Từ tiểu thuyết đầu tiên “Nắng đồng bằng” (1978) đến tác phẩm gần đây nhất “Mưa đỏ” (2016), qua hơn 4 thập kỷ cầm bút viết về đề tài chiến tranh cách mạng, nhà văn Chu Lai đã đi một hành trình dài với nhiều chiêm nghiệm.
Tại buổi giao lưu ra mắt sách “Chu Lai - Một đời lính, một nghiệp văn” trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội 2019 vừa diễn ra, nhà văn Chu Lai chia sẻ: nếu không trải qua cuộc đời trận mạc, ông khó có thể viết về chiến tranh chân thực như vậy. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những nhà văn trẻ sẽ khó khai thác đề tài này vì họ sinh ra trong thời bình.
"Chiến tranh không phải độc quyền của các nhà văn già. Tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình" ra đời sau 50 năm chiến tranh nhưng đã gây tiếng vang lớn. Sự chiêm nghiệm, suy nghĩ, yêu mến một mảng đề tài sẽ tạo ra những tác phẩm hay và sống lâu trong lòng độc giả. Chiến tranh viết kiểu gì cũng không hết được, càng lùi xa trầm tích càng dội về, càng khai thác càng thiếu hụt. Nếu đề tài này được đẩy đến cùng của hỷ nộ ái ố thì vẫn hấp dẫn người đọc", ông nói.

Theo Chu Lai, nếu viết tiểu thuyết về chiến tranh mà chỉ nhắm vào sự trần trụi, người đọc sẽ khó tiếp nhận. Tác phẩm của ông luôn đặt bối cảnh trận mạc bên cạnh sự lãng mạn của tình yêu.
Ông nói rất chân tình: "Tất cả tiểu thuyết của tôi đều là chiến tranh nhưng chúng không là gì nếu không có tình yêu. Tiểu thuyết của tôi đều ca ngợi đàn bà. Hình bóng những cô gái trong trận mạc làm giàu thêm cuộc sống thời chiến".
Tác giả cho biết hơn bốn thập kỷ qua, ông vẫn bị ám ảnh bởi cuộc chiến - như cách ông thể hiện trong tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng" năm 1991. "Dĩ vãng chiến tranh quá đau thương, hào sảng và thiêng liêng, đến nỗi nhiều người cứ sống trong đó mà không thoát ra được".

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng cho rằng Chu Lai được người đọc ghi nhớ không chỉ bởi trải nghiệm chiến tranh mà còn bởi trải nghiệm văn hóa: "Dù có 10 năm nữa, nhà văn Chu Lai vẫn có thể dẫn dụ độc giả như hiện tại".
Thế hệ đi trước họ đã sống dưới thời kỳ chiến tranh, đã trải nghiệm chiến tranh và đã viết nên những tác phẩm để lại những bài học sâu sắc nhất mà các thế hệ sau, sau nữa vẫn luôn trân trọng.
Bởi vậy, sự kiện cũng là dịp để thế hệ độc giả, đặc biệt là giới trẻ được hiểu hơn về câu chuyện chiến tranh, về quá trình sáng tạo nên những tác phẩm thuộc về quá khứ xa xôi nhưng vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày hôm nay. Vì thế, những trang giấy trong căn phòng sáng tác chính là cái neo tâm hồn, tính cách nhà văn Chu Lai vào cuộc đời.