Nhà Trắng họp khẩn với các CEO công nghệ về AI
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ gặp gỡ các giám đốc điều hành (CEO) của Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic vào ngày 4/4 để thảo luận về sự phát triển có trách nhiệm của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thông tin được Nhà Trắng xác nhận với CNBC ngày 3/4 và cho biết Phó Tổng thống Harris sẽ trao đổi về các biện pháp có thể giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn của AI và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đổi mới có đạo đức và đáng tin cậy.
Phó Tổng thống Mỹ sẽ tham gia cùng với các thành viên cấp cao khác của chính quyền Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo; Chánh văn phòng của Tổng thống Biden là Jeff Zients, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Arati Prabhakar cùng những người khác.
CNBC thông tin thêm rằng các quan chức Mỹ sẽ có một “cuộc thảo luận thẳng thắn” với các CEO về AI, đặc biệt là những rủi ro từ sự phát triển “hiện tại và trong tương lai gần” của công nghệ này.
Đại diện của Google và OpenAI chưa đưa ra câu trả lời. Người phát ngôn của Microsoft từ chối bình luận. Đại diện của Anthropic xác nhận công ty sẽ tham dự cuộc họp.
AI tạo sinh đã bùng nổ trong cộng đồng sau khi OpenAI phát hành chatbot mới có tên ChatGPT vào cuối năm ngoái. ChatGPT đã thu hút sự chú ý của công chúng nhờ khả năng viết câu trả lời nhanh chóng cho nhiều loại truy vấn, đặc biệt đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Mỹ vì nó đã trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử với hơn 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Trong những tháng sau đó, Microsoft đã tích hợp công nghệ này trên nhiều sản phẩm của mình như một phần của khoản đầu tư nhiều tỷ USD trong nhiều năm vào công ty. Google đã ra mắt một chatbot tạo sinh cạnh tranh có tên là Bard vào tháng 2 và Anthropic đã công bố chatbot của mình, Claude, vào tháng 3.
Trong khi nhiều chuyên gia lạc quan về tiềm năng của AI, thì công nghệ này cũng đặt ra những câu hỏi và mối quan tâm từ các cơ quan quản lý và những gã khổng lồ trong ngành công nghệ. Geoffrey Hinton, được một số người trong ngành công nghệ gọi là “cha đỡ đầu của AI”, đã rời vị trí lâu năm của mình tại Google một phần để chia sẻ mối lo ngại của ông về mối đe dọa tiềm tàng của AI, theo thông tin ngày 2/5. Elon Musk, CEO của Tesla, SpaceX và Twitter, là một trong số hơn 27.000 người đã ký một bức thư ngỏ vào tháng 3 kêu gọi các phòng thí nghiệm AI tạm dừng phát triển.
Những lo ngại về công nghệ AI đã tăng lên nhanh chóng bao gồm vi phạm quyền riêng tư, sự thiên vị và lo lắng rằng nó có thể làm gia tăng các trò gian lận cũng như thông tin sai lệch.
Hồi tháng 4, Tổng thống Biden cho biết vẫn còn phải xem xét liệu AI có nguy hiểm hay không nhưng nhấn mạnh rằng các công ty công nghệ có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm của họ an toàn.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang xem xét các ý kiến của công chúng về các biện pháp chịu trách nhiệm được đề xuất cho các hệ thống AI, bởi những lo ngại về tác động của công nghệ đối với an ninh và giáo dục quốc gia.
Vào ngày 2/5, các đại biểu từ Hội đồng Chính sách Nội địa của Nhà Trắng và Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng đã viết trong một bài đăng trên blog về việc công nghệ này có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng như thế nào đối với người lao động.
Nhà Trắng cho biết cuộc họp diễn ra ngày 4/5 là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thu hút sự tham gia của các chuyên gia về công nghệ và đảm bảo rằng các sản phẩm AI an toàn trước khi chúng được triển khai ra công chúng./.