tham gia Liên minh Open RAN, các đơn vị đang triển khai các nhiệm vụ chiến lược của VNPT sẽ được tiếp cận, khai thác các tri thức, kết quả đã được phát triển của liên minh với công nghệ Open RAN, phục vụ công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm của Tập đoàn VNPT./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng Việt Nam tham gia Liên minh Open RAN thúc đẩy 5G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO