Chuyển đổi số

Nhu cầu chuyển đổi số của các DN nhỏ, siêu nhỏ: "nhanh, dễ và rẻ"

Anh Minh 16/09/2023 05:55

Không thể mang giải pháp chuyển đổi số (CĐS) của một ngân hàng để ứng dụng cho một trường học, hay không thể lấy một tấm áo của người lớn để mặc cho trẻ em.

Thực tế, nhu cầu CĐS của các doanh nghiệp (DN) hoàn toàn khác nhau. Với các DN nhỏ, siêu nhỏ, nhu cầu CĐS của họ gói gọn trong ba chữ "nhanh, dễ và rẻ".

Kinh tế số là một hệ quả của tiến trình CĐS

Kinh tế số sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng kinh doanh mới. Kinh tế số cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới như công nghệ thông tin, truyền thông số, thương mại điện tử và dịch vụ công nghệ, tạo ra việc làm mới và tăng năng suất lao động. Các DN có thể sử dụng các nền tảng trực tuyến và công nghệ số để tiếp cận khách hàng toàn cầu, mở rộng thị trường và tăng cường tương tác với khách hàng.

Trong khi đó, CĐS giúp nâng cao hiệu quả và tăng cường đổi mới trong các quy trình kinh doanh và sản xuất. Công nghệ số hóa và tự động hóa giúp tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu lỗi phát sinh và tăng cường hiệu suất lao động.

dnb03684.jpg
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (DTSI): "Kinh tế số là một hệ quả của tiến trình CĐS"

Chính vì vậy, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (DTSI) cho rằng cần phải nhận thức kinh tế số là một hệ quả của tiến trình CĐS. Kinh tế số, do vậy, không phải là một “ngành” hay một “lĩnh vực” kinh tế mới tồn tại song song và độc lập với các hình thái kinh tế hiện tại, hay là một kiểu hình mới như kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ.

Kinh tế số là một hình thái cộng sinh trên cơ sở nền tảng các hoạt động kinh tế truyền thống để tạo nên một lớp giá trị gia tăng mới. Đây là một đặc điểm quan trọng, cần nhận thức được về bản chất của kinh tế số”, ông Lê Nguyễn Trường Giang nói.

Nhu cầu CĐS của các DN hoàn toàn khác nhau

Theo đó, để phát triển kinh tế số, cần thúc đẩy CĐS. Có một thực tế là nhu cầu CĐS của các DN hoàn toàn khác nhau. Ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc CĐS Công ty Cổ phần MISA, cho biết: “Quá trình CĐS của DN vừa và DN lớn khác hoàn toàn với DN nhỏ và siêu nhỏ. Chúng ta không thể lấy một tấm áo lớn của người lớn để mặc cho trẻ em. Với các DN quy mô siêu nhỏ, cái họ cần ban đầu là tập trung làm sao kiếm được tiền tốt nhất , kinh doanh buôn bán được tốt nhất. Chính vì vậy, CĐS cần phải làm sao để đáp ứng nhanh nhu cầu này của họ".

Ông Biển cho biết hiện nay tại Việt Nam, chỉ có khoảng hơn 3% là các DN vừa và DN lớn, còn có tới 96 - 97% là DN thuộc quy mô nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Nhu cầu của các DN nhỏ, siêu nhỏ khi thực hiện CĐS gần như gói gọn trong ba chữ "nhanh, dễ và rẻ".

Các DN nhỏ và siêu nhỏ không có đủ tiềm lực để chờ đợi kết quả trong thời gian dài. Với nhóm DN này, CĐS đầu tiên là phải nhanh, nghĩa là cái gì tạo ra giá trị ngay lập tức và có thể triển khai nhanh thì họ sẽ áp dụng. Thứ hai, giải pháp đó phải dễ dàng triển khai. Bởi vì, các DN nhỏ không có đầy đủ nguồn lực về công nghệ, đủ nguồn lực về con người và tài chính để thực hiện các giải pháp công nghệ quá phức tạp. Và cuối cùng, giải pháp đó phải rẻ”, ông Biển nói.

Ban đầu các DN nhỏ này sẽ cần đến những giải pháp như tài chính kế toán, kinh doanh, lớn lên một chút các DN sẽ cần thêm các nghiệp vụ về marketing, bán hàng, và khi nhân sự đã lên đến 100 -200 người, họ sẽ cần thêm những hoạt động liên quan đến quản trị, công tác vận hành …

Ngoài ra, theo nghiên cứu, các DN khi thực hiện CĐS sẽ có 3 cấp độ: Đầu tiên là cấp độ sẵn sàng; thứ hai cấp độ tăng trưởng và thứ ba là cấp độ về mặt đột phá trong CĐS. Ở giai đoạn đầu, các DN thường đang ứng dụng những công nghệ để đảm bảo cho các hoạt động thiết yếu kinh doanh, sản xuất tài chính.

Phần lớn DN Việt đang ở trong giai đoạn tăng trưởng, tức là các DN đang tự động hóa quy trình bán hàng, quy trình vận hành dựa trên việc khai thác dữ liệu. DN phải sử dụng dữ liệu, phân tích dữ liệu và dự báo kinh doanh, phát hiện ra các lĩnh vực kinh doanh mới mang lại giá trị gia tăng (GTGT). Chính phần giá trị tăng thêm này là phần đóng góp lớn cho kinh tế số. Để tăng trưởng và phát triển GTGT thêm đó, DN không thể thiếu những giải pháp công nghệ để hỗ trợ cho quá trình CĐS.

“Không thể mang giải pháp CĐS của một ngân hàng để ứng dụng cho một trường học”

Tham dự Hội thảo chuyên đề “Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số”, trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số lần thứ 1 với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình” vừa diễn ra tại Nam Định ngày 14/9, ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS, đội ngũ phát triển sản phẩm SafeGate, cho rằng các DN cần có những cách tiếp cận mới để có thể tạo ra giá trị trong nền kinh tế số.

dnb04050.jpg
Ông Ngô Tuấn Anh: "Các DN cần có những cách tiếp cận mới để có thể tạo ra giá trị trong nền kinh tế số"

CEO SafeGate cho hay, khác với các tổ chức, DN thường được đầu tư đầy đủ, bài bản cả về tài chính, đội ngũ kỹ thuật để đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong khi đó các gia đình và nhà trường lại đang thiếu hụt cả về đầu tư tài chính, kỹ thuật và giải pháp chuyên môn để có thể đảm bảo an toàn thông tin. Trong khi, đây lại là những đối tượng chính tham gia vào môi trường mạng tạo ra các giá trị trong nền kinh tế số.

Ông Ngô Tuấn Anh lấy dẫn chứng cụ thể khi SafeGate triển khai giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin cho toàn bộ 36 trường học các cấp tại Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Chỉ trong hơn 4 tiếng đồng hồ, đội ngũ kỹ thuật SafeGate đã triển khai xong cho các trường, bảo vệ cho 14.000 học sinh và 700 cán bộ giáo viên tại địa phương này. Nếu triển khai theo cách thức thông thường, thì việc triển khai đồng bộ một giải pháp ở 36 đơn vị trong vài tiếng đồng hồ là “bất khả thi”.

Ông Ngô Tuấn Anh nói: “Chúng ta phải thay thế cách thức triển khai truyền thống bằng các cách thức mới. Thay đổi cách thức mới có thể giải quyết được các vấn đề, các bài toán khó trong an ninh mạng, đảm bảo các tiêu chí đơn giản - dễ dùng và chi phí rẻ. Bởi không đủ rẻ thì gia đình và trường học không thể sử dụng. Chúng ta không thể mang một giải pháp của một ngân hàng để ứng dụng cho một trường học; hay mang một giải pháp của công ty lớn áp dụng cho một gia đình. Do đó, chúng ta phải chuyển đổi hình thức và thực tế đây là sự CĐS trong an ninh mạng”.

Thay vì chi phí đầu tư lớn để mua sắm tất cả các thiết bị lắp đặt trong nhà thì gia đình, nhà trường có thể chuyển sang thuê dịch vụ, chuyển từ mô hình mua một lần sang hình thức thuê bao. Hiện nay, SafeGate đang triển khai theo mô hình Security Platform để có thể giải quyết được các vấn đề nói trên.

Với mô hình này, SafeGate đang hướng tới đối tượng là các gia đình, DN nhỏ và vừa và các cơ sở y tế. Đây là các đơn vị vừa không có nguồn nhân lực cũng như tài chính lớn. “Với hướng này, tôi hy vọng chúng ta sẽ giải quyết được tình trạng an ninh mạng lỏng lẻo và có thể đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống của chúng ta cũng như của người dân Việt Nam trong nền kinh tế số đang phát triển”, CEO của SCS, công ty đứng sau sản phẩm an toàn an ninh mạng SafeGate, nói./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhu cầu chuyển đổi số của các DN nhỏ, siêu nhỏ: "nhanh, dễ và rẻ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO