Nước sạch sinh hoạt - Để nông thôn trở thành nơi đáng sống
Công tác cấp nước sạch đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp người dân ở khu vực nông thôn nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững và tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức môi trường và biến đổi khí hậu.
Để thực hiện hiệu quả nội dung cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 925/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Người dân nông thôn có nước sạch sinh hoạt
Thời gian qua, công tác nước sạch nông thôn được các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt những kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào kết quả xây dựng nông thôn mới cả nước.
Từ năm 2021 đến nay, bên cạnh việc nâng cấp hệ thống cấp nước cũ, các tỉnh, thành phố đã huy động hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế (UNICEF, WorldBank), nguồn đóng góp của khu vực tư nhân để triển khai nhiều chương trình và dự án xây dựng mới hệ thống cấp nước ở khu vực nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Nhiều dự án cấp nước sạch xây mới được áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và được vận hành với mô hình quản lý nước sạch bền vững, giúp tối ưu hóa nguồn lực. Một số công nghệ tiên tiến đã được áp dụng như hệ thống lọc sinh học từ nguồn bị ô nhiễm nhẹ, tích hợp công nghệ năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng mặt trời...
Theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn ngày 15/11/2024, tính đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 18.100 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho gần 9,4 triệu hộ gia đình nông thôn; Trong đó có 32% công trình hoạt động bền vững, 26,3% công trình hoạt động tương đối bền vững, 27% công trình hoạt động kém bền vững và 14,8% công trình không hoạt động. Đã có 116 công trình có công suất từ 5.000 m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung cho khoảng 55% dân số nông thôn, 94% các trường học. Đối với các hộ gia đình chưa được cấp nước tập trung đã được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và hướng dẫn các biện pháp thu, trữ, xử lý nước an toàn cho mục đích sinh hoạt. Những nỗ lực trong hoàn thiện hạ tầng cấp nước đã giúp hàng triệu người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch, đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh được cải thiện đáng kể.
Cũng theo báo cáo, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 74,2% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn, trong đó có 55,1% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19,1% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình. Trong 7 vùng kinh tế cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất (với tỷ lệ 91,9%) so với các vùng còn lại trên cả nước. Vùng Tây Nguyên có số hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất (39,5%). Cấp nước nông thôn đã góp phần vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 6.289/8.162 xã (đạt 77,1%) đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 2.146 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 465 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 6.512/8.162 xã (79,7%) đạt tiêu chí về Môi trường và An toàn thực phẩm trong đó có chỉ tiêu về nước sạch nông thôn.
Mặc dù cả nước có 74,2% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, nhưng tại một số tỉnh vẫn còn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp như: Hà Giang (7,7%), Gia Lai (7,7%), Yên Bái (11,4%), Cao Bằng (12,6%), Lâm Đồng 12,8%, Điện Biên (13,5%).
Bên cạnh đó còn có tới 41,8% số công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động, ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ (chiếm 1,2% dân số nông thôn), chủ yếu là công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô rất nhỏ do UBND xã và cộng đồng quản lý vận hành.
Trong 2.680 công trình cấp nước không hoạt động (chiếm 14,8%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phối hợp với Sở Tài chính thực hiện thủ tục thanh lý, hủy tài sản như Cà Mau đang tiến hành thực hiện thủ tục hủy và thanh lý 128 công trình; Đắk Nông đề nghị thanh lý 133 công trình; Bắc Giang đề nghị thanh lý 31 công trình...
Tăng tốc để đạt mục tiêu
Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt theo Quyết định 925/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; Đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.
Việt Nam cũng đã đặt đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Đây là một thách thức lớn khi nguồn lực đầu tư cho cấp nước nông thôn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước còn hạn chế, nguồn lực xã hội chỉ huy động được ở khu vực đồng bằng, tập trung đông dân cư, thiếu giải pháp thỏa đáng để thúc đẩy nguồn lực này cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; Hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh, các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao; Mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn đa dạng, chưa có quy định cụ thể, thống nhất; Tỷ lệ công trình hoạt động chưa hiệu quả, chất lượng dịch vụ thấp do giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ theo quy định...
Để hoàn thành các mục tiêu về cấp nước sạch ngày một rút ngắn, đòi hỏi cần tập trung rà soát và bổ sung các chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển hệ thống nước sạch nông thôn, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; Xây dựng khung pháp lý rõ ràng về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước sạch; Tăng cường phân cấp quản lý, khuyến khích sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng.
Về đầu tư hạ tầng, cần ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung cho các khu vực nông thôn chưa được tiếp cận với nước sạch; Tận dụng các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cấp nước; Khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường; Xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các hộ gia đình ở nông thôn để cải thiện điều kiện nước sạch; Cung cấp các khóa đào tạo kỹ thuật cho đội ngũ quản lý và vận hành công trình cấp nước.
Công tác xã hội hóa trong xây dựng hệ thống cấp nước cần được quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án cung cấp nước sạch đồng thời có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã và mô hình doanh nghiệp cộng đồng trong việc vận hành và duy trì các công trình cấp nước./.