Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại phiên họp (Ảnh: HC)
Tại phiên họp chính thức của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban) sáng 30/9 để thẩm định dự án Luật Báo chí (sửa đổi), thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đọc Tờ trình số 460/TTr-CP ngày 29/9 của Chính phủ kính gửi Quốc hội về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Tiếp đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Nhu Tiến đã trình bày dự tháo báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Theo đó, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí sau 16 năm thi hành, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.
Báo cáo thẩm tra cho hay, Ủy ban cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và bố cục của Luật Báo chí (sửa đổi) như trong dự thảo Luật. Về tổng thể, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã kế thừa những nội dung cơ bản của Luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Như Tiến, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí, làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.
Tuy nhiên báo cáo thẩm tra cũng nêu 12 nội dung về: quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí; nhà báo; cung cấp thông tin cho báo chí; họp báo; giấy phép hoạt động báo chí… mà theo Ủy ban là còn một số bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã đóng góp 10 ý kiến thảo luận chung quanh các vấn đề trên.
Sau khi Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Hoàng Hữu Lượng trao đổi, giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu cám ơn Ủy ban đã có báo cáo thẩm tra khá đầy đủ những nội dung quan trọng của dự án Luật cùng các ý kiến thảo luận rất tâm huyết, mổ xẻ vấn đề rất cụ thể của các đại biểu mà Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn cũng làm rõ thêm một số nội dung của Luật Báo chí (sửa đổi) mà các đại biểu quan tâm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Luật Báo chí (sửa đổi) là một dự án Luật rất quan trọng, rất khó và phức tạp, đã trải qua đến 18 lần dự thảo kể từ năm 2007 đến nay. Ông khẳng định, bao trùm lên dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là quyền tự do báo chí được thể hiện rất rõ. Nếu trước đây chỉ nói đến tự do báo chí đối với nhà báo, cơ quan báo chí và tự do ngôn luận của công dân trên báo chí thì trong lần dự thảo này đã nói rõ và sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến các đại biểu để làm rõ phạm trù nội hàm “công dân”. Nội hàm theo chủ thể trong điều luật này chính là công dân.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu, làm rõ thêm nữa nội hàm về công dân, vì nhà báo cũng là công dân. Để làm sao có thể thấy rõ công dân có quyền tự do báo chí. Nhưng đương nhiên, giới hạn tự do báo chí ở đây không phải đến mức độ chúng ta tự do báo chí để dẫn đến người dân có quyền thành lập cơ quan báo chí. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội được chế tài theo pháp luật. Luật này chúng ta đưa ra chủ động về quyền tự do theo Hiến chương Liên hợp quốc, quyền quan trọng nhất là người ta được tiếp cận thông tin và biểu đạt thông tin, nhưng không phải tổ chức, người dân có thể tự do thành lập cơ quan báo chí!” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nêu rõ.
Tại phiên họp thứ 9 tổ chức ở Đà Nẵng ngày 30/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhất trí thông qua báo cáo thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi) để trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 cho ý kiến (Ảnh: HC)
Phát biểu kết thúc phiên họp, GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban nhận định, qua trao đổi của các đại biểu không có nội dung gì không đồng ý với dự thảo báo cáo thẩm tra và đã được Ban soạn thảo dự án Luật Báo chí (sửa đổi) tiếp thu. Chỉ có một điều còn có sự khác biệt là việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy đinh: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Tuy nhiên báo cáo thẩm tra của Ủy ban và nhiều đại biểu cho rằng việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, Ủy ban đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Do sự khác biệt này, Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi đã đề nghị các đại biểu biểu quyết. Kết quả đa số đại biểu đồng ý với báo cáo thẩm tra là chỉ yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Về các nội dung khác, ông Đào Trọng Thi đề nghị các đại biểu cho phép Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến thảo luận tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo báo cáo thẩm tra để trình ra kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 (dự kiến diễn ra vào tháng 11/2015). Đồng thời ông đề nghị các đại biểu biểu quyết thông qua về nguyên tắc dự thảo báo cáo thẩm tra Luật Báo chí (sửa đổi) với điều kiện sẽ sửa đổi, chỉnh lý như đã thảo luận và nhất trí tại phiên thảo.
Kết quả, tất cả các đại biểu tham dự phiên họp đã biểu quyết nhất trí thông qua về nguyên tắc dự thảo báo cáo thẩm tra Luật Báo chí (sửa đổi). Theo ông Đào Trọng Thi, nhiệm vụ cuối cùng của phiên họp toàn thể của Ủy ban chính là thông qua thẩm tra báo cáo dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Tuy đây là dự án Luật rất phức tạp, nhạy cảm nhưng các thành viên Ủy ban đã có sự nhất trí cao. Trên tinh thần đó, ông hy vọng dự án Luật sẽ được thuận lợi khi trình ra Quốc hội sẽ được thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa này.