Nhiều bất cập trong bảo đảm vệ sinh nước sạch nông thôn

Minh Nhung| 13/10/2017 21:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, hầu hết các trạm cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn đã được các đơn vị quản lý thực hiện tốt công tác vệ sinh trong hệ thống trạm đầu mối. Tuy nhiên còn một số trạm, đặc biệt là tại các trạm cấp nước do UBND xã và cộng đồng quản lý còn chưa bảo đảm vệ sinh như trong bể lắng, lọc, bể chứa nước sạch…

Hà Nội phấn đấu bảo đảm cung ứng nguồn nước sạch cho khu vực nông thôn-Ảnh minh họa

Nguồn nước sinh hoạt tại khu vực nông thôn vẫn chưa bảo đảm vệ sinh

Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, những năm qua, Thành phố đã xây dựng 119 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Riêng năm 2016, có 81 công trình hoạt động ổn định, 3 công trình thành phố cho phép thanh lý thu hồi tài sản, 1 công trình thành phố cho phép đầu tư và 34 công trình đang đầu tư xây dựng hoặc không hoạt động do xây dựng dở dang hoặc do chuyển thành trạm cấp nước trung chuyển nước sạch từ hệ thống nước sạch thành phố.

Trên địa bàn nông thôn hiện nay có 81 trạm cấp nước (TCN) hoạt động ổn định với công suất thiết kế từ 300-2.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước ổn định cho khoảng 300 nghìn người dân nông thôn. Hiệu suất hoạt động trung bình của tất cả các trạm đạt khoảng 80% so với công suất thiết kế của các trạm. Có 4 mô hình quản lý các trạm cấp nước tập trung nông thôn gồm: Cộng đồng quản lý, hợp tác xã quản lý, UBND các xã quản lý và doanh nghiệp quản lý. Trong đó, mô hình doanh nghiệp quản lý có hiệu quả hoạt động cao nhất, do đội ngũ cán bộ quản lý vận hành trạm cấp nước được đào tạo cơ bản và phát huy tốt.

Mặc dù vậy, vấn đề xử lý chất thải trong quá trình lọc nước tại các trạm cấp nước ở khu vực nông thôn Hà Nội còn nhiều bất cập. Do chất thải trong quá trình lọc nước có chứa rất nhiều kim loại (sắt, asen…) độc hại với cơ thể con người đang được các trạm cấp nước xả thẳng ra môi trường. Trong tổng số 81 trạm cấp nước đang hoạt động có tới 77 trạm cấp nước là không có hệ thống xử lý chất thải. Đó là các trạm cấp nước đã được xây dựng từ lâu và vấn đề xử lý chất thải tại thời điểm đó chưa được quan tâm, dẫn đến thiết kế của trạm không có hệ thống xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, cũng do xây dựng từ lâu nên hệ thống đường ốngđược đầu tư cải tạo, nâng cấp nên nhiều chỗ bị xuống cấp, bục vỡ, dẫn đến tình trạng tỷ lệ thất thoát nước hiện nay của trạm cấp nước tập trung nông thôn trung bình khoảng 30%, đây là con số khá cao, với mức thất thoát thấp nhất là 7% và cao nhất là 70%.

Đặc biệt, năm 2016, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội đã tiến hành 2 đợt lấy mẫu của công trình cấp nước tập trung và mẫu được phân tích theo QCVN 02:2009/BYT. Kết quả cho thấy, các chỉ số có tác động lớn tới sức khoẻ của con người như Asen, Coliforms, E.coli… đã được các trạm cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn xử lý đạt quy chuẩn. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số chỉ tiêu như: Pecmanganat, amoni tại hầu hết các trạm đều vượt quy chuẩn cho phép.

Đa số các trạm cấp nước có nồng độ clo dư không nằm trong giới hạn cho phép (thấp hơn quy chuẩn). Đó là do người dân chưa quen với mùi của chất khử trùng, nếu đơn vị quản lý trạm cấp nước cho nồng độ clo dư đúng tiêu chuẩn thì người dân sử dụng nước phản ánh có mùi khó chịu, vì vậy đơn vị quản lý trạm cấp nước phải điều chỉnh nồng độ.

Ngoài ra, công tác quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn thành phố đến nay đã bộc lộ nhiều tồn tại như: Trình độ cán bộ quản lý vận hành chưa được đào tạo cơ bản, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố còn nghèo nàn; giá tiêu thụ nước chưa được tính đúng, tính đủ. Hầu hết các công trình cấp nước trên địa bàn nông thôn đã được đầu tư từ nhiều năm, hệ thống đường ống đã bị bục vỡ, xuống cấp.

Trước thực trạng này, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã hết sức quan tâm vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nhưng trong bối cảnh điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách thành phố còn hạn hẹp, vì vậy để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, 100% dân số khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch, thời gian qua Hà Nội đã đẩy mạnh công tác xã hội hoá nước sạch nông thôn và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 5/2017, UBND Thành phố đã chấp nhận chủ trương cho 10 nhà đầu tư thực hiện 20 dự án cấp nước cho khu vực nông thôn với phạm vi cấp nước cho 75 xã; khoảng 180.828 hộ với 729.312 người dân.

Hy vọng với sự vào cuộc nỗ lực của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đề ra, bảo đảm cung ứng nguồn nước sạch cho khu vực nông thôn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập trong bảo đảm vệ sinh nước sạch nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO