Truyền thông

Nỗ lực giúp kinh tế Thủ đô “cất cánh” sau đại dịch COVID-19

Đỗ Thêu 07:08 16/06/2023

Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp (DN), kinh tế Thủ đô đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thành tựu nổi bật

Tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của DN và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

anh-16.1.jpg
Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Cụ thể, tăng trưởng bình quân 2021 - 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức bình quân cả nước. Tái cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được chú trọng. GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người (khoảng 5.950 USD), tăng 18,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 7,07%/năm. Thu ngân sách được đảm bảo và vượt dự toán hằng năm. Chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, kịp thời bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn, giai đoạn 2021-2022, khoảng 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu NSNN của Hà Nội hơn 200 nghìn tỷ động, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ.

Thành phố tập trung xây dựng hoàn thiện nhiều nội dung lớn, mang tính chiến lược quan trọng. Giai đoạn 2021-2022, đã hoàn thành 218 dự án (19 cấp thành phố, 199 cấp huyện), năm 2023, dự kiến hoàn thành 164 dự án (6 cấp thành phố, 158 cấp huyện).

Nhiều công trình lớn, quan trọng hoàn thành hoặc đã khởi công như: Vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Vành đai 2 trên cao. Trong năm 2023, dự kiến hoàn thành Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), vận hành tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội, khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…

Vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng. Hà Nội đã triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố. Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Đào tạo là chỉ số thành phần của PCI của thành phố luôn trong top 5 của cả nước.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật được các cấp chính quyền Thành phố quan tâm. Hà Nội đã hoàn thành và trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã báo cáo trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại kỳ họp lần thứ 12 thông qua Đề cương định hướng để làm cơ sở triển khai thực hiện; Trình thẩm định xong nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được tiếp tục đầu tư phát triển. Mạng lưới giao thông được tổ chức lại góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng.

Đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thời gian tới, để đảm bảo hoàn thành các kế hoạch đề ra, Ban cán sự đảng UBND Thành phố cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Quán triệt, siết chặt kỷ luật, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Đối với các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cuối năm 2023 thấp thì phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan và đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xử lý tổ chức, cá nhân liên quan.

anh-16.2.jpg
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng tin tưởng Thủ đô sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu trong tương lai.

Bí thư Thành uỷ cũng đề nghị các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các quận/huyện do mình phụ trách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Về phía Đảng đoàn, HĐND thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố; Giám sát việc triển khai các dự án, công trình (đặc biệt là công trình, dự án trọng điểm) của thành phố nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai, hoàn thành sớm. Qua đó, làm động lực, đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế Thủ đô ngày càng phát triển bền vững.

Trên cơ sở Nghị quyết của hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh và sáng tạo, cả hệ thống chính trị của thành phố sẽ tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra từ nay đến hết nhiệm kỳ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực giúp kinh tế Thủ đô “cất cánh” sau đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO