Những trung tâm khởi nghiệp “tầm cỡ Silicon Valley”

Bảo Bình| 13/08/2021 07:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Trên khắp thế giới, các trung tâm công nghệ, được mô phỏng theo thung lũng Silicon, đang nổi lên. Mỗi “thung lũng” lại có một câu chuyện riêng và một loạt các yếu tố độc đáo đằng sau sự phát triển của nó.

Thung lũng Silicon đã sinh ra nhiều huyền thoại nổi tiếng thế giới. Đó là HP, ra đời trong một nhà để xe. Đó là Steve Jobs, biểu tượng của ngành công nghiệp công nghệ. Mark Zuckerberg, người có nền tảng truyền thông xã hội thu hút 2,8 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên khắp thế giới. Thành công của họ và nhiều thành công khác đã viết nên những câu chuyện huyền thoại về Thung lũng Silicon, nâng cao danh tiếng của miền đất như là một nơi đáng đến, nếu bạn có một ý tưởng thông minh và muốn thực hiện trong lĩnh vực công nghệ.

Ngày nay, thung lũng Silicon vẫn là trung tâm công nghệ nổi bật của thế giới. Quy mô sức mạnh kinh tế của Silicon Valley chưa từng có trong lịch sử công nghệ toàn cầu, thậm chí bất kỳ ngành công nghiệp nào. Nhưng năng lực vượt trội của thung lũng Silicon đã dần dần tuột dốc.

Trên khắp thế giới, các trung tâm công nghệ, được mô phỏng theo thung lũng Silicon, đang nổi lên. Nhân tài ở California đắt cắt cổ, các nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng nhìn xa hơn để đầu tư và các quy định về thị thực đang buộc các công ty phải suy nghĩ lại. 

Trong khi đó, một số trung tâm khởi nghiệp công nghệ trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ và nổi bật những năm gần đây. Một số được gọi là “Thung lũng Silicon” tại quốc gia tương ứng, nhưng nếu so sánh trực tiếp với họ thì quả là một sự bất công. Mỗi “thung lũng” lại có một câu chuyện riêng và một loạt các yếu tố độc đáo đằng sau sự phát triển của nó. 

Lagos - Nigeria

Những trung tâm khởi nghiệp “tầm cỡ Silicon Valley” - Ảnh 1.

Lagos là trung tâm công nghệ, một lĩnh vực phát triển nhanh nhất của Nigeria

Mỗi giờ, có 77 người di chuyển đến Lagos từ các nơi ở Nigeria. Mọi thứ xảy ra ở Lagos. Đây là trung tâm văn hóa và thương mại của Nigeria, nơi có ngân hàng lâu đời nhất của đất nước và xưởng phim độc lập lớn nhất. Và Lagos là trung tâm cho lĩnh vực phát triển nhanh nhất của đất nước: công nghệ.

Lagos là quê hương của Jumia, công ty thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất lục địa. Nhưng các công ty khởi nghiệp nổi bật nhất của thành phố là trong lĩnh vực fintech - có lẽ không có gì ngạc nhiên, vì nhiệm vụ chuyển tiền vẫn là thách thức quan trọng nhất ở châu Phi. Các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Lagos có phạm vi hoạt động quốc tế, với khả năng tiếp cận nguồn vốn địa phương thông qua mạng lưới đầu tư mạo hiểm đang phát triển và nguồn vốn lớn hơn nhiều có sẵn thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài. 

Y Combinator, công ty tăng tốc khởi nghiệp có trụ sở tại Thung lũng Silicon, đã tổ chức sự kiện đầu tiên và duy nhất ở Châu Phi tại Lagos vào năm 2016, một dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của thành phố này trong giới công nghệ toàn cầu.

Sự phát triển của lĩnh vực công nghệ ở Lagos gần như không thể tránh khỏi, đó là một phần mở rộng tự nhiên của một thành phố đang thu hút mọi thứ vào quỹ đạo của nó. Bản chất tập trung của thành phố đã thúc đẩy sự đổi mới, ngay cả khi các doanh nhân hiện đang than phiền về mức độ đông đúc của Lagos.

Alex Onukwue, một nhà báo công nghệ, cho biết Nigeria có lịch sử khởi nghiệp địa phương lâu đời hơn các quốc gia khác trong khu vực. Ông nói: “Chúng tôi có các ngân hàng vào những năm 80, các công ty công nghệ trong những năm 90 và đầu những năm 2000, được xây dựng hoàn toàn bởi người Nigeria”.

Nhưng không phải ai cũng tin rằng Lagos sẽ vẫn là trung tâm công nghệ chính của Nigeria. Sim Shagaya, người sáng lập nền tảng TMĐT Konga, đã bắt đầu liên doanh công nghệ giáo dục (edtech) mới của mình tại Jos, cách thủ đô Abuja của đất nước khoảng 268 km về phía bắc. Shagaya cho biết anh chọn thành phố này để tránh sự căng thẳng và giao thông ở Lagos. Adewale Yusuf, người sáng lập hãng truyền thông công nghệ TechPoint, nói ông tin rằng các công ty nên trải rộng khắp Nigeria.

