Những thách thức khi tính thuế các dịch vụ xuyên biên giới

Lan Phương| 24/12/2018 14:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện thu thuế dịch vụ xuyên biên giới được được xem là rất khó bởi dưới tác động của công nghệ, Internet thì hàng hóa, dịch vụ và vận chuyển không còn như trước đây.

Các công ty công nghệ xuyên biên giới như Facebook, Google, Uber, Grab, Airbnb… hiện cung cấp nhiều dịch vụ xuyên biên giới nhờ các nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ. Việc này đặt ra nhiều vấn đề trong tính thuế, áp thuế mà vẫn phải đảm bảo cạnh tranh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính vừa có trao đổi cho biết hiện nay có nhiều thứ không hiện hữu nhưng lại có giá trị như thông tin được tạo ra bởi người dùng trên Facebook, YouTube.... Facebook thu thập thông tin của người dùng và sử dụng, khai thác để tạo ra lợi nhuận, thu quảng cáo. Câu chuyện là Facebook ở Mỹ nhưng thu lợi nhuận ở Việt Nam qua đại lý quảng cáo.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính

Trước đây, việc đánh thuế là đánh thuế trên hàng hóa hữu hình, thu nhập phát sinh từ Việt Nam và luân chuyển giữa các quốc gia. Giờ đây Facebook, Airbnb, Uber ở Mỹ hay Grab ở Singapore nhưng xuất khẩu dịch vụ sang Việt Nam mà không một hải quan nào kiểm soát được và cũng không có rào cản nào để ngăn chặn được. Vậy, bài toán tính thuế như thế nào đối với các dịch vụ xuyên biên giới.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, để có thể thực hiện được việc đánh thuế đối với các hoạt động thương mại và dịch vụ xuyên biên giới cần xác định được hai yếu tố. Đó là giá trị sản phẩm bị đánh thuế và đối tượng bị đánh thuế.

Những hàng hóa hữu hình có thể xác định giá trị, định giá nhưng với sản phẩm, hàng hóa vô hình rất khó để xác định giá trị. Thông tin là dạng hàng hóa vô hình.

Ở châu Âu, đã có nước tính đến đánh thuế “data”, nguồn gốc phát sinh giá trị, đánh thuế đối với các công ty chạy quảng cáo cho Google, Facebook. Việc đánh thuế ở mức nào cũng cần được nghiên cứu nếu không sẽ cản trở phát triển các doanh nghiệp, trong đó có start-ups.

Một thách thức lớn nữa khi xác định loại thuế để áp dụng là sẽ áp thuế thu nhập hay thuế dịch vụ giá trị gia tăng (VAT). Để xác định được loại thuế áp dụng cũng không dễ dàng do những dịch vụ này hoàn toàn mới và không có bất cứ căn cứ pháp lý nào quy định.

Lấy ví dụ như trường hợp Taxi Vinasun kiện Grab hiện chưa xử được vì không có căn cứ pháp lý để nói rằng Grab làm Vinasun lỗ. Grab có thể đã thu hút các tài xế, khách hàng nhưng bằng chứng pháp lý để chứng minh là không có căn cứ. Nếu đánh thuế Grab như taxi bình thường không hợp lý. Đây là thách thức nên hiện nay chỉ đánh thuế khoán đối với Grab trên tổng doanh thu doanh nghiệp gồm thuế VAT và thuế thu nhập mà không thể tách bạch vì không thể khấu trừ.

Yếu tố thứ hai là xác định đối tượng để đánh thuế. Tham gia dịch vụ sẽ bao gồm người dùng, công ty cung cấp dịch vụ và đơn vị trung gian sở tại giữa công ty cung cấp dịch vụ và người dùng.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, việc xác định đối tượng đánh thuế cũng rất khó thực hiện và rất phức tạp. Ví dụ, nhiều start-ups làm ứng dụng cho nước ngoài vậy việc cung cấp dịch vụ này khó xác định là xuất khẩu hay nhập khẩu.

"Đối với người sử dụng dịch vụ thì không thể đánh thuế, với các công ty cung cấp dịch vụ như Google, Facebook... cũng không thể đánh thuế do họ thành lập và đăng ký hoạt động ở quốc gia khác. Đối tượng cuối cùng là đơn vị trung gian ở Việt Nam, thì cũng rất khó đánh thuế do họ chỉ là đơn vị thu hộ, chứ không phải đối tượng hưởng lợi trực tiếp", PGS.TS Vũ Sỹ Cường phân tích.

Việc tính thuế xuyên biên giới là rất khó khăn

Đồng quan điểm, TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế nhận định, cách thức quản lý thuế hiện chưa đáp ứng được đầy đủ và chính xác đối với loại hình kinh doanh bằng công nghệ, từ đó việc xác định doanh thu phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp này không hề dễ dàng, dẫn đến việc thất thu thuế là tất yếu.

Do đó, xây dựng cách tính thuế cần đến sự liên kết, hỗ trợ giữa các ngành, chứ không riêng mình ngành thuế thực hiện được.

"Nền kinh tế không quan sát được của các dịch vụ thương mại xuyên biên giới đang phát triển tốt hơn gấp nhiều lần nền kinh tế quan sát được. Chỉ riêng Facebook ước tính thu lợi hàng nghìn tỷ đồng từ thị trường Việt Nam. Nếu kiểm soát được thuế từ các dịch vụ này có thể đem tới nguồn thu cực lớn cho quốc gia", TS. Bùi Trinh cho hay.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng việc tính thuế dịch vụ xuyên biên giới là rất khó khăn. Các quốc gia trên thế giới, cụ thể là các nước Liên minh châu Âu cũng phải họp với nhau nhiều tháng, nhiều năm để nghiên cứu cách xử lý đối với các dịch vụ số do sự thay đổi kỹ thuật trong chuyển giao hàng hóa giữa các quốc gia.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những thách thức khi tính thuế các dịch vụ xuyên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO