Nhà nước cần hỗ trợ Kỹ năng làm việc thực tế tại doanh nghiệp cho sinh viên ngành CNTT (P2)

Tô Hồng Nam| 16/10/2015 17:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Với hơn 90 triệu dân, lại có truyền thống hiếu học lâu đời thì tham vọng đạt 1 triệu nhân lực hoạt động trong lĩnh vực CNTT là có sơ sở, đưa nước ta vào danh sách các quốc gia có nhân lực CNTT cỡ triệu người trong 5- 10 năm tới (hiện nay chỉ có Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ).

THỰC TRẠNG CUNG

Trong các trường đại học, cao đẳng, sinh viên được trang bị khá nhiều kiến thức lý thuyết nhưng các chương trình giảng dạy về CNTT còn thiếu kiến thức thực hành, có khoảng cách khá xa giữa nội dung đào tạo với yêu cầu của nhà tuyển dụng, thiếu tính liên thông ở các cấp độ khác nhau. Theo công ty Điện tử Samsung Việt Nam (SEV) tại năm 2013, Việt Nam có đầy đủ các Khoa cũng như số lượng học sinh đang theo học chuyên ngành CNTT, ĐT-VT. Tuy nhiên, trên thực tế việc đào tạo lập trình các ngôn ngữ cụ thể như C, Java, Embedded, Android còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng [6].

Các kỳ thực tập tốt nghiệp là bắt buộc và vô cùng quan trọng đối với sinh viên, đặc biệt là sinh viên CNTT. Những trải nghiệm ban đầu này giúp sinh viên tự tin hơn sau khi ra trường và đi tìm việc, giúp các bạn không quá ảo tưởng dẩn đến thất vọng về thực tế khi thực sự tham gia thị trường lao động. Trong quá trình thực tập, sinh viên có thể thiết lập được các mối quan hệ trong nghề nghiệp của mình, thu thập thông tin về doanh nghiệp - điều này rất hữu ích cho sinh viên khi ra trường. Nếu thực tập tốt, sinh viên còn có cơ hội kiếm được việc làm ngay trong quá trình thực tập.

Tuy nhiên, việc thực tập, thực hành để vận dụng những kiến thức đó vào những trường hợp thực tế cụ thể thì còn nhiều hạn chế. Trong nhiều trường hợp, bản thân giảng viên ở các trường cũng chưa có nhiều cơ hội để thực hành các kiến thức lý thuyết trong môi trường thực tế. Chính vì thế nên chất lượng đào tạo thực hành chưa cao. Việc thực tập tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng nhiều khi còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, có nơi, có lúc còn bị bỏ qua. Các công ty, doanh nghiệp trong nhiều trường hợp cũng không nhiệt tình khi tiếp nhận sinh viên đến thực tập vì nhiều lý do khác nhau. Một phẩn đây là việc không có tính bắt buộc cũng như ràng buộc về trách nhiệm, không có thù lao xứng đáng và các nhân viên có kinh nghiệm lại ngại hoặc quá bận không có thời gian để hướng dẫn cụ thể. Họ rất lo lắng xảy ra sai sót trong khi tác nghiệp, hoặc đôi khi còn là vấn đề về bí mật kinh doanh, hay chỉ đơn giản là không muốn vì có thể rắc rối sau này. Vì vậy, đa số các sinh viên còn thiếu điều kiện thực hành, thiếu trải nghiệm các dự án thực với sự hướng dẫn của những nhà quản lý dự án, các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn.

Ngay cả việc tìm nơi thực tập tốt nghiệp cũng đang có nhiều bất cập. Nhiều trường hợp, các sinh viên năm cuối phải tự liên hệ thông qua các mối quan hệ cá nhân, bè bạn, gia đình. Thực tế, có nhiều nơi, mặc dù nhà trường giới thiệu sinh viên thực tập, họ cũng không tin tưởng và tìm nhiều lý do để thoái thác hoặc nhận một cách miễn cưỡng. Một số sinh viên may mắn được nhận vào thực tập ở các doanh nghiệp thì cũng không được thực sự tham gia vào công việc chuyên môn mà chủ yếu đọc tài liệu hoặc giao làm một số công việc vặt, không thực sự liên quan đến chuyên ngành đào tạo. Trong khi đó thì giáo viên, nhà trường hầu như phó thác hoàn toàn trách nhiệm cho nơi thực tập, tùy họ hướng dẫn thế nào cũng được. Có nơi sinh viên chỉ có mặt vài buổi xin số liệu rồi về viết báo cáo. Có thể biết như vậy nhưng nhà trường cũng khó để yêu cầu thêm nữa vì doanh nghiệp đã tạo điều kiện nhận sinh viên là đã rất tốt rồi. Kết quả cuối cùng của cả khóa thực tập dựa vào báo cáo thực tập được doanh nghiệp xác nhận khá dễ dãi, vì thế cũng không phản ánh đúng thực tế.

Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên bao gồm: việc thực tập chưa được chú trọng; cơ sở vật chất, phòng thực hành ở các trường chưa được đầu tư, nâng cấp; giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu; mức kinh phí chi cho hoạt động thực tập còn thấp, không tương xứng; thiếu sự liên kết giữa các trường và doanh nghiệp. Để góp phần giải quyết vấn đề này, trước mắt, cần sự vào cuộc của Nhà nước đóng vai trò kết nối, hỗ trợ, tạo cú hích giúp tăng cường kiến thức, kỹ năng làm việc thực tế cho sinh viên.

Ở nước ta hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có điều kiện đã chủ động tự giải quyết vấn đề nêu ra ở trên. Một hình thức khá phổ biến là thông qua các mối quan hệ, liên kết với các cơ sở đào tạo để tuyển chọn sinh viên các năm cuối đến đào tạo bổ sung, sau đó cho tham gia triển khai các dự án thực mà doanh nghiệp đang thực hiện. Điển hình phải kể đến đó là Chương trình hỗ trợ sinh viên làm việc thực tế của công ty FPT, đối tượng là sinh viên năm cuối hoặc mới tốt nghiệp được lựa chọn để tham gia làm việc như nhân viên chính thức của công ty cả về thời gian và điều kiện thực tế. Mục đích nhằm tạo môi trường thực tế hỗ trợ đào tạo kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, tìm kiếm nhân tài cho công ty. Yêu cầu sinh viên năm cuối đủ điều kiện tốt nghiệp, có khả năng tổ chức, đọc tài liệu chuyên ngành và giao tiếp tiếng Anh cơ bản, đam mê CNTT, nhanh nhẹn, mong muốn làm việc lâu dài trong lĩnh vực ERP. Công việc gồm triển khai hạ tầng phần cứng cho các dự án ERP và thực hiện cài đặt các hệ thống ERP (Oracle, SAP). Sinh viên được làm việc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia FPT nhiều năm kinh nghiệm làm dự án ERP trong và ngoài nước. Thời gian làm việc thực tế 8h/ngày, 5ngày/ tuần trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng [7]. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình của các doanh nghiệp khác như Samsung Talent Program hợp tác đào tạo với ĐH Bách khoa Hà Nội và Chương trình tuyển thực tập viên Samsung Asia Elite 2013 của SEV [6].

Hơn nữa, thời gian qua, triển khai Quyết định 50/2009/QĐ-TTg [4], Nhà nước đã có các dự án hỗ trợ doanh nghiệp CNTT tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn. Các dự án này đang được tích cực triển khai và nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ phía doanh nghiệp CNTT và xã hội. Tuy nhiên, việc giới hạn đối tượng được đào tạo phải là người đang làm việc trong một tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT dẫn đến nhiều khó khăn trong xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo vì nhu cẩu về nội dung đào tạo, thời gian đào tạo của các doanh nghiệp CNTT và người học không thống nhất. Vấn đề này làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của dự án. Trên thực tế, hoàn toàn có thể đào tạo bổ sung kiến thức làm việc và kỹ năng thực hành trên các dự án thực tế cho sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường thay vì sau khi tốt nghiệp đi làm. Điều này sẽ góp phẩn làm giảm tỉ lệ sinh viên học CNTT nhưng không thể kiếm việc làm đúng ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp. Để giải quyết hạn chế nói trên, nhiều cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có đề xuất mở rộng đối tượng đào tạo cho các sinh viên CNTT năm cuối hoặc kỹ sư CNTT mới tốt nghiệp.

ĐỀ XUẤT

Từ những phân tích trên, để chủ động nâng cao chất lượng nhân lực CNTT, tạo "cú hích“, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cẩn nghiên cứu, xây dựng Chương trình hỗ trợ tăng cường kiến thức, kỹ năng làm việc thực tế cho sinh viên CNTT. Mục tiêu chung của dự án là: (1) Nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành cho sinh viên ngành CNTT, An toàn thông tin (ATTT) và Điện tử - Viễn thông, góp phẩn thúc đẩy phát triển chất lượng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam; (2) Tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, hướng đến mô hình đào tạo gắn với nhu cẩu sử dụng, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực CNTT, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực CNTT; (3) Hỗ trợ sinh viên CNTT sớm tiếp cận môi trường và các điều kiện làm việc thực tế, tạo lập được mối quan hệ với các doanh nghiệp, qua đó mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Mục tiêu trên phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ; phù hợp với nội dung của Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; phù hợp với nhu cầu của cả các trường, doanh nghiệp và sinh viên CNTT, chính vì vậy Chương trình có tính khả thi, khả năng triển khai thực tế rất cao.

Các trường và doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tuyển chọn các sinh viên mới tốt nghiệp hoặc năm cuối đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo. Sinh viên tham gia Chương trình, trước tiên, được tham gia khóa bổ sung kiến thức, kỹ năng làm việc, kỹ năng mềm, cập nhật kỹ thuật chuyên sâu (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết trình...). Sau đó, những sinh viên đạt yêu cầu sẽ được đưa đến các doanh nghiệp để thực tập, đào tạo thông qua công việc (Training & practice-on-job) với 4 "thực“: môi trường thực, dự án thực, người quản lý dự án thực, áp lực thời gian thực. Chương trình bao gồm 3 nội dung chính sau: (1) Tổ chức lựa chọn sinh viên các ngành CNTT, ATTT, ĐT-VT đủ điều kiện tham gia dự án; (2) Tổ chức đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng làm việc thực tế cần thiết để sinh viên có khả năng tiếp cận, hòa nhập với môi trường làm việc thực tế tại các doanh nghiệp; (3) Tổ chức lựa chọn và đưa sinh viên đến làm việc tại các doanh nghiệp thông qua hình thức tham gia thực hiện các dự án thực đang triển khai. Ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ khoảng 50% chi phí tổ chức khóa đào tạo, phần còn thiếu do các doanh nghiệp, trường tham gia chi trả. Ngân sách nhà nước chủ yếu sẽ chi cho các hoạt động tuyển chọn sinh viên, đào tạo bổ sung kiến thức/ kỹ năng làm việc thực tế, phụ cấp, tài liệu cho sinh viên. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng có thể hỗ trợ khoảng 30-50% kinh phí mà doanh nghiệp tham gia dự án phải chi lương cán bộ hướng dẩn, khấu hao tài sản hay chi phí văn phòng phẩm.

Với hơn 90 triệu dân, lại có truyền thống hiếu học lâu đời thì tham vọng đạt 1 triệu nhân lực hoạt động trong lĩnh vực CNTT là có sơ sở, đưa nước ta vào danh sách các quốc gia có nhân lực CNTT cỡ triệu người trong 5- 10 năm tới (hiện nay chỉ có Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ). Tuy nhiên, nếu cứ để phát triển tự phát, không có sự vào cuộc của Nhà nước thì khó có thể đạt được mục tiêu nêu trên cả về số lượng cũng như chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu ra khu vực và trên thế giới. Hi vọng với những phân tích về thực trạng cung, cầu nhân lực và những ý tưởng đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu, xây dựng và đưa vào triển khai một chương trình hỗ trợ tăng cường kiến thức, kỹ năng làm việc thực tế cho sinh viên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Một khi chương trình được triển khai thành công sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT nước nhà, đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập quốc tế

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước cần hỗ trợ Kỹ năng làm việc thực tế tại doanh nghiệp cho sinh viên ngành CNTT (P2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO