Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu
Đại hội X của Đảng nhận định, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng trình độ khoa học, công nghệ; năng suất lao động; chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn còn không ít những hạn chế. Khoa học và công nghệ chưa đáp ứng kịp yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… Do đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh: "Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục khẳng định chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững. Đại hội xác định phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục thực hiện quan điểm khoa học và công nghệ gắn với kinh tế tri thức được đề ra từ Đại hội X. Thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu là: "Nâng cao năng lực khoa học, công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng"; đồng thời, Đại hội cũng chỉ ra: "Phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ… Phát huy và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tri thức của con người Việt Nam, khai thác nhiều nhất tri thức của nhân loại. Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020".
Để đạt được các mục tiêu trên, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định, cần "đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường". Như vậy, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ chính là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với sự phát triển trong quan điểm về đổi mới sáng tạo trên thế giới, tại Đại hội lần thứ XII của Đảng (năm 2016), khoa học và công nghệ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quốc sách hàng đầu đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế; đồng thời Đại hội đã bổ sung thêm quan điểm lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu.
Đổi mới sáng tạo là động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững
Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên cụm từ "đổi mới sáng tạo" với tư cách là thuật ngữ riêng đã được đưa vào Văn kiện. Đổi mới sáng tạo được xác định là một nội dung của đột phá chiến lược thứ nhất trong ba đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời nội hàm của đổi mới sáng tạo cũng phần nào được làm rõ qua các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Đổi mới sáng tạo được coi như một động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu "nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI".
Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: "Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao" ; "Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế" và "bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ,… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước".
Đại hội XIII của Đảng khẳng định và củng cố vai trò của đổi mới sáng tạo thông qua 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: (1) "Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển", "thúc đẩy đổi mới sáng tạo"; (2) "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao"; (3) "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội". Cả 3 đột phá chiến lược này đều tạo cơ chế cho đổi mới sáng tạo, cũng như lấy đổi mới sáng tạo làm cơ sở, động lực cho sự phát triển.
Đại hội XIII của Đảng đề cập đến một số nội dung cụ thể của đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong lĩnh vực kinh tế, đổi mới sáng tạo được thực hiện song song với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung vào "thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo"; trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chú trọng "lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số", "thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội và quản lý tài nguyên quốc gia"…
Từ sự cụ thể hóa của các đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 cho thấy, có sự phát triển mạnh mẽ trong tư duy khi làm rõ nội hàm của đổi mới sáng tạo, đó là hệ thống các yếu tố tổ chức, thể chế, cấu trúc kinh tế tương tác lẫn nhau quy định tốc độ, phương hướng và chất lượng của đổi mới. Những quan điểm này thể hiện quyết tâm cao về đổi mới sáng tạo và ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đó là tư duy chiến lược ở tầm vĩ mô, nhưng cũng là tiền đề để nền kinh tế, trong sản xuất kinh doanh cụ thể, nhờ đổi mới sáng tạo, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Càng ngày, thực tế càng chứng minh mối liên quan giữa đổi mới sáng tạo và năng suất, chất lượng, như một nội hàm quan trọng của nền kinh tế hiện nay.
Chỉ có đổi mới khoa học công nghệ, sáng tạo mới có thể tăng năng suất và chất lượng sản phẩm trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và nền kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ./.