Chuyển đổi số

Thanh toán không tiền mặt giúp Hà Nội xây dựng thành phố thông minh

Đỗ Thêu 13:49 08/06/2023

Với mục tiêu hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai, nhiều năm qua UBND TP. Hà Nội khuyến khích mọi người sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt (KDTM) trong mọi lĩnh vực.

anh-11.2.jpg
Các cấp chính quyền Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhân rộng mô hình thanh toán không tiền mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xu thế tất yếu

Theo các chuyên gia, thành phố thông minh (TPTM) là nơi thực hiện chiến lược phát triển tổng thể, thống nhất dựa trên các công nghệ, giải pháp thông minh. Trong các tiêu chí cần phải đạt được khi xây dựng TPTM, tiện ích đô thị được coi yếu tố cơ bản xuyên suốt. Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là công cụ đắc lực để thực hiện điều đó.

Điển hình ở tiêu chí giáo dục thông minh, việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho phụ huynh, tiết kiệm thời gian xếp hàng, chờ đợi đóng các khoản thu hàng tháng tại trường, giảm tải cho bộ phận tài chính của trường.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đại diện Bộ Y tế cho rằng: “Thanh toán KDTM giúp ngành y tế đơn giản hóa thủ tục, phục vụ bệnh nhân tốt hơn như không còn phải xếp hàng đợi thanh toán, giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn, tiết kiệm chi phí nhân lực, rút ngắn quy trình khám chữa bệnh và tích hợp với hệ thống bệnh viện góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số (CĐS), hướng tới mô hình bệnh viện thông minh".

Một lãnh đạo ngân hàng đánh giá: "Nhìn từ phía ngân hàng, KDTM chính là giải pháp thúc đẩy CĐS cũng như xây dựng TPTM. Điều này giúp cho các TPTM minh bạch hóa trong vấn đề thanh toán cũng như quản lý tài chính. Nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động thanh toán KDTM, các ngân hàng đã triển khai quá trình chip hoá thẻ từ”.

Vài năm trở lại đây, xu hướng thanh toán KDTM càng tăng mạnh bởi những ảnh hưởng của dịch COVID-19. Người tiêu dùng chuyển dần từ hình thức mua sắm truyền thống sang mua sắm online.

Hà Nội thay đổi để thích ứng

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người dân, Sở đã kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một cách bài bản và toàn diện các chương trình nhằm phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn thành phố.

Rất nhiều hoạt động được thành phố triển khai như: “Chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội” (trong đó có các hoạt động như ngày vàng khuyến mại, sự kiện online xuống phố, ngày hội tiêu dùng 4.0, Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale,...), sự kiện ngày KDTM, hội thảo TMĐT xuyên biên giới, đẩy mạnh thanh toán KDTM để giảm thiểu nguy cơ lây lan địch COVID-19…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai vận hành có hiệu quả wesite bản đồ mua sắm TP. Hà Nội tại địa chỉ http://bandomuasam.hanoi.gov.v.... Từ trang web này, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận các địa điểm mua sắm, tiêu dùng hoặc máy bán hàng tự động được đặt rải rác trên địa bàn thành phố, giúp nâng cao trải nghiệm và hoạt động mua sắm của người dân.

Nhờ việc triển khai có hiệu quả các kế hoạch và chương trình hoạt động đã giúp Hà Nội trong nhiều năm giữ vững hạng 2 so với cả nước về chỉ số TMĐT (EBI). Đồng thời, tỷ lệ thanh toán KDTM trong TMĐT đạt 45%, lượng giao dịch mua hàng trực tuyến trên các website, ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử đạt 65%.

Từ những hiệu quả thực tế trong quá trình CĐS lĩnh vực thanh toán, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT. Đồng thời, thành phố cũng thực hiện duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; Duy trì việc khai thuế, nộp thuế điện tử đối với DN đạt trên 98%, tăng lượng khách hàng thanh toán hóa đơn tiền nước trực tuyến lên 98%, tỷ lệ thanh toán tiền điện KDTM đạt trên 99,7%...vv.

Hiện nay việc thanh toán KDTM được nhân rộng ở khắp nơi và trong mọi lĩnh vực trên địa bàn TP. Hà Nội. Điển hình như trên địa bàn quận Long Biên, mô hình “Chợ 4.0 - chợ KDTM” được triển khai tại chợ Thượng Thanh mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

anh-11.1.jpg
Người dân Thủ đô hưởng ứng việc thanh toán KDTM trong quá trình mua sắm.

Mô hình nhận được sự ủng hộ rất lớn của tiểu thương tại chợ Thượng Thanh. Chị Nguyễn Hải Vân cho biết: “Việc thanh toán KDTM tạo thuận lợi cho cả tiểu thương và khách hàng khi mua bán vừa an toàn, vừa tránh nhầm lẫn. Hoạt động này còn đảm bảo vệ sinh, bởi mình biết rất nhiều khách hàng cảm thấy khó chịu khi nhận lại tiền thừa bị dính thịt hay cá từ tiểu thương”.

Anh Đức Hải chủ tiệm tạp hóa tại chợ Thượng Thanh cũng cho biết: “Thanh toán KDTM mặt thuận lợi cho người mua và bán thì không có lý do gì không dùng. Hơn nữa chúng tôi cũng không mất công sức hay gặp khó khăn trong quá trình tạo mã QR vì đã được cán bộ chính quyền hỗ trợ. Đây là hoạt động thực sự hữu ích”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán không tiền mặt giúp Hà Nội xây dựng thành phố thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO