Một gia đình ở Mỹ có 6 bác sĩ
Yvonne Yui đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 của mình sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân tại bệnh viện ở bờ Đông - nơi cô đang công tác ở khoa Nhi. Chị họ cô - Pamela Lin, một bác sĩ tại phòng khám gia đình ở Baltimor - đã ho suốt 3 ngày nay trong lúc đang đợi kết quả của bản thân.
Chồng của Pamela là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, chịu trách nhiệm ứng phó với Covid-19 tại một bệnh viện ở Baltimore. Đại gia đình này còn có một bác sĩ tại phòng cấp cứu chuyên đón tiếp người có triệu chứng của Covid-19, một bác sĩ tại Philadelphia chuyên điều trị cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch vì virus và một bác sĩ đã nghỉ hưu - người có thể được điều động nếu số ca tăng theo cấp số nhân.
Yvonne luôn cho rằng mình may mắn khi sinh ra trong gia đình toàn bác sĩ. Giờ đây, gia đình cô đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất cuộc đời họ, giữa trách nhiệm phải chăm sóc cho bệnh nhân và nỗi lo sợ sẽ lây bệnh cho người nhà.
Bỗng nhiên, cô phải đối mặt với vô số câu hỏi: Ai sẽ chăm sóc cho con gái sơ sinh nếu cô nhiễm virus? Cô sẽ phải khuyên mẹ làm gì nếu bà được điều động đi chăm sóc bệnh nhân Covid-19? Liệu gia đình cô có vượt qua được khủng hoảng lần này?
“Tôi nghĩ về nó mỗi ngày”, Yvonne cho biết.
Đại gia đình có 6 người làm bác sĩ.
Các bác sĩ trên khắp nước Mỹ đang đối mặt với những vấn đề tương tự, nhất là trong hoàn cảnh thiếu thốn đồ bảo hộ. Cứ mỗi một bác sĩ ngã xuống là lại thêm một gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đang quá tải vào lúc này vì dịch bệnh.
Khi làm xét nghiệm Covid-19, Yvonne nghĩ về các thành viên trong gia đình: đứa con gái 5 tháng tuổi, mẹ cô - người đang sống gần đó để trông cháu, chồng cô - người bị hen suyễn, rất dễ tổn thương trước dịch bệnh. "Tôi rất lo lắng cho các anh chị em của mình - những người cũng là bác sĩ", người phụ nữ 33 tuổi này cho biết. "Công việc đã rất áp lực rồi, lại cộng thêm nỗi lo về người thân nữa".
Khi Pamela nói chuyện điện thoại, cơn ho khan luôn khiến cô bị ngắt quãng. Là một bác sĩ chuyên chăm sóc sức khỏe ban đầu, cô chính là cầu nối đầu tiên giữa bệnh nhân và hệ thống y tế. Tuần trước, một người đến khám đã có dấu hiệu khó thở - triệu chứng thường thấy của Covid-19. Sau khi thấy tình trạng của bệnh nhân tệ đi, Pamela đã khuyên người này đến bệnh viện làm xét nghiệm.
Bệnh nhân của cô đã xét nghiệm từ 12/3 nhưng vẫn đang chờ kết quả. “Xét nghiệm được chuyển từ Baltimore tới Utah, nhưng vì trục trặc kỹ thuật nên lại phải chuyển tới Arizona, sau đó quay lại North Carolina”, Pamela kể. Đây chính là ví dụ điển hình cho khủng hoảng xét nghiệm tại Mỹ - yếu tố chính cản trở cuộc chiến chống lại virus.
Cảm thấy mình bắt đầu ốm, Pamela đã tự mình đi xét nghiệm. Cô nghĩ việc cách ly tại nhà chỉ còn là vấn đề thời gian nếu cô thực sự nhiễm virus, trước khi lây sang cho 2 người con. Cô sẽ phải tránh xa chúng, nhưng điều đó là hoàn toàn không khả thi. Trên hết, cô sẽ phải tạm nghỉ việc.
Bác sĩ Yvonne Yui (trái) và bác sĩ Pamela Lin (phải)
“Vì là bác sĩ, việc tôi dương tính với Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới văn phòng, cấp dưới và tất cả các bệnh nhân”, cô nói. “Nhiệm vụ của tôi là chữa bệnh. Thật khó đề ngồi bên lề cuộc chiến này”.
Chồng của Pamela - Alexander Chen, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm - cho biết, bệnh viện của anh khá tốt so với các chỗ khác. Nơi này vừa được trang bị thêm khẩu trang và máy thở. Tuy nhiên, anh cảnh báo rằng bệnh viện sẽ không thể đáp ứng được nếu số bệnh nhân tăng vọt lên.
Theo Alexander, các bác sĩ tại phòng cấp cứu là những người phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhất. “Đêm qua tôi gần như đã chấp nhận rằng sẽ có các bác sĩ, y tá và các chuyên gia hô hấp thiệt mạng vì dịch này”, anh nói.
Stephanie Anderson - chị họ của Yvonne và Pamela - hiện đang làm tại bệnh viện ở Virginia. Cô lo mình sẽ mang virus về nhà khiến chồng cùng 2 đứa con 7 và 9 tuổi của mình nhiễm bệnh. Sau mỗi ca trực, Stephanie cố gắng giữ khoảng cách với mọi người cho tới khi tắm xong và vứt đồ bẩn vào máy giặt. Cô thậm chí còn khử trùng ca xe của mình.
“Tôi có một gia đình để trở về. Và tôi phải đảm bảo an toàn cho họ”, Stephanie tâm sự. “Đó cũng là nỗi lo chung của nhiều đồng nghiệp chỗ tôi: Phải làm gì để bảo vệ gia đình? Ai cũng nghĩ về điều đó và làm mình thêm stress”.
Mỗi ngày, phòng cấp cứu nơi Stephanie làm việc lại đón thêm càng nhiều bệnh nhân có triệu chứng của Covid-19. Dù có mặc đồ bảo hộ nhưng cô biết rồi nó sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Kể cả vậy, nữ bác sĩ này vẫn quyết tâm làm việc.
“Đối với những người làm ở phòng cấp cứu như chúng tôi, chúng tôi biết mình đang dấn thân vào điều gì. Bạn sẽ phải giải quyết những sự kiện với hàng loạt thương vong. Bạn phải xử lý các chấn thương nghiêm trọng. Bạn phải làm việc”.
Anna Koo - mẹ của Yvonne và cũng là vị bác sĩ lớn tuổi nhất trong nhà - cũng suy nghĩ như vậy. Ở Anh, chính phủ đã đề nghị 65.000 bác sĩ và y tá về hưu quay trở lại chống dịch. Hội Cựu chiến binh Mỹ và chính quyền New York cũng đưa ra yêu cầu này. Dù người già trên 65 tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn, Anna cho biết bà đang xem xét tham gia.
“Nếu tôi được cần đến và có thể giúp đỡ, nhất định tôi sẽ đi”, bà nói. “Tất cả chúng ta đều phải tham gia. Ai cũng có trách nhiệm của mình”.
Tất nhiên, Anna và gia đình của bà đều biết rằng có rất nhiều y bác sĩ ngoài kia đã tử vong vì Covid-19. Thứ tư tuần trước, một bác sĩ 57 tuổi tại miền bắc nước Ý đã chết trong cô đơn tại bệnh viện sau khi nhiễm bệnh. Nhiều y bác sĩ khác chỉ mới 20, 30 tuổi cũng đã gục ngã khi đối đầu với dịch bệnh ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Yvonne và gia đình không lo bản thân bị nhiễm bệnh, mà sợ mình sẽ lây lan cho gia đình, bệnh nhân và cộng đồng. Đó cũng là nỗi bất an lớn nhất của các y bác sĩ trên khắp nước Mỹ.
Yvonne không để nỗi sợ này cản trở công việc của mình. “Tôi chưa từng nghĩ tới chuyện nghỉ làm. Chúng tôi đã chăm sóc bệnh nhân qua đủ loại thảm họa tự nhiên - và đây là lúc mà mọi người cần chúng tôi nhất”.
(Theo The Atlantic)