Những công nghệ giúp Nepal xóa đói giảm nghèo cho người bản địa

Cao Thiên| 17/12/2021 09:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù nổi tiếng gắn bó với những quy trình thủ công, song Nepal đã thích nghi với hoàn cảnh mới trong đại dịch COVID-19 và chuyển mình, ứng dụng công nghệ số hóa. Không những thế, đất nước Nepal với địa hình đồi núi, người dân tộc thiểu số chủ yếu làm nông nghiệp, đã ứng dụng nhiều công nghệ cải thiện đời sống.

Tính đến 15/12/2021, đại dịch COVID-19 đã khiến 271 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, hơn 5 triệu người tử vong. Tại Nepal, tổng số ca dương tính COVID-19 đến nay là 825.000 người và 11.559 tử vong. Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề trước dịch bệnh, mức tăng trưởng GDP âm và Nepal cũng vậy. Nhiều ngành nghề và lĩnh vực đã bị ảnh hưởng và đang phải vật lộn trở lại trạng thái bình thường mới để sống với COVID-19.

Cho đến khi đại dịch xảy ra, Nepal vẫn là một tín đồ thực sự của các quy trình thủ công. Có lẽ là do người Nepal rất thoải mái nên hầu hết mọi việc đều có xu hướng được thực hiện theo tốc độ riêng của nó, cho dù đó là quy trình của chính phủ, hoạt động kinh doanh, thanh toán và lưu trữ hồ sơ hay giao hàng.

Số hóa để vượt qua đại dịch COVID-19

Nhưng COVID-19 đã thúc đẩy hầu hết các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ ở Nepal phải tự động hóa các quy trình của họ, bao gồm lưu trữ hồ sơ, bán hàng, quản lý chuỗi cung ứng, tiếp thị, quản lý giao hàng và thanh toán. Đột nhiên, các công ty bảo hiểm nhận ra rằng mạng lưới đại lý hàng chục năm tuổi của họ không hoạt động. Thị trường vốn “giật mình” khi chỉ sau một đêm mà có chưa đến 2% nhà đầu tư của họ truy cập được vào các nền tảng trực tuyến, thậm chí khi nền tảng giao dịch trực tuyến đã ra mắt được hai năm. Các công ty kiều hối phụ thuộc vào cơ chế chuyển phát tiền mặt đã chuyển sang hình thức gửi tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng. Các ngân hàng và tổ chức tài chính, những đơn vị rất tích cực trong việc mở các chi nhánh mới, đã giảm số lượng mở chi nhánh mới bằng cách tăng các dịch vụ kỹ thuật số của họ.

Chính phủ cũng đã thúc đẩy quá trình tự động hóa dữ liệu / thông tin công khai, quy trình phê duyệt và quy trình thu chi và chi trả doanh thu, điều mà chính phủ đã cố gắng thực hiện trong nhiều năm.

Các lĩnh vực áp dụng công nghệ vào quy trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ cốt lõi có thể sống sót tốt hơn sau đại dịch. Nhiều đơn vị khác đã thích nghi, sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong lưu trữ hồ sơ điện tử, quản trị, giáo dục, tương tác xã hội, thương mại, dịch vụ, ngân hàng và tài chính và các lĩnh vực khác.

Thay đổi trong giáo dục

Giáo dục là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, các trường học phải đóng cửa vì lo ngại lây nhiễm virus. Theo Báo cáo Phát triển Con người của UNDP, đến tháng 4 năm 2020, có tổng cộng 1,6 tỷ học sinh ở 192 quốc gia, chiếm 90% tổng số học sinh, không thể đến trường. Nhưng một số trường học và cao đẳng đã tiến hành hình thức truy cập trực tuyến để tiếp tục học tập và giáo dục.

Một thách thức lớn đối với giáo viên và học sinh là chuyển từ lớp học vật lý sang dạy và học trực tuyến bằng cách sử dụng các công nghệ như Zoom, Google Classroom, Teams, v.v. Tuy nhiên, điều này cũng đã tạo ra một khoảng cách kỹ thuật số lớn, đặc biệt là ở Nepal, khi có những người không thể truy cập vào các công cụ như vậy. Các trường học và cao đẳng vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi sang giảng dạy trực tuyến, và việc truy cập Internet hạn chế cũng tước đi quyền cơ bản được học tập của học sinh. Vấn đề này một phần do sự thiếu quyết đoán trong một số chính sách liên quan đến khả năng thích nghi và chấp nhận các lớp học trực tuyến, quy trình đánh giá và truy cập internet. Khả năng tiếp cận công nghệ của học sinh và sự sẵn sàng của các trường học, đặc biệt là các trường công lập và cao đẳng, sẽ là yếu tố then chốt để giảm khoảng cách kỹ thuật số trong giáo dục.

Các sáng kiến điện tử của chính phủ

Chính phủ liên bang Nepal đã bắt đầu quy trình thanh toán điện tử cho các giao dịch thanh toán của mình vào năm 2015 và các giao dịch thu tiền trực tiếp đến / từ tài khoản ngân hàng của người thụ hưởng vào năm 2018. Các cơ quan chính phủ đã mất hơn ba năm để chuyển từ séc sang tiền gửi trực tiếp vào ngân hàng. Các giao dịch thanh toán kỹ thuật số như vậy đã tăng trưởng theo cấp số nhân, từ 3,1 tỷ Rupi trong năm tài chính 2016/17 lên 221,1 tỷ Rupi trong năm tài chính 2019/20. Trong thời gian phong tỏa vì COVID-19, từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 10 năm 2020 (quý đầu tiên của năm tài chính 2020/21), khối lượng các giao dịch của chính phủ (thanh toán và thu tiền) đã tăng 943% so với cùng kỳ năm tài chính năm ngoái.

Những công nghệ giúp Nepal vượt qua đại dịch COVID-19, xóa đói giảm nghèo - Ảnh 1.

Hơn 85% dân số Nepal sống phụ thuộc vào nông nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của công chúng, nhiều bộ, ban, ngành và đơn vị chính quyền địa phương đã chủ động giới thiệu các ứng dụng dựa trên web và di động của riêng họ. Một số sáng kiến có thể kể đến như Ứng dụng Chính quyền địa phương do Bộ Công nghệ Thông tin liên bang phát hành; hay ứng dụng Palika thông minh được một số chính quyền địa phương triển khai; Giấy chứng nhận trực tuyến của Bộ Giáo dục; Cục Hải quan cấp đổi mã số xuất nhập khẩu trực tuyến; đăng ký và gia hạn trực tuyến tại Văn phòng Đăng ký Công ty, Sở Công nghiệp; và đăng ký sự kiện cá nhân trực tuyến tại Cục Đăng ký hộ tịch. Tất cả các sáng kiến này đều liên quan đến việc thu thập dữ liệu công cộng và cung cấp dịch vụ. Việc thu thập dữ liệu như vậy đã giúp ích ở một mức độ nào đó nhưng cũng dẫn đến các kết quả rời rạc do các sáng kiến phi tập trung và việc thực hiện không có sự phối hợp. Vì vậy, UNDP cho rằng chính phủ Nepal nguy cơ đối mặt với sự tồn tại của nhiều hệ thống không tích hợp với nhau và nguy cơ lộ thông tin cá nhân và doanh nghiệp.

Những công nghệ đã được triển khai tại Nepal giúp xóa đói giảm nghèo

Đại dịch đã mang lại cho các doanh nghiệp và chính phủ Nepal cơ hội tự động hóa và số hóa các quy trình, điều này cuối cùng sẽ giúp họ đứng vững hơn và kiên cường hơn trong các tình huống tương tự ở tương lai. Nhưng Nepal vốn có lịch sử thể chế yếu kém, như đã thấy sau trận động đất hồi tháng 4/2015. Vì vậy, cũng có khả năng lớn là các doanh nghiệp và khách hàng sẽ quay lại các quy trình thủ công cũ một khi mọi thứ bình thường hóa.

Tuy nhiên, lực kéo ứng dụng các công cụ số hóa đã được tạo ra trong thời gian phong tỏa. Các doanh nghiệp và chính phủ đã chịu áp lực lớn từ khách hàng và người dân, khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang các kênh kỹ thuật số. Dù vậy, UNDP cho rằng để củng cố và duy trì số hóa, tất cả các bên liên quan cần mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện có, bao gồm cung cấp khả năng tiếp cận với các dịch vụ viễn thông và internet dễ dàng hơn cho người dùng; để các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, tham gia vào hệ sinh thái kỹ thuật số một cách bền vững; và nhận thức và tương tác với khách hàng, người dân.

Tác động của COVID-19 rất nghiêm trọng nhưng cũng đã tạo ra một trong những cơ hội tối ưu nhất để tối đa hóa các lợi ích do số hóa mang lại, tạo ra sinh kế tốt hơn cho người dân Nepal. Không những thế, nhiều công nghệ cũng đã được triển khai để giúp người dân Nepal xóa đói giảm nghèo. Bởi vì, Nepal là một đất nước xinh đẹp với địa hình nhiều đồi núi. Mặc dù địa hình đồi núi của đất nước càng làm tăng thêm vẻ tráng lệ khi Nepal nằm ở dãy Himalaya, nhưng nó cũng gây phức tạp cho việc đi lại, giao tiếp và phân phối tài nguyên. Nepal chủ yếu là nông thôn, vì hơn 85% dân số phụ thuộc vào nông nghiệp. Các tệ nạn xã hội như phân biệt giai cấp, thanh thiếu niên phạm pháp, người bản địa bị xã hội phân biệt, nạn lạm dụng tình dục và buôn người cũng hoành hành khắp đất nước. Do đó, các biện pháp xóa đói giảm nghèo ở Nepal ngày càng khó thực hiện. Một thực tế đáng mừng là công nghệ đang dần dần xâm nhập vào đất nước nông thôn rộng lớn này và dần dần hỗ trợ giảm thiểu đói nghèo ở Nepal. Dưới đây là bốn phát triển công nghệ hàng đầu để xóa đói giảm nghèo ở Nepal.

Dùng máy bay không người lái (drone) để vận chuyển hàng y tế

Bệnh lao là một loại bệnh truyền nhiễm gây nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nepal, có đến 70% dân số Nepal bị ảnh hưởng bởi bệnh lao. Hầu hết các cơ sở chăm sóc sức khỏe đều ở xa và không thể tiếp cận bằng đường bộ, các phòng xét nghiệm chỉ có ở các thành phố lớn. Do đó, WeRobotics đã hợp tác với Phòng thí nghiệm bay Nepal (Nepal Flying Labs) và nhiều tổ chức tài trợ khác để phát triển máy bay không người lái vận chuyển hàng y tế. 

Các máy bay không người lái chở hàng này thu thập các mẫu đờm từ những người bị lao ở vùng sâu vùng xa và gửi đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở xa để xét nghiệm nhanh. Máy bay không người lái có thể giao mẫu trong 25 phút, trong khi trước đó, khi chưa sử dụng phương tiện drone, phải mất từ hai đến ba ngày. Tính đến ngày 9/10/2019, 150 máy bay không người lái đã mang hơn 1.000 mẫu từ các trạm y tế ở các thôn bản vùng sâu vùng xa đến hai cơ sở y tế trung ương. Những thiết bị bay không người lái này đã giúp chẩn đoán và điều trị bệnh một cách nhanh chóng. Chính phủ đang tìm cách phát triển công nghệ này để sớm kiểm soát bệnh lao ở các vùng sâu vùng xa khác của đất nước.

Sản xuất máy giữ ấm cho trẻ sơ sinh

Những ngày đầu sau sinh, trẻ cần được giữ ấm để tránh bị viêm phổi hoặc hạ thân nhiệt. Từ 63 đến 85% trẻ sơ sinh tử vong là do hạ thân nhiệt. Do đó, một nhóm các kỹ sư y sinh đã cùng nhau chế tạo một chiếc máy sưởi cho trẻ em bằng cách sử dụng một máy sưởi gốm được kết nối với một tấm phản xạ hình parabol để phản xạ nhiệt về phía nôi. Các bộ phận lắp ráp và các nhà phát triển đều là người địa phương trong khu vực, do đó những chiếc máy sưởi trẻ em này có giá cả phải chăng và dễ sản xuất, giúp đảm bảo sức khỏe của trẻ sơ sinh ngay cả ở các vùng nông thôn của đất nước. Bệnh viện Kirtipur ở Kathmandu đã triển khai công nghệ này kể từ ngày 4/1/2020. Trung tâm Sáng tạo Quốc gia Nepal cũng đã làm việc với chính phủ để sớm sản xuất và phân phối thêm máy hâm sữa trẻ em.

Krishi Gyan Kendra - trung tâm nghiên cứu nông nghiệp thông minh

Krishi Gyan Kendra là một trung tâm nghiên cứu nằm trong Văn phòng Phát triển Nông nghiệp của các huyện, kết nối các nhà nghiên cứu với nông dân địa phương. Các nhóm thực hiện nghiên cứu tại chỗ về các loại cây trồng và đất canh tác tại địa phương để tìm ra những phương pháp mới nhằm cải thiện các hoạt động trồng trọt, chế biến và tiếp thị. Các trung tâm này đóng vai trò là cơ sở cung cấp kiến thức cho nông dân địa phương để họ có thể học cách sử dụng công nghệ hiện đại. Đây cũng là những phòng thí nghiệm mở cho chính những người nông dân. 

Ngoài ra, trung tâm cũng cung cấp những thông tin như loại cây trồng nào có thể mang lại năng suất tốt hơn ở một mùa và địa điểm cụ thể và lượng mưa sẽ là bao nhiêu vào những thời điểm khác nhau. Điều này đã giúp người nông dân đưa ra quyết định sáng suốt và áp dụng các phương pháp canh tác tốt hơn. Ý tưởng này vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu ở Nepal, nhưng nhiều người kỳ vọng rằng nó sẽ thành công như ở Ấn Độ.

Những công nghệ giúp Nepal vượt qua đại dịch COVID-19, xóa đói giảm nghèo - Ảnh 2.

Sử dụng các bản đồ kỹ thuật số, một người có thể biết các đặc điểm của đất, độ phì nhiêu, các loại cây trồng lý tưởng có thể cho năng suất tối đa trên đất đó và các kỹ thuật quản lý đất lý tưởng cho loại đất đó.

Bản đồ đất kỹ thuật số tương tác

Các sáng kiến ở Nepal đã thu thập dữ liệu phong phú về tính chất đất của đất nước này và số hóa thành bản đồ tương tác bằng hình ảnh vệ tinh. Một số loại đất phù hợp hơn với một số loại cây trồng. Mô hình sử dụng đất cũng như mực nước ngầm cũng có thể giúp xác định độ phì nhiêu của một vùng. Sử dụng các bản đồ kỹ thuật số này, một người đứng ở bất kỳ khu vực nào trong phạm vi dữ liệu có thể biết ngay về đặc tính của đất mà anh ta đang đứng, chẳng hạn như đặc điểm, độ phì nhiêu, các loại cây trồng lý tưởng có thể cho năng suất tối đa trên đất đó và các kỹ thuật quản lý đất lý tưởng cho loại đất đó. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Chăn nuôi của Nepal, cùng với Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia (NARC), đã phát triển công nghệ thân thiện với thiết bị di động này. Họ đang tích cực thu thập dữ liệu đất cho nhiều vùng khác trên đất nước để cập nhật.

Các chuyên gia cho biết bốn công nghệ này nhằm xóa đói giảm nghèo ở Nepal, mang lại những hứa hẹn đáng kinh ngạc đối với đất nước này. Bất kể những hạn chế có thể kìm hãm phát triển, song tinh thần người dân Nepal luôn đi trên con đường bắt kịp những đổi mới và phát triển khoa học và công nghệ của thế giới hiện đại để cải thiện đất nước và chính họ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành tại trung tâm IOC: Kinh nghiệm của Bình Phước
    Xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quý trong kỷ nguyên số - một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số (CĐS), tỉnh Bình Phước đã sớm tập trung quan tâm tạo lập, khai thác, sử dụng, tăng cường chia sẻ, kết nối dữ liệu số cùng với việc thành lập IOC và những kết quả bước đầu thu được rất đáng ghi nhận.
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
  • Háo hức khám phá di tích lịch sử theo một cách mới
    Ứng dụng công nghệ số giúp nhiều du khách gia tăng trải nghiệm thú vị khi tới thăm các di tích lịch sử như Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập…
  • Các công cụ bảo mật đám mây dựa trên AI
    Ngày nay, AI tiên tiến đang được đưa vào sử dụng ở mọi loại hình doanh nghiệp (AI). Một loạt các nhà cung cấp bảo mật bên thứ ba đã phát hành các công cụ bảo mật đám mây dưới sự hỗ trợ của AI. Dường như đây là một trong những xu hướng nóng nhất trong ngành.
  • Oracle đầu tư mạnh vào AI tạo sinh, đáp ứng xu hướng "chủ quyền dữ liệu"
    Nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Hoa Kỳ Oracle đang tăng cường các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình khi cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng khốc liệt và ngày càng có nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực AI.
  • Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
    Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
  • Làm gì để phát triển tài năng chuyển đổi?
    Partha Srinivasa, Giám đốc CNTT (CIO) của nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và tai nạn Erie có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã chia sẻ về cách tiếp cận của ông trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tinh thần chuyển đổi.
  • Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
    Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.
  • Những ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
    Bộ ấn phẩm kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành, góp phần nhắc nhớ thế hệ trẻ về một thời hoa lửa, tự hào về khí phách Việt Nam, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước, và trân trọng nền hòa bình mà chúng ta đang sống hôm nay.
  • Công nghệ đang thay đổi du lịch Việt Nam như thế nào?
    Trong những năm gần đây, sự giao thoa giữa du lịch và công nghệ, thường được gọi là công nghệ du lịch, đã khơi dậy sự đổi mới, với nhiều công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ du lịch đi đầu trong cuộc cách mạng này.
Những công nghệ giúp Nepal xóa đói giảm nghèo cho người bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO