Những kịch bản phát triển nền kinh tế số Việt Nam

Lan Phương| 15/05/2019 16:34
Theo dõi ICTVietnam trên

“Báo cáo Tương lai kinh tế số Việt Nam: Hướng đến năm 2030, 2045" vừa được công bố tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày 15/5/2019, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh

Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho biết: “Báo cáo Tương lai kinh tế số Việt Nam đưa ra một bức tranh toàn cảnh giúp Việt Nam hoạch định cho sự phát triển kinh tế số của đất nước”.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết, Báo cáo này là thành quả quan trọng đầu tiên của Chương trình Quan hệ Đối tác Đổi mới sáng tạo Aus4Innovation giữa Australia và Việt Nam.

Báo cáo này sẽ góp phần định hướng các hoạt động tiếp theo trong ba năm tới khi chúng tôi xây dựng mối liên kết hợp tác sâu sắc hơn giữa hai quốc gia và giúp tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam nhằm thích nghi với những thách thức và cơ hội của kinh tế số”, Đại sứ Australia cho biết thêm.

TS. Lucy Cameron, tác giả chính của báo cáo

TS. Lucy Cameron, tác giả chính của báo cáo, đồng thời là tư vấn nghiên cứu cao cấp tại Data61|CSIRO cho biết, đến năm 2045, ứng dụng số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam.

Tác giả của báo cáo cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, có nền tảng phù hợp để chuyển đối số. Bà đưa ra một số xu thế chủ đạo và các kịch bản lớn có thể tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam.

“Với lợi thế dân số trẻ, đầu tư hợp lý và một vị trí quan trọng ở khu vực châu Á đang có tăng trưởng cao, Việt Nam có cơ hội tốt để bứt phá nhờ các công cụ số nếu việc chuyển đổi mô hình kinh tế được tổ chức tốt”.

Tác giả báo cáo cũng tư vấn để đạt mức thu nhập cao, Việt Nam cần tăng trưởng cao về xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu; Tăng trưởng nhanh và toàn diện; Bắt kịp về công nghệ và ứng dụng khoa học và công nghệ và nâng cao năng suất; Hệ thống chính sách ổn định và đáng tin cậy và đầu tư cao cho y tế và giáo dục.

Tại Hội nghị, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng Việt Nam đang xếp ngang hàng về tỉ lệ sử dụng mobile và Internet so với nhiều nước. Đây là cơ sở để phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Việt Nam cần cơ cấu lại các viện nghiên cứu, giảm số lượng nhưng tăng quy mô, chất lượng. Đào tạo nhân lực cũng cần được chú trọng do Việt Nam còn thiếu lực lượng lao động lành nghề.

7 xu thế chủ đạo ảnh hưởng đến tương lai kinh tế số Việt Nam

TS. Lucy Cameron cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và đã trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á.

Làn sóng tiếp theo của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT) và các dịch vụ dựa trên nền tảng và điện toán đám mây - có tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu suất cao tiếp theo của châu Á. Việt Nam cần phải nắm bắt những cơ hội to lớn này đồng thời hạn chế một số rủi ro”.

7 xu hướng chính tác động đến kinh tế số Việt Nam

Data 61|CSIRO đã phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc Bộ KHCN để xác định 7 xu thế chính ảnh hưởng đến tương lai kinh tế số của Việt Nam. Những xu thế này bao gồm: Tác động của các công nghệ số mới nổi; Các thị trường xuất khẩu mới cho Việt Nam; Sự phát triển của cơ sở hạ tầng số hiện đại; Nhu cầu phát triển thành phố thông minh; Sự gia tăng của kỹ năng và dịch vụ số; và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

4 kịch bản cho tương lai của kinh tế số Việt Nam

Các xu thế chủ đạo này là cơ sở xây dựng lên 4 kịch bản cho tương lai nền kinh tế số của Việt Nam. Các kịch bản này đã phác họa một bức tranh toàn cảnh giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch cho kinh tế số của Việt nam trong tương lai.

4 kịch bản cho tương lai nền kinh tế số củ Việt Nam

TS. Cameron cho biết: “Tương lai của nền kinh tế phụ thuộc vào vị trí của Việt Nam trong bản đồ số của khu vực và mức độ ứng dụng các sản phẩm và dịch vụ số của chính phủ, cộng đồng và ngành công nghiệp”.

Kịch bản Truyền thống

Theo báo cáo, cho đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 196 tỷ USD vào GDP tính theo giá so sánh năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương (61 tỷ USD theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân). Chuyển đổi số thấp, ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) phát triển chậm.

Kịch bản Xuất khẩu số

Cho đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 217 tỷ USD vào GDP tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương PPP (67 tỷ USD theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân). Ngành CNTT&TT phát triển nhanh chủ yếu dựa trên hoạt động gia công xuất khẩu, ứng dụng số trong các ngành còn hạn chế.

Kịch bản Tiêu dùng số

Cho đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 331 tỷ USD vào GDP tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương PPP (103 tỷ USD theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân). Chuyển đổi số mạnh mẽ trong các ngành trong nước nhưng chủ yếu sử dụng sản phẩm dịch vụ CNTT&TT của nước khác, ngành CNTT&TT trong nước phát triển chậm.

Kịch bản Chuyển đổi số

Cho đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 544 tỷ USD vào GDP tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương PPP (169 tỷ USD theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân). Ứng dụng công nghệ số cao trong toàn bộ nền kinh tế và ngành CNTT&TT tăng trưởng mạnh.

Báo cáo Tương lai kinh tế số của Việt Nam là sản phẩm quan trọng đầu tiên của Chương trình Aus4innovation. Báo cáo được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ từ phía Bộ KHCN Việt Nam nhằm xác định các lĩnh vực mới nổi trong công nghệ và chuyển đổi số ở Việt Nam.

Đây là báo cáo thứ hai do Data 61|CSIRO xây dựng cho Chương trình Aus4Innovation. Báo cáo thứ nhất, Việt Nam ngày nay, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và kinh tế số của Việt Nam trong năm 2018.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những kịch bản phát triển nền kinh tế số Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO