Chia sẻ tại tọa đàm "Trao đổi nhận diện "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang TTĐT-TH, MXH và "tư nhân hóa" báo chí", ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, cho biết “báo hóa” là một từ ngữ chỉ mang tính “diễn nôm”, các văn bản quy phạm pháp luật không có khái niệm nào gọi là “báo hóa”. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ban hành từ năm 2013, chưa có khái niệm “báo hóa” trang TTĐT- TH hay “báo hóa” tạp chí. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, hiện tượng báo hóa tạp chí, trang TTĐT-TH đã nổi cộm, trở thành vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội. Không chỉ có "báo hóa" tạp chí, trang TTĐT-TH, mà hiện nay còn xuất hiện cả hiện tượng "báo hóa" các trang MXH.
Những dấu hiệu báo hóa mạng xã hội và trang TTĐT-TH
Theo dữ liệu được lãnh đạo Cục PTTH và TTĐT đưa ra tại tọa đàm trao đổi nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang TTĐT-TH, MXH và tư nhân hóa báo chí, hiện nay số lượng trang TTĐT-TH trên cả nước là 1.750 trang, trong đó các trang TTĐT-TH do doanh nghiệp (DN) làm chủ có dấu hiệu “báo hóa” nhiều nhất.
Dấu hiệu nhận diện “báo hóa” rõ nhất là các trang TTĐT-TH và mạng xã hội sử dụng các tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, chẳng hạn như các tên miền chứa các từ như “báo”, “News”, “Times”, “Online Daily”... Ngoài tên miền, tên gọi các trang TTĐT-TH và MXH cũng chứa các từ gây nhầm lẫn như vậy.
Đối với các trang MXH, dấu hiệu báo hóa rõ rệt là thiết kế của trang MXH có giao diện, chuyên mục như một cơ quan báo chí, tổ chức sản xuất, tổng hợp tin bài, hoạt động như trang TTĐT-TH, thậm chí là như báo điện tử. Trong khi đó, tên gọi là trang MXH nhưng lại không có người dùng tương tác, thậm chí có những trang không mở tính năng cho người dùng đăng ký tài khoản, bình luận, không có tính năng để người dùng đăng tải, chia sẻ ý kiến, mà hoàn toàn do DN quản lý tự viết bài, tự đăng lên, mục đích chủ yếu để đăng những nội dung DN muốn, vi phạm các quy định hiện nay. Bởi vì, trong giấy phép trang TTĐT-TH hay trang MXH đều có giới hạn mục đích hoạt động, ví dụ trang TTĐT-TH chỉ tổng hợp thông tin về tiêu dùng, giải trí nhưng tin bài trên trang lại phản ánh nội dung rộng hơn phạm vi đó, ví dụ có cả các tin bài điều tra, chính trị…
Về mặt tổ chức, nhân sự, trang TTĐT-TH, trang MXH có số lượng nhân sự lớn, ký hợp đồng làm phóng viên (như các trang này tự gọi), cộng tác viên.
Rà quét ngày 28/3/2022 trên trang TTĐT-TH của một công ty truyền thông cho thấy trong một ngày, trang này đã có 213 bài xuất bản dẫn nguồn từ các báo, tạp chí khác nhau, trong đó có tới 55 bài “dẫn nguồn” của một tạp chí chuyên ngành, trong khi năng lực và tôn chỉ mục đích của tạp chí này không cho phép sản xuất một lượng tin bài lớn như vậy.
Còn nhiều kẽ hở trong các quy định, văn bản pháp luật
Theo ông Lê Quang Tự Do, các quy định của pháp luật hiện hành bất cập, chưa đầy đủ khiến các địa phương khi xử lý tình trạng "báo hóa" còn hạn chế. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là phải “lấp những kẽ hở này” để không còn hiện tượng “lách luật” và “báo hóa”. Chẳng hạn, ông Do cho biết sỡ dĩ xảy ra hiện tượng các trang TTĐT-TH đặt tên miền gây nhầm lẫn là do trong thực tế, quy định pháp luật đã nêu rõ các trang TTĐT-TH hay MXH không được phép đặt tên trang, tên miền có chứa các từ gây nhầm lẫn, nhưng trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP lại không đề cập rõ “gây nhầm lẫn cụ thể như thế nào”, vì thế cơ quan cấp phép, các sở TT&TT rất khó khăn trong việc chứng minh sai phạm “gây nhầm lẫn”.
Nghiêm trọng hơn, nhiều trang TTĐT-TH tự sản xuất tin bài như báo chí, rồi chuyển cho cơ quan báo chí phát hành trên mạng, sau đó trang TTĐT-TH đăng tải lại để hợp thức hóa nguồn tin. Về vấn đề này, ông Do cho rằng “phải khẳng định về mặt pháp luật không hề sai”, mà đây chính là “kẽ hở” của các quy định hiện hành. Chẳng hạn, quy định hiện hành như Nghị định 73 đã ban hành từ năm 2013, chưa có khái niệm về “báo hóa trang TTĐT-TH”, và chỉ quy định trang TTĐT-TH phải đăng lại sau báo, tạp chí, nhưng lại không ghi rõ là “đăng lại sau bao lâu". Chính vì thế, đăng lại sau 1 giây cũng gọi là “đăng lại”. Lợi dụng kẽ hở này, tin bài xuất hiện trên trang TTĐT-TH gần như đồng thời với cơ quan báo chí, chỉ cần “sau 1 giây” là đúng luật.
Đối với tạp chí điện tử, quy định cũng chỉ đề cập tạp chí điện tử xuất bản tin bài theo “định kỳ” song cũng không chỉ rõ “định kỳ là bao lâu”. Chính những quy định chưa rõ ràng và đầy đủ như vậy đã khiến hiện tượng “báo hóa” trang TTĐT-TH, "báo hóa" trang MXH xuất hiện ngày càng nhiều.
Mặc dù những tồn tại, bất cập đã được lãnh đạo Cục PTTH và TTĐT đưa ra, nhưng các địa phương khi xử lý tình trạng báo hóa còn gặp nhiều hạn chế. “Khi chúng tôi phát hiện và gửi hồ sơ về cho địa phương, hầu hết biện pháp mà địa phương thực hiện chỉ là nhắc nhở”, ông Do cho biết. “Lý do chính là các quy định pháp luật chưa rõ ràng, đầy đủ. Các hành vi không biết khép vào hành vi sai phạm gì trong các nghị định xử phạt hành chính”.
Phản ánh bức xúc này, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết địa phương này có 985 trang TTĐT-TH, trong đó 639 trang đang hoạt động và 349 trang đã dừng hoạt động. Ông Lương cũng cho biết tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang TTĐT-TH là vấn đề nóng đã tồn tại kéo dài nhưng chưa biết “xử lý từ đâu” vì còn nhiều vướng mắc. Trong năm 2021, Sở TT&TT TP.HCM mới xử lý 60 trường hợp, trong đó cơ bản là gọi hướng dẫn và nhắc nhở, số tiền phạt xử lý vi phạm hành chính chỉ có tổng cộng 60 triệu đồng.
Theo ông Lê Quang Tự Do, tình trạng "báo hóa" đang ngày càng trở nên nhức nhối hơn. Giải pháp căn cơ nhất là phải sửa các quy định pháp luật mà trực tiếp là Nghị định 72. Nghị định sửa đổi hiện đã trình Chính phủ hồi tháng 12/2021, dự kiến sẽ ban hành trong năm nay. Những vấn đề sửa đổi sẽ làm rõ chi tiết các quy định đối với trang TTĐT-TH và trang MXH.
“Thực chất những quy định này đã có trong Nghị định số 72, nhưng sẽ rõ hơn, ví dụ như yêu cầu cụ thể trang TTĐT-TH chỉ được phép tổng hợp thông tin và đăng lên trang chậm hơn 30 phút so với tin gốc; hoặc trước đây có quy định trang tin điện tử dẫn nguồn phải ghi rõ tên tác giả và bài báo gốc, nhưng không có đường link. Quy định mới sẽ yêu cầu đặt đường link gốc ngay dưới bài dẫn lại”, ông Do cho biết.
Những quy định cụ thể như vậy sẽ giúp cơ quan chức năng và người dân dễ dàng giám sát thông tin, hoạt động của các trang TTĐT-TH, trang MXH hơn./.