Truyền thông

Những người “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” ở Phú Thọ

PT 21/11/2024 15:52

Tại Phú Thọ, một số cán nhân điển hình không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong những năm qua, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, mang lại hiệu quả rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, huyện Thanh Sơn triển khai thực hiện 5 dự án thành phần gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Để những dự án này được triển khai có hiệu quả, tại các bản làng, những Người có uy tín đã vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích cây rau, màu các loại; triển khai thực hiện xây dựng mô hình trồng lúa giống mới, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

a1-1.jpg
Các cấp chính quyền huyện Thanh Sơn luôn quan tâm đến những người có uy tín tại địa phương. Ảnh: baodantoc.vn

Với phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, những Người có uy tín như ông Đinh Như Hoa, dân tộc Mường, ở khu 7, xã Cự Thắng; ông Đinh Khắc Hiếu, dân tộc Mường, ở xóm Sự Trong, xã Cự Thắng; ông Triệu Văn Quang, dân tộc Mường ở xóm Thành Công, xã Văn Miếu; bà Đinh Thị Bạn, dân tộc Mường, xóm Đồng Cỏ, xã Thục Luyện; ông Phùng Đức Hòa ở xã Hương Cần... đã tích cực vận động người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ông Đinh Như Hoa, Người có uy tín ở khu 7, xã Cự Thắng cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức phát huy nội lực, có ý chí vươn lên, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đồng đất quê hương vào sản xuất; cùng giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”.

Trưởng khu phố “gương mẫu”

Gần 10 năm nay, ông Đinh Viết Trường (dân tộc Mường) được người dân tin tưởng bầu chọn làm Trưởng khu Sính, xã Tinh Nhuệ (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) kiêm thôn đội trưởng. Ông Trường luôn là người gương mẫu trong các phong trào, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng các dân tộc tại địa phương.

145d1091915t8262l0-vip-temp-file-image.jpg
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò nhà ông Trường luôn phát triển tốt.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh khu, ông Trường chia sẻ: Khu Sính có 54 hộ dân, đa số là người Mường. Bà con trong khu chủ yếu dựa vào đồi rừng, chăn nuôi để phát triển kinh tế nhưng lại không nắm chắc kỹ thuật để biết khi nào cần xuống giống, cách tỉa cây đạt hiệu quả, phòng trừ sâu bệnh ra sao...

Để nâng cao năng suất, sản lượng trong chăn nuôi, trồng trọt, ông Trường luôn tự tìm tòi học học áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Tận mắt chứng kiến thành quả của gia đình Trưởng khu, người dân bắt đầu đăng ký tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt do xã, huyện tổ chức. Nhờ các kiến thức được tập huấn, ông Trường áp dụng vào chăn nuôi, mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng khoảng 5 tấn lợn giống và lợn thịt, cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn chăn thả hơn chục con bò; trồng 50 gốc bưởi; mở cửa hàng bán tạp hóa, trồng 5ha cây keo... thu nhập mỗi năm được trên 100 triệu đồng.

Tự xác định trách nhiệm giúp đỡ bà con của mình, ông Trường đã không ngần ngại, đến từng gia đình, trực tiếp phổ biến, tuyên truyền, làm cầu nối để người dân hiểu về lợi ích và ý nghĩa các chính sách của Đảng và Nhà nước; mang uy tín và sự hiểu biết của mình để tuyên truyền, vận động người dân trong xã gạt bỏ mọi hủ tục, giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng mình, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Vận động bà con đóng góp hơn 60 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa khu; vận động hiến đất, đóng góp ngày công để chung tay làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi.

Để bà con trong khu tin và làm theo, gia đình ông đã tiên phong trong việc tự nguyện hiến hơn 800m2 đất để mở rộng con đường liên xóm mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì, đồng thời vận động các hộ dân có đường đi qua hiến đất như gia đình ông Thắng hiến khoảng 200m2, ông Minh 50m2... Ông Trường tâm sự: Tấc đất là tấc vàng, nhưng nếu đường cứ bé, cứ lầy lội không được bê tông hóa thì mãi khổ. Có đường đi lại thuận tiện thì kinh tế mới phát triển, người dân dễ dàng trao đổi, mua bán hàng hóa, trẻ em đến trường cũng thuận lợi hơn.

Nhìn 800m2 đất với chiều dài hơn 100m, chiều rộng 8m đang được các đơn vị thi công khẩn trương san gạt để tạo hình con đường lớn, đổ bê tông nay mai, chúng tôi hiểu phương châm hành động của ông Trường là gương mẫu, thống nhất giữa lời nói và việc làm. Ông không tính cái mất, mà tính cái được, theo ông: Cái được ở đây là được cả một phong trào, khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương.

145d1092122t7690l5-meitu-20241111-09130.jpg
Ông Đinh Viết Trường (bên phải) chia sẻ kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi.

Phó Chủ tịch UBND xã Tinh Nhuệ Bùi Duy Hoàn nhận xét: Ông Đinh Viết Trường là một trong nhiều tấm gương tiêu biểu trong trong phong trào hiến đất làm đường tại địa phương, năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao cho gia đình, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước..., là tấm gương sáng để người dân trên địa bàn học tập và làm theo./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những người “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” ở Phú Thọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO