An toàn thông tin

Nhiều khách hàng vẫn sập bẫy giao hàng giả mạo

QA 14:56 25/04/2025

Dù đã nâng cao cảnh giác, nhiều khách hàng vẫn “sập bẫy” vì kẻ gian có trong tay đầy đủ thông tin đơn hàng.

Khi lừa đảo mua hàng trực tuyến (online) ngày càng phổ biến và tinh vi, không chỉ người tiêu dùng mà cả người bán cũng trở thành nạn nhân. Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), 73,99% người tham gia khảo sát nhận định bị lộ lọt thông tin khi mua hàng trực tuyến. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên đến 18.900 tỷ đồng, cho thấy tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.

Thường xuyên mua hàng online, chị Nguyễn Thanh Hà (Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) cho biết đã quá quen với các cuộc gọi lừa đảo giao hàng. Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi nên chị thường xuyên theo dõi đài, báo, thông tin từ các đơn vị vận chuyển và cảnh giác cao để tự bảo vệ bản thân.

Song điều chị Nguyễn Thanh Hà Hà lo ngại nhất chính là việc các đối tượng lừa đảo nắm được thông tin cá nhân và chi tiết đơn hàng.

canh-bao-1.jpg
Nhiều người bức xúc phản ánh lên mạng xã hội về tình trạng kẻ xấu giả mạo nhân viên giao hàng của các đơn vị vận chuyển để lừa chuyển khoản.

Không chỉ người mua, người bán hàng online cũng đang trở thành nạn nhân gián tiếp trong những vụ lừa đảo tinh vi liên quan đến thông tin đơn hàng.

Chị Thùy Linh, chủ một cửa cửa hàng mỹ phẩm tại Phố Huế, Hà Nội chia sẻ hàng loạt khách hàng của chị đã gặp phải tình trạng lừa đảo đơn hàng. Thậm chí, đơn hàng mới được tạo trên hệ thống và đang chờ đơn vị vận chuyển đến lấy, khách hàng đã gọi điện trách móc vì bị kẻ xấu mạo danh nhân viên giao hàng gọi điện yêu cầu chuyển khoản trước để xác nhận đơn hàng. Dù đã giải thích và liên tục cảnh báo khách hàng nhưng uy tín của chị bị ảnh hưởng không nhỏ.

“Khách hàng nghi ngờ tôi bán thông tin trong khi tôi cũng không biết chuyện gì xảy ra. Chúng tôi là người kinh doanh chân chính, nếu dữ liệu bị rò rỉ, chính chúng tôi lại là người gánh hậu quả. Cần một cơ chế rõ ràng để biết thông tin đã đi qua những đâu, được bảo mật như thế nào, ai chịu trách nhiệm nếu bị lộ”, chị Thùy Linh bức xúc.

Là doanh nghiệp (DN) bưu chính quốc gia, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post) cho biết DN này thường xuyên cảnh báo trên các kênh thông tin của đơn vị về các hình thức lừa đảo, khuyến cáo khách hàng theo dõi, kiểm tra kỹ đơn hàng và hướng dẫn khách hàng nhận diện đúng bưu tá/nhân viên/tổng đài,… của bưu điện.

Đồng thời, BĐVN đề nghị người dân chủ động liên hệ và làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ để điều tra, truy vết nguồn gốc các vụ việc giả mạo, xử lý và ngăn chặn hành vi gian lận.

canh-bao-2.jpg
BĐVN thường xuyên cảnh báo đến khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực bưu chính.

Đại diện BĐVN khẳng định toàn bộ dữ liệu quan trọng của khách hàng như số điện thoại, địa chỉ, số tiền thu hộ (COD) đều được bảo vệ bằng các biện pháp mã hóa, ẩn thông tin trong suốt quá trình từ khi chấp nhận đến khi giao hàng. Các thuật toán và giao thức truyền dữ liệu đều tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế, hạn chế tối đa các hành vi truy cập trái phép từ bên ngoài.

Các hệ thống của BĐVN đều áp dụng nguyên tắc phân quyền tối thiểu trong nội bộ. Chỉ các tài khoản đã được định danh mới có thể thao tác trên hệ thống và chỉ hoạt động trong phạm vi được cấp quyền. DN quy định tuyệt đối không mang các thiết bị quay phim/chụp ảnh và đã tăng cường trang bị thêm các camera giám sát, thí điểm áp dụng các giải pháp AI giám sát hành vi vi phạm tại khu vực khai thác để nâng cao hiệu quả bảo mật thông tin và đảm bảo an toàn bưu gửi. Khi giao hàng, bưu tá thực hiện gọi khách hàng thông qua ứng dụng phát (với số điện thoại đã được mã hóa).

Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, BĐVN đã tiến hành rà soát định kỳ để cập nhật các quy trình nghiệp vụ, phòng ngừa rủi ro rò rỉ thông tin. Đồng thời tăng cường đào tạo nhân viên trên toàn mạng lưới nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn thông tin và đã có quy định chặt chẽ trong việc bảo mật thông tin khách hàng.

canh-bao-3.jpg
Bưu tá của BĐVN luôn mặc đồng phục, đi phương tiện đúng nhận diện thương hiệu, gọi điện cho khách hàng trước khi giao hàng và không yêu cầu chuyển khoản/thanh toán trực tuyến để nhận hàng.

BĐVN khuyến cáo khách hàng luôn luôn đề cao cảnh giác trước những cuộc gọi tự xưng là bưu tá hoặc nhân viên giao hàng, đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh bưu tá luôn mặc đồng phục đúng quy chuẩn, đeo thẻ nhân viên và chủ động liên hệ trước với khách hàng trước khi giao hàng. BĐVN không yêu cầu khách hàng chuyển khoản hoặc thanh toán trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào.

“Khách hàng nên theo dõi tình trạng đơn hàng trực tiếp qua ứng dụng My Vietnam Post Plus hoặc tra cứu trên website của BĐVN (vietnampost.vn) để xác thực thông tin phát hàng thay vì tin vào những cuộc gọi không xác minh được nguồn gốc. Các cửa hàng kinh doanh trực tuyến có thể tạo đơn vận chuyển trên ứng dụng My Vietnam Post Plus để ngăn chặn nguy cơ bị thu thập và khai thác thông tin trái phép”, đại diện BĐVN chia sẻ thêm.

BĐVN sẽ tiếp tục triển khai gửi tin nhắn Zalo thông báo trạng thái giao đơn hàng đối với những bưu gửi có thu tiền COD kèm đầy đủ thông tin về mã bưu gửi, số tiền thu, tên người gửi, thời gian dự kiến giao hàng và tên, số điện thoại bưu tá, giúp khách hàng nắm rõ thông tin và phòng ngừa nguy cơ bị lừa đảo./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khách hàng vẫn sập bẫy giao hàng giả mạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO