Những cuốn sách hay của thời COVID

PV| 29/04/2022 20:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Các cuốn sách được xuất bản trong thời COVID góp phần thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của tinh thần đoàn kết, lòng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh tàn khốc.

Các cuốn sách đã có những trang viết phong phú, hoặc truyền tải nhiều thông tin về vắc-xin, hay những chi tiết ám ảnh về công tác của các y, bác sĩ; nhiệm vụ của các chiến sĩ trên biên giới cùng nhiều tâm tư của nhiều người khác trong cuộc hoặc thể hiện những xúc cảm tràn đầy tình thương mến, lòng nhân ái, những suy tư về tình dân tộc, nghĩa đồng bào...

Những cuốn sách hay của thời COVID - Ảnh 1.

Câu chuyện của các nhà khoa học Oxford 

“Vaxxers - Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford” là cuốn sách của GS. Sarah Gilbert và TS. Catherine Green - những người có công đầu trong việc phát triển ra vắc-xin AstraZeneca có giá thành rẻ, dễ bảo quản, góp phần to lớn vào việc tăng độ phủ vắc-xin ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. 

Là một trong ba loại vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sớm nhất dùng cho việc tiêm chủng đại trà để chống lại dịch bệnh COVID-19, giống như Pfizer và Mordena, vắc-xin AstraZeneca được nhiều người dân trên thế giới đánh giá cao, sẵn sàng tiêm chủng. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ nghi ngại: “Chúng ta không biết có gì trong đó. Thủy ngân và các chất độc hại khác” hay “ai đó ở thượng tầng đang sử dụng vaccine trong đại dịch để lắp vi mạch kiểm soát tất cả chúng ta”.

Đó cũng chính là lý do khiến hai nhà khoa học GS. Sarah Gilbert và TS. Catherine Green, dù vô cùng bận rộn với công việc nghiên cứu, vẫn quyết định dành thời gian viết ra cuốn sách “Vaxxers - Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford”. 

Trong cuốn sách này, hai tác giả đã kể lại tường minh quá trình lao động của họ để phát triển thành công vắc-xin AstraZeneca; thành phần cũng như tác động của vắc-xin này với cơ thể, sức khỏe của người tiêm; để mỗi người khi dành thời gian tìm hiểu cuốn sách có thể hoàn toàn yên tâm và đưa ra các quyết định liên quan tiêm chủng đúng đắn cho bản thân và gia đình. 

GS. Sarah Gilbert và TS. Catherine Green cùng các đồng nghiệp ở Đại học Oxford đã phát triển vắc-xin AstraZeneca chỉ trong gần một năm trời. Thành công này của họ phải kể đến đến công nghệ phát triển vắc-xin nền tảng đã được GS. Sarah Gilbert cùng đội ngũ của mình xây dựng từ năm 2014, khi Ebola, căn bệnh cực kỳ đáng sợ bùng phát tại Guinea, châu Phi.

Vì một số lý do, loại vắc-xin chống lại bệnh Ebola do nhóm bà phát triển không thể hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ III, tuy nhiên, nhóm của GS. Gilbert đã phát triển ra ChAdOxd1 - hay công nghệ nền tảng vắc-xin vector adenovirus của khỉ tái tổ hợp không sao chép, có thể sử dụng để phát triển nhiều loại vắc-xin khác nhau. 

Đây là bước tiến vô cùng quan trọng, giúp họ có thể rút ngắn quá trình sản xuất vắc-xin xuống thời gian ngắn nhất như đã làm với vắc-xin COVID-19 và là chìa khóa giúp họ có thể tiếp tục góp phần giải quyết các thách thức khi virus tiếp tục biến đổi hoặc một dịch bệnh nguy hiểm khác có thể xuất hiện trong tương lai.

Cuốn sách đồng thời cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích về vắc-xin như: sự khác biệt về hiệu lực của vắc-xin trong thử nghiệm lâm sàng với hiệu lực thực tế; các phương pháp phát triển và các loại vắc-xin hiện có trên thế giới; các điều kiện ảnh hưởng tới tác động thực sự của vắc-xin…

Nhật ký của bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch 

Có mặt từ những ngày đầu COVID-19 còn chưa được định danh tới khi dịch bùng phát, bác sĩ Ngô Đức Hùng đã ghi lại những dòng nhật ký ngổn ngang suy tư nhưng cũng đầy hài hước và hy vọng trong cuốn sách “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể”. 

Được viết bằng giọng văn hài hước, vui vẻ cuốn sách là những trang nhật ký muôn màu muôn vẻ từ những ngày tháng trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch của bác sĩ Ngô Đức Hùng - một bác sĩ của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. 

Đó là những chia sẻ chuyên môn của bác sĩ về dịch bệnh, là những ghi chép về công sức và tâm tư của những con người ngày đêm đứng ở tuyến đầu phòng dịch, cũng là những trang nhật ký về con người, về tình người trong những ngày dịch COVID-19 hoành hành.

Được kể theo trình tự thời gian với bốn chương rành mạch: Mở đầu - Năm COVID thứ nhất - Tháng ngày bình yên - Năm COVID thứ hai và một phần kết tạm khép lại những ghi chép cho một giai đoạn đáng nhớ của nhân loại. Ở những trang nhật ký này, bác sĩ Ngô Đức Hùng đã ghi lại những cảm nghĩ, những chia sẻ và nhiều câu chuyện ít được biết tới từ chính tâm dịch. Đó là những câu chuyện chưa từng được đưa lên báo chí và các phương tiện truyền thông. Tất cả thể hiện tinh thần lạc quan và cái nhìn tích cực vào tương lai của một bác sĩ giữa tâm dịch.

Chương hai và chương bốn là những trang nhật ký tương ứng với năm thứ nhất và thứ hai COVID hoành hành. Lật giở những trang đầu của “Năm COVID thứ nhất”, từng sự kiện một như được tái hiện vô cùng sống động: từ ngày đầu tin tức về dịch nhen nhóm, đến giai đoạn “Hoảng loạn - Đấu tố - Kỳ thị” diễn ra khắp trên các “mặt trận online”; từ lần cách ly toàn xã hội đầy hoang mang tới những ngày giãn cách cuối cùng. 

Đội ngũ y bác sĩ đứng tại tâm dịch đã gồng mình để không chỉ chống dịch “trong” mà còn ổn định tư tưởng “ngoài” cho người dân. “Đừng để người dân trở thành nạn nhân của những tin đồn ác ý cùng nỗi sợ hãi mơ hồ. Không được để ngành y phải đơn độc trong cuộc chiến này".

Chương ba của cuốn sách là một quãng nghỉ có tên “Tháng ngày bình yên” với những câu chuyện về  những ngày giãn cách chờ đợi những đợt sóng mới của dịch bệnh, thảnh thơi đi bên cuộc đời ngắm những yêu và sống, là những xót xa khi nhắc đến những cuộc chia ly. Vẫn nhịp điệu từ tốn, chất giọng giễu nhại như bàng quan đấy mà chua cay, mà tỉnh táo về những góc cạnh trong cơn đại dịch của cả nhân loại. 

Qua cuốn sách, bác sĩ Ngô Đức Hùng giúp độc giả có được cái nhìn tổng quát về dịch bệnh, nguồn gốc của virus, cách thức hoạt động và lây nhiễm cùng với các mốc thời gian chính trong hai năm đại dịch hoành hành. Bài học lịch sử từ những đại dịch nguy hiểm xưa kia nhân loại phải trải qua đã quá rõ ràng, các nhà khoa học cần tìm mọi cách để con người không bị đẩy vào viễn cảnh bị diệt chủng.  

Với cái nhìn trong cuộc đầy thực tế, thương cảm nhưng không bi lụy, bằng giọng kể hài hước châm biếm chính mình, bác sĩ Hùng đã “thổi” vào cuốn sách một tinh thần tích cực và tràn đầy hy vọng trước những khó khăn chồng chất của dịch bệnh và cả những hố sâu dư luận cực đoan của một bộ phận cộng đồng thiếu thông tin, thiếu đồng cảm và cả thiếu hiểu biết.  

Bằng cái tâm của một bác sĩ, những dòng nhật ký của Ngô Đức Hùng là một làn gió mát lành tích cực giúp độc giả có một cái nhìn đúng đắn về dịch bệnh, và hơn hết là cảm nhận được sâu sắc về tình người giữa thời buổi dịch bệnh rình rập trước cửa từng nhà.

COVID-19: Góc nhìn của nhà văn 

“Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi” của nhà văn Sương Nguyệt Minh và “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử” (nhiều tác giả) là hai cuốn sách do Công ty CP Sbooks liên kết với NXB Văn học ấn hành đã để lại nhiều cảm xúc ám ảnh trong lòng người đọc. 

Cuốn “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi” gồm gần 30 bài viết được nhà văn Sương Nguyệt Minh viết từ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát cho đến khi TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với những ngày tháng đau thương khi số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng lên mỗi ngày. 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã theo sát diễn biến nóng hổi đầy tính thời sự của các đợt dịch và phản ánh lại trong các bài viết của mình qua lăng kính của nhà văn như “Qua đại dịch mới hiểu lòng người trong đục”, “Hà Nội, một đêm mất ngủ”, “Lời nói dối đi nửa vòng trái đất”, “Người lính và những hi sinh thầm lặng”, “Tết COVID-19 thời chiến... ám ảnh thắt lưng buộc bụng”, “Áp đặt “luật chơi” với loài người, COVID-19 thắng hay thua”, “Hàng xóm cháy nhà, không thể “bình chân như vại””, “Ấn Độ ngập trong tang tóc”, “Sài Gòn thương nhau, cả nước thương Sài Gòn”, “Về quê tránh dịch”, “Nhân loại bị trả giá, con người bớt kiêu ngạo”... 

Qua “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi”, có thể thấy Sương Nguyệt Minh là một nhà văn hết sức nhạy cảm với thời cuộc, anh có cái nhìn sắc bén, thấu đáo và nhân văn trong nhiều câu chuyện theo dòng thời cuộc: Trong lúc đồng bào cả nước oằn mình chống dịch, thì một số kẻ lợi dụng thời cơ “đục nước béo cò”, trục lợi, thổi giá trang thiết bị cao chót vót để tham ô tham nhũng; có những ông quan y tế huyện cưới con giữa đại dịch; có ông quan huyện quậy tưng bừng ở chốt kiểm dịch; có ông đại gia thay người đánh tráo cách ly; những người lao động thủ công như thợ hồ, nhặt ve chai, đạp xích lô và công nhân cứ “ráo mồ hôi là hết tiền” bị cách ly - phong tỏa nên mất việc, hết tiền hết gạo phải tháo chạy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn km về quê tránh dịch… 

Theo chia sẻ của nhà văn Sương Nguyệt Minh, trước đó anh không hề có ý định sẽ viết về cơn đại dịch này để tập hợp và in thành sách, mà ban đầu anh viết chỉ đơn thuần như một nhu cầu cần giải tỏa, cần chia sẻ về một vấn đề, một góc nhìn trong những sự việc cụ thể nào đấy. Đến khi nhà văn Võ Thị Xuân Hà đề nghị anh gửi một số tác phẩm để chọn lọc cho cuốn sách “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử” thì anh mới phát hiện ra mình đã viết đến gần 30 bài và dữ liệu này đủ để trở thành một cuốn sách độc lập. Vì thế, 2 cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi” và “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử” do nhà văn Võ Thị Xuân Hà tổ chức bản thảo đã ra mắt đồng thời.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh tâm sự: “Lúc đầu, tôi chỉ viết về những vấn đề mình thích, về những câu chuyện đang có tác động mạnh mẽ đối với xã hội, viết như một nhu cầu để giải tỏa bản thân... Không ngờ là dịch bệnh lại kéo dài quá lâu, phát sinh nhiều vấn đề khiến tôi suy nghĩ, trăn trở. Tôi đã nghĩ rằng, đã đến lúc mình phải viết với trách nhiệm của một nhà văn, một người cầm bút đối với cuộc sống xã hội: viết để góp phần thay đổi nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong công tác chống dịch có thể còn kéo dài; viết để động viên, cổ vũ các lực lượng tham gia chống dịch đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ đang đêm ngày vất vả hi sinh để cứu chữa cho bệnh nhân và viết để tiếp thêm niềm hi vọng về cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường...”

Nếu cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi” là góc nhìn cá nhân của nhà văn Sương Nguyệt Minh sau gần 2 năm thế giới và Việt Nam đối mặt với đại dịch toàn cầu, thì “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử” là cái nhìn đa chiều của các nhà báo, nhà văn về những chiến sĩ áo trắng, những người lính ở mọi miền Tổ quốc, những nhà báo xông pha tuyến đầu, những nhà hảo tâm và cả những bệnh nhân đã được chữa khỏi cùng chung sức chống dịch… 

Chính vì thế, đọc cuốn sách “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử”, độc giả cũng sẽ nhận được năng lượng yêu thương chia sẻ ấm áp từ những tấm gương vì cộng đồng, những bài học rút ra ngay trong cuộc chiến sinh tử, những mất mát hi sinh lớn lao qua những ngày tháng thử thách cam go./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Những cuốn sách hay của thời COVID
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO