Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị: Muốn phát triển, cần tuân thủ luật chơi

Duy Phạm (thực hiện)| 17/06/2021 09:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Đề án Quy hoạch báo chí đã đi vào thực hiện được hơn ¼ chặng đường. Việc sáp nhập một số cơ quan báo chí (CQBC) có những thành công bước đầu. Một trong những CQBC vừa thực hiện sáp nhập nhưng đã thu được những kết quả nhất định là tờ Kinh tế Đô thị (KTĐT).

Tháng 1-2021 vừa qua, báo Pháp luật & Xã hội của Sở Tư pháp TP. Hà Nội đã sáp nhập với Kinh tế Đô thị (KTĐT). Khó khăn chồng chất, nhưng Ban Biên tập Báo đã "đi tắt đón đầu", vận dụng yếu thành mạnh, bước đầu hoàn tất việc sắp xếp lại tổ chức và xuất bản các ấn phẩm - đó là khẳng định của ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập, trong cuộc trò chuyện với PV Tạp chí Thông tin & Truyền thông.

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị: Muốn phát triển, cần tuân thủ luật chơi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Đức

Là một trong những cơ quan báo chí thực hiện việc sáp nhập theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, KTĐT có sự phát triển tốt và tạo được hiệu ứng trong độc giả. Theo ông, để đạt được thành quả như trên, Ban Biên tập đã gặp những khó khăn và thuận lợi gì?

Ông Nguyễn Minh Đức: Báo Kinh tế Đô thị (KTĐT), trước khi sáp nhập, đã hoạt động khá ổn định với số lượng 100 cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động. Do sự sắp xếp khoa học của Ban Biên tập nên tờ báo phát hành tốt với báo in phát hành 6 số/tuần và bên cạnh đó là 3 ấn phẩm điện tử. Hiệu quả lao động tốt, thu nhập của anh em cũng được đảm bảo với hai lý do. Một là vị trí việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn. Hai là có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Từ đó dẫn đến chất lượng chuyên môn của ấn phẩm được đánh giá cao, kinh tế báo chí hoạt động có hiệu quả. Năm 2021, thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, báo Pháp luật & Xã hội của Sở Tư pháp sáp nhập về báo KTĐT và trở thành một Ban – Ban Pháp luật & Xã hội. Khó khăn thì khá nhiều vì toàn bộ Báo Pháp luật & Xã hội có 76 người, bao gồm cả trụ sở chính và các văn phòng đại diện. Cơ quan từ 100 con người lên đến 180 là cả một vấn đề. Từ quản lý điều hành, phân công phân nhiệm, công tác tổ chức, chuyên môn đến đảm bảo thu nhập cho người lao động đều là những bài toán khó giải. Nhưng chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND TP. Hà Nội. Cơ quan chủ quản đã quan tâm, chỉ đạo, sắp xếp, ổn định tương đối tổ chức, tạo điều kiện để trong quá trình sắp xếp không bị xáo trộn và ổn định về mặt tổ chức. Ngay cả việc giải quyết vấn đề tâm lý cho người lao động, khi mà từ một CQBC, họ phải xuống thành một Ban, hay từ Tổng Biên tập của tờ báo, giờ phải xuống chức thành Phó Tổng hay Trưởng ban chẳng hạn… Nhiều cán bộ chịu thiệt thòi… Những khó khăn đó cũng cần có biện pháp tâm lý để giải quyết. Điều quan trọng nhất trong quá trình sáp nhập là phải tạo ra sự đoàn kết, hòa nhập, tránh mặc cảm của người lao động. Để làm được điều đó thì cơ quan chủ quản và Ban Biên tập phải quan tâm đến công tác cán bộ, công bằng về chế độ chính sách, không phân biệt đối xử. Tài chính cũng là một thách thức không nhỏ. Khi sáp nhập, Ban Biên tập đồng ý để Ban Pháp luật & Xã hội tạm thời hạch toán tương đối độc lập trong vòng 2 năm. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ sắp xếp lại nhân sự, vạch ra hướng phát triển, kể cả sắp xếp, tổ chức lại chuyên môn cũng như thực hiện kinh tế báo chí và nâng cao năng suất và hiệu quả công việc cho Ban Pháp luật & Xã hội. Với cách làm này, tôi cho rằng KTĐT đã đạt được thành công ban đầu. Ngày 27/5 vừa qua, Ban Pháp luật & Xã hội của báo KTĐT ra ấn phẩm in số đầu tiên. Chuyên trang điện tử Pháp luật & Xã hội của báo KTĐT cũng đã ra mắt độc giả vài ngày sau đó. Đến thời điểm này, theo đánh giá của Ban Biên tập, nhân sự của hai tờ báo đã có sự hòa nhập tốt, tạo ra một không khí làm việc mới.

Với xu thế hiện nay, việc ra ấn phẩm in dường như không thích hợp lắm, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Đức: Nếu phân tích thị trường báo chí hiện nay cũng như nhu cầu về sử dụng báo in của độc giả, tôi cho rằng, báo in trong thời điểm này sẽ không hiệu quả, nếu như không muốn nói là rất khó khăn. Việc phát hành ấn phẩm in trên hệ thống phát hành bưu điện hay phát hành tự do đều không đạt hiệu quả. Song, chúng tôi quyết định vẫn tiếp tục xuất bản ấn phẩm này là có lý do. Một là Pháp luật & Xã hội vẫn có một lượng độc giả đặt báo dài hạn ổn định và trung thành. Hai là Hội đồng tuyên truyền pháp luật TP.Hà Nội vẫn cần ấn phẩm này để làm kênh thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Từ hai lý do trên, tôi thấy rằng nếu biết vận dụng, ấn phẩm in vẫn còn "đất sống".

Có thể thấy, KTĐT cùng các ấn phẩm phụ của mình đã tạo được những nguồn thu tốt…

Ông Nguyễn Minh Đức: Không phải bây giờ mà từ lâu, chúng tôi đã đặt ra vấn đề làm thế nào tạo được nguồn thu hiệu quả từ hoạt động báo chí. Năm 2012, khi ở KTĐT nói riêng và các CQBC nói chung, nguồn thu chính là bán báo in, chúng tôi đã nhận định về thị trường báo chí, đặc biệt là vấn đề kinh tế báo chí. Ở thời điểm đó, nguồn thu chủ yếu vẫn từ phát hành báo in, nếu CQBC không chủ động, sáng tạo thì nguồn thu nhập sẽ dần dần sụt giảm. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra chủ trương đa dạng hóa nguồn thu. Vậy có những nguồn nào từ hoạt động báo chí? Đầu tiên là cơ chế đặt hàng của Nhà nước. Tiếp đó là mở rộng các hoạt động quảng cáo trên báo in, báo điện tử. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức các sự kiện, thực hiện các hợp đồng tuyên truyền cho tổ chức và doanh nghiệp. Thời gian gần đây, KTĐT bắt đầu thực hiện dịch vụ bán tin và bản quyền tin tức. Ví dụ như một số trang mạng và đối tác có nhu cầu lấy nguồn tin từ KTĐT thì họ trả tiền cho mình. Ngoài ra, KTĐT còn thực hiện hoạt động liên kết xuất bản, trong đó chúng tôi quản lý về mặt nội dung, đối tác chịu trách nhiệm về tài chính. Sắp tới, chúng tôi sẽ có thêm một bước ngoặt mới trên con đường "làm kinh tế" khi thu phí đọc báo của độc giả. Hiện tại, chúng tôi đang thảo luận với đối tác để ký kết hợp đồng về dịch vụ này.

Thưa ông, tuy không phải là những cơ quan đầu tiên thực hiện QHBC, sáp nhập với cơ quan khác, nhưng KTĐT cũng bước đầu thành công trong việc thực hiện quy hoạch này. Vậy ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về hiệu quả của Đề án Quy hoạch báo chí?

Ông Nguyễn Minh Đức: Thật ra, quy hoạch báo chí, nhìn ở góc độ bi quan thì rất khó khăn. Còn ở góc độ tâm lý thì nó có tác động tiêu cực. Đơn cử như một tờ báo có tên tuổi, ra đời từ rất lâu, vì quy hoạch báo chí, trở thành một ban trong tờ báo khác, như báo PL&XH, chắc chắn không ai vui cả. Hay một tờ báo đang hoạt động độc lập như KTĐT, đang ổn định tự dưng nhận 1 tờ báo khác sáp nhập về, số lượng cán bộ phóng viên tăng vọt lên thì tâm lý cũng không thoải mái. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng nhìn thấy trong khó khăn có thuận lợi. Ví dụ khi sáp nhập, nhân sự tăng lên giúp chúng tôi có đủ nhân lực để tờ báo phát triển, không chỉ khoanh vùng ở Hà Nội nữa. Với nhân sự hiện tại, chúng tôi có cơ hội mở rộng ra Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần thơ ... Thứ hai, tính chuyên biệt của tờ báo cũng tăng lên khi lĩnh vực chuyên sâu là mảng PLXH được tăng cường. Khả năng cung cấp thông tin cho bạn đọc cũng tăng lên. Về cơ cấu tổ chức, việc sáp nhập cũng tạo cơ hội để sắp xếp lại tổ chức, hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thông thường chức năng, nhiệm vụ của báo, tạp chí là cơ quan ngôn luận của đơn vị chủ quản, nhưng trên thực tế là nhiều CQBC đưa tin rất rộng, sang nhiều lĩnh vực không thuộc phạm vi hoạt động của mình. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Minh Đức: Theo tôi, để có thể thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích của từng CQBC, có hai 2 vấn đề cần làm rõ. Một là bản thân CQBC cần thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình, phát huy sở trường và hạn chế sở đoản. Thứ hai, CQBC cần tuân thủ luật chơi, không vi phạm bản quyền hoặc nếu muốn khai thác thì cần có sự hợp tác công bằng và đúng pháp luật. Nếu như các cơ quan báo chí thống nhất được điều đó, chúng ta mới có tâm thế để nói chuyện với đối tác bên ngoài. Đó là nhà mạng, các công ty truyền thông, doanh nghiệp, và hiện tại, đó là các tập đoàn mạng xã hội xuyên biên giới như YouTube, Google, Facebook… Nếu bản thân chúng ta tuân thủ được thì mới có thể cùng nhau đấu tranh, bảo vệ bản quyền báo chí và đặt ra câu chuyện thu phí độc giả hay bán tin tức.

Một số chuyên gia về truyền thông có nhắc đến thị trường thông tin (News Market) giữa các CQBC với các công ty truyền thông và nhà mạng. Nhưng để làm được điều này cần có một cơ chế bản quyền chặt chẽ. Ông nghĩ sao về ý tưởng này?

Ông Nguyễn Minh Đức: Thực ra, thị trường thông tin không phải là ý tưởng nữa mà trên thực tế cũng đã hình thành. Ví dụ, từ lâu rồi, nhiều CQBC phải mua tin của Thông tấn xã Việt Nam, các công ty truyền thông đã mua tin tức từ các CQBC. Tuy nhiên, thị trường này chưa phổ biến và chưa chuyên nghiệp. Nếu hình thành một thị trường như vậy thì chúng ta cần xây dựng một hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho nó hình thành và phát triển. Mối quan hệ thị trường giữa CQBC và nhà mạng tôi đã từng nêu vấn đề nhiều nhiều năm trước. Thực tế rất phi lý khi nói đến lợi nhuận giữa CQBC và nhà mạng. Chúng ta đều biết nhà mạng thu phí viễn thông là từ người dùng, trong đó một phần là do người dùng vào mạng để đọc báo. Phần lợi nhuận đó nhà mạng lại không chia sẻ với các CQBC. Kể cả các nhà mạng trong nước trước đây cũng như các mạng xuyên biên giới hiện nay. Điều này đòi hỏi Bộ Thông tin & Truyền thông cần việc thiết lập lại cuộc chơi với 2 nội dung: Một là, giữa các cơ quan báo chí trong nước và các nhà mạng trong nước. Hai là, giữa các cơ quan báo chí Việt Nam với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google. Một số chính phủ các nước như Úc, Canada, Anh... đã hành động để bảo vệ quyền lợi cho các CQBC. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam cùng cần hành động.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng AI hẹp
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) đã vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi. Trong quý 2 này, Bộ TT&TT sẽ đưa ra một số ứng dụng mẫu để các cơ quan nhà nước có thể áp dụng rộng rãi.
  • Alibaba sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam
    Trong thời gian chờ xây dựng, tập đoàn công nghệ Trung Quốc thuê không gian máy chủ từ các công ty viễn thông của Việt Nam.
  • CMC hợp tác cùng NVIDIA đưa TP. HCM trở thành trung tâm AI của cả nước
    Mới đây, tại Tổ hợp không gian sáng tạo CMC TP.HCM CCS, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính đã có cuộc gặp với lãnh đạo của Tập đoàn NVIDIA nhằm tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện của hai doanh nghiệp (DN).
  • Bia Trúc Bạch kiệt tác chinh phục đỉnh cao
    Khám phá một kiệt tác, một di sản dẫn lối tinh hoa. Hoa Bia Saaz quý tộc vùng Zatec một kinh nghiệm bậc thầy tạo ra hương vị tinh túy bậc nhất đẳng cấp vượt thời gian, trải nghiệm đỉnh cao hoàn mỹ. Bia Trúc Bạch kiệt tác chinh phục đỉnh cao
  • Lan tỏa kinh nghiệm, mô hình CĐS cho các cơ quan báo chí
    Trong quý I-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội (MXH) xuyên biên giới.
  • Tam Đảo - điểm đến cho một không gian âm nhạc riêng
    Từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Đông Dương” - Tam Đảo luôn khiến những kẻ lãng du nao lòng bởi không gian bảng lảng sương mù lẩn khuất giữa những kiến trúc biệt thự tráng