Không chỉ “nghe nói”, người dân đã trực tiếp tham gia phát triển kinh tế số
Các ứng dụng thanh toán di động như Momo, ZaloPay, ViettelPay đã trở thành quen thuộc, thanh toán không tiền mặt phổ biến không chỉ ở thành thị mà đã lan tỏa đến cả vùng vùng sâu, vùng xa.
Tạo không gian và cơ hội kết nối công - tư, thúc đẩy ĐMST, xây dựng nền kinh tế số Việt Nam
Chiều 14/9 tại thành phố Nam Định, Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức hội thảo “Phát triển ĐMST trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số”.
Hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số lần thứ 1 với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình” do Bộ TT&TT, Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định đồng chủ trì.
Hội thảo nhằm khái quát về những thành tựu của ĐMST trong và ngoài nước đã và đang có tác động vào quá trình phát triển kinh tế số tại các địa phương, qua đó đề xuất các giải pháp để người dân và DN có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng các ứng dụng của nền tảng số vào việc quản trị DN và phát triển những lĩnh vực đặc thù ở địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Minh Tân, Phó viện trưởng phụ trách điều hành Viện Chiến lược TT&TT cho rằng Hội thảo sẽ là cầu nối để các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, DN trong nước tiếp cận và trao đổi thông tin, tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy ĐMST, từng bước góp phần xây dựng nền kinh tế số Việt Nam phát triển.
“Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (KHCN) và xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang ngày càng đẩy mạnh phát triển và áp dụng KHCN, ĐMST vào các lĩnh vực như an ninh quốc phòng, giáo dục, văn hóa và đặc biệt không thể không kể đến là phát triển kinh tế”, ông Trần Minh Tân nói.
Thực tiễn cho thấy cuộc CMCN lần thứ tư đang làm thay đổi các hoạt động kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với mỗi quốc gia, với tổ chức, cá nhân. Nền kinh tế số vừa là đặc trưng nhưng đồng thời cũng là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia. Ở Việt Nam, kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong những thập niên tới.
Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế số, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành với nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
Hội thảo về "Phát triển ĐMST trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số" là một sự kiện quan trọng nhằm thảo luận về vai trò của ĐMST trong quá trình xây dựng nền kinh tế số hiện đại, từ việc các giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy ĐMST và phát triển kinh tế số tại địa phương đến việc phát triển các ngành nghề, lĩnh vực đặc thù của địa phương dựa trên nền tảng số. Hội thảo cũng tập trung vào việc khai thác tiềm năng hệ sinh thái ĐMST thúc đẩy sự phát triển và tạo động lực cho nền kinh tế số.
Hội thảo cũng tạo ra không gian và cơ hội kết nối khối công - tư trong phiên tọa đàm. Tại đây, các DN gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với cơ quan quản lý trung ương và địa phương, giao lưu và hợp tác trong việc phát triển nền kinh tế số. Từ việc các cơ quan quản lý trung ương, địa phương đã có những chính sách và chương trình gì hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, các DN chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyển đổi số DN, đến việc tạo ra mối quan hệ đối tác mới, thúc đẩy sự hợp tác và liên kết giữa các DN để tạo ra một môi trường kinh doanh đổi mới và năng động.
Cách mạng số tác động từng ngõ ngách của đời sống xã hội, từng người dân, DN
Xác định phải đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng KHCN và ĐMST, việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm có tiềm năng, lợi thế sẽ là một động lực tăng trưởng để đất nước bắt kịp và vươn lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, đây là cơ hội cho các nước đang phát triển và là thời cơ cho Việt Nam khi kinh tế toàn cầu xuất hiện nhiều biến động như hiện nay.
Theo bà Phan Thanh Ngọc, Giám đốc Tư vấn CĐS, Tập đoàn VNPT, cần phải nhìn kinh tế số ở nghĩa rộng nhất, bao gồm tất cả các ngành kinh tế truyền thống của kinh tế quốc gia để tối ưu nó. Đặc trưng kinh tế số Việt Nam còn non trẻ và đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên.
Theo thống kê, kinh tế số chiếm 15% GDP. Dự báo đến 2025, Việt Nam chiếm khoảng 18,6% giá trị thị trường kinh tế số Đông Nam Á. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng khu vực Đông Nam Á (trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực từ 2015).
Trong khi đó, ông Trần Minh Tân cho biết theo khảo sát năm 2023 của Tập đoàn Dịch vụ Tài chính DBS về CĐS, Việt Nam xếp thứ 2 trong số 10 quốc gia được khảo sát về mức độ ứng dụng CĐS vào nâng cao trải nghiệm và gắn kết khách hàng, chỉ đứng sau Singapore.
Báo cáo ĐMST và đầu tư đầu tư công nghệ 2023 do NIC và quỹ đầu tư Do Ventures phối hợp phát hành tháng 3 vừa qua chỉ ra rằng fintech đã nhận được nhiều vốn đầu tư nhất với mức tăng trưởng ấn tượng là 248%. Vốn đầu tư vào fintech tăng dồi dào và chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm so với năm 2021. Các ứng dụng thanh toán di động như Momo, ZaloPay, ViettelPay đã trở thành những cái tên quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam.
“Thanh toán không tiền mặt cũng trở nên phổ biến, không chỉ ở thành thị mà đã lan tỏa đến các vùng nông thôn và những vùng sâu, vùng xa, thậm chí những vùng dân tộc thiểu số bà con chưa biết chữ nhưng đã tham gia thanh toán không dùng tiền mặt. Sự hiện diện của các phiên chợ 4.0 mà ở đó bà con nông dân có thể mua bán rau, cá, thịt và thanh toán không dùng tiền mặt. Có nghĩa là không chỉ nghe nói, mà người dân đã được tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế số”, ông Trần Minh Tân nói.
Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (DTSI), cũng cho rằng cuộc cách mạng kỹ thuật số đã đưa đến những tác động tới từng ngõ ngách của đời sống xã hội, từng người dân, từng DN, từng chính phủ và đang tạo nên một tác động phức hợp mang tính toàn cầu.
Hội thảo "Phát triển ĐMST trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số" đã cung cấp những kiến thức mới, khuyến khích sự ĐMST và tạo ra sự lan tỏa ĐMST trong cộng đồng DN. Chỉ thông qua việc khai thác tiềm năng của ĐMST, chúng ta có thể xây dựng một nền kinh tế số phát triển, kiến tạo một xã hội số tận dụng tối đa tiềm năng của KHCN từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo giá trị thiết thực cho mọi người./.