Trung tâm ngành công nghệ của Lagos là Yaba, một vùng ngoại ô thời thuộc địa của thành phố. Những con phố chật hẹp và cơ sở hạ tầng cũ kỹ có thể không tạo ấn tượng ngay lập tức về một trung tâm công nghệ cao, nhưng vị trí trung tâm của Yaba là chìa khóa thành công. Nó nằm gần hai trường đại học, Đại học Lagos và Cao đẳng Công nghệ Yaba, và điều quan trọng, không giống như nhiều nơi trong nước, nó có năng lực truy cập Internet đáng tin cậy.

Yaba đã khai sinh hoặc đóng vai trò là trụ sở của một số công ty khởi nghiệp nổi bật nhất châu Phi trong những năm gần đây, bao gồm cả Jumia. Trung tâm của thành công đó là Trung tâm Đồng sáng tạo (Cc-Hub), một vườn ươm các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu. Hơn 120 startup đã thông qua Cc-Hub kể từ khi thành lập. Nhiều công ty khởi nghiệp bắt đầu trong khu vực này đã tạo nên biệt danh của nó: “Thung lũng Yabacon”.

Ngành công nghệ ở Nigeria bắt đầu vào những năm 1990, khi các công ty mới mọc lên để cung cấp các giải pháp thanh toán cho những người dùng thất vọng với hệ thống ngân hàng. Paystack, được thành lập vào năm 2015 bởi các doanh nhân Nigeria Shola Akinlade và Ezra Olubi, công ty khởi nghiệp fintech đã được công ty thanh toán khổng lồ Stripe của Mỹ mua lại với giá 200 triệu USD vào năm ngoái. Đó không chỉ là thương vụ mua lại công nghệ lớn nhất ở Nigeria; nó cũng là biểu tượng của phần thưởng dành cho những người chọn tạo dựng sự nghiệp trong ngành công nghệ.

Bengaluru - Ấn Độ

Trong 20 năm qua, Bengaluru (còn được gọi là Bangalore) đã trở thành trái tim của ngành công nghệ gần 200 tỷ USD của Ấn Độ. Bengaluru ngày nay đang cố gắng nâng cao chuỗi giá trị để trở thành một trung tâm khởi nghiệp thực sự.

Những trung tâm khởi nghiệp “tầm cỡ Silicon Valley” - Ảnh 2.

Bengaluru đã trở thành trái tim của ngành công nghệ gần 200 tỷ USD của Ấn Độ

Thủy triều đã bắt đầu thay đổi vào giữa thập kỷ trước. Ấn Độ từ lâu đã nổi bật với các kỹ sư phần mềm và lập trình viên trẻ, có năng lực, nói tiếng Anh, nhưng đội ngũ tài năng đó lại để mắt đến sự nghiệp ở nước ngoài. Hemant Mohapatra, người rời quê nhà để làm việc cho Google và Andreessen Horowitz ở Mỹ cho biết: “Tôi chỉ cảm thấy mình sẽ không có được cơ hội đó ở Ấn Độ”. Nhưng thời gian trôi qua, Mohapatra và những người như anh bắt đầu cảm thấy cơ hội thực sự ở đất nước và quay trở lại đầu tư tiền bạc và kinh nghiệm của họ ở Ấn Độ.

Sự thay đổi này được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của những kỳ lân cây nhà lá vườn như Flipkart và dịch vụ gọi xe Ola, những câu chuyện thành công ở quy mô chưa từng thấy trước đây. Bengaluru hiện là một trong những thủ đô khởi nghiệp của thế giới, với 14 kỳ lân có trụ sở tại thành phố.

Văn hóa khởi nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh của Bengaluru khác xa với những gì Mohapatra đã trải qua khi còn là sinh viên ở Ấn Độ. Hiện là đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu Lightspeed, Mohapatra nhớ lại rằng trở thành một doanh nhân đồng nghĩa với thất nghiệp - điều này mang theo sự kỳ thị của xã hội. “Bạn không thể kết hôn,” anh ấy nói, “không ai muốn hẹn hò với bạn!”

Đến năm 2010, các quán cà phê và quán rượu của Bengaluru đã trở thành địa điểm tổ chức các cuộc gặp gỡ công nghệ. Những cuộc gặp gỡ đó là tia sáng khiến nhiều sinh viên kỹ thuật biến tài năng của mình thành một doanh nhân công nghệ.

Rishab Ramanathan lớn lên ở Bengaluru trước khi chọn con đường đầy chông gai đến Thung lũng Silicon. Chàng trai 24 tuổi này trước đây đã làm việc tại Apple, nhưng anh ấy hy vọng một ngày nào đó sẽ trở về nhà. Anh nói: “Thung lũng Silicon rất sắc bén, tập trung vào công nghệ và giải quyết mọi thứ liên quan đến công nghệ. Nhưng, tôi nghĩ, Bengaluru còn nhiều hơn thế nữa”.

Trung tâm của ngành công nghệ Bengaluru là Thành phố Điện tử, trải rộng trên 325 ha ở phía nam. Được thành lập vào những năm 1970, ngày nay, hơn 200 công ty công nghệ, bao gồm cả Infosys và Wipro, có trụ sở chính tại khu vực này.

Công ty khởi nghiệp giá trị nhất của Ấn Độ, Byju’s, nhận thấy hoạt động kinh doanh tăng vọt khi đại dịch khiến các lớp học trực tiếp phải hủy bỏ và sinh viên phải học từ xa. Công ty edtech đã huy động được hơn 1 tỷ USD trong hai năm qua và cho biết họ đang tuyển dụng tới 7.000 người trong năm tới. Công ty được đặt tên theo người đồng sáng lập, Byju Raveendran, được chú ý vì là một phần của làn sóng mới các doanh nhân công nghệ Ấn Độ, những người đã chọn xây dựng sự nghiệp ở quê nhà thay vì đến Mỹ.

Thâm Quyến - Trung Quốc

Thâm Quyến được mệnh danh là "vua tốc độ". Chưa rõ là tốt hay xấu, nhưng Thâm Quyến được định  nghĩa bởi tốc độ chóng mặt của nó. Khi Steve Jobs yêu cầu iPhone phải có màn hình bằng kính chỉ một tháng trước khi ra mắt, Thâm Quyến đã biến nó thành hiện thực. Các nhà máy mọc lên chỉ trong một đêm và hàng nghìn kỹ sư lành nghề ngay lập tức được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề. Các thiết kế có thể mất hàng tháng để xây dựng ở những nơi khác nhưng đã được sản xuất trong vài tuần ở đây, nếu không phải là vài ngày.

Những trung tâm khởi nghiệp “tầm cỡ Silicon Valley” - Ảnh 3.

Thâm Quyến hiện là nơi các công ty công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc như DJI, Huawei và Tencent, đặt trụ sở

Tốc độ đó được phản ánh bởi sự phát triển của chính thành phố: từ một thành phố biên giới nhỏ 30.000 người vào năm 1979 đến một đô thị bùng nổ 13 triệu người vào năm 2020, và từ khối lượng xuất khẩu 9,3 triệu USD năm 1979 lên 244 tỷ USD năm 2017. Khi Trung Quốc nỗ lực giành độc lập hoàn toàn về công nghệ, các công ty có trụ sở tại thành phố này, bao gồm DJI, Huawei và Tencent, đang đi đầu. Vào năm 2019, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tuyên bố Trung Quốc đã nộp nhiều đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế hơn Mỹ, một nửa trong số đó đến từ Thâm Quyến. Các quan chức tuyên bố rằng 4,2% GDP của thành phố được đưa vào nghiên cứu và phát triển trong năm 2018.

Nhưng có một mặt khác về tốc độ Thâm Quyến. Đó là năng lực sao chép các sản phẩm với tốc độ đáng kinh ngạc, đôi khi thậm chí trước khi bản gốc được tung ra thị trường. Ngoài sao chép sản phẩm, Thâm Quyến còn nổi tiếng với văn hóa làm việc không khoan nhượng có tên 996: làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.

Thâm Quyến đã trải qua một sự thay đổi đáng kinh ngạc chỉ trong khoảng vài thập kỷ, từ làng mạc thành đô thị. Nhưng mọi thứ vẫn chưa chậm lại. "Thành phố vẫn còn đói, vẫn được thúc đẩy, vẫn còn nhiều tham vọng".

Nếu Thâm Quyến là thủ đô phần cứng của thế giới, thì Huaqiangbei chính là trái tim của Thâm Quyến. Khu chợ điện tử rộng lớn từng có rất nhiều gian hàng bày bán mọi thứ từ các thiết bị đã hoàn thiện đến các thành phần riêng lẻ bên trong chúng. Khu chợ này nổi tiếng với nền văn hóa bắt chước - thường được gọi là shanzhai - khi các nhà máy nhanh chóng huy động để tận dụng bất kỳ xu hướng mới nổi nào. Nó cũng phát triển thành văn hóa của các nhà sản xuất cây nhà lá vườn, tạo ra các dạng công nghệ mới từ các thành phần có sẵn.

Mặc dù Thâm Quyến có nguồn gốc là một thành phố của phần cứng, nhưng một công ty phần mềm đã đại diện cho tương lai của Thâm Quyến. Đó là Tencent. Riêng trong WeChat, Tencent kiểm soát siêu ứng dụng cai trị tất cả siêu ứng dụng: một ứng dụng thiết yếu được tích hợp sâu vào nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước. Trong lĩnh vực trò chơi, Tencent đang âm thầm tìm kiếm sự thống trị toàn cầu, với cổ phần trong các nhà phát triển trên toàn cầu và giấy phép di động để nhượng quyền thương mại đa dạng như Call of Duty và Pokémon. Trụ sở chính của Tencent ở Thâm Quyến có tất cả các tiện nghi tốt nhất của một khuôn viên ở Thung lũng Silicon./.

Bài liên quan
  • Số vốn đầu tư cho startup Việt năm 2023 giảm 17%
    Theo báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, năm 2023, các startup Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế biến động trên toàn cầu.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những trung tâm khởi nghiệp “tầm cỡ Silicon Valley”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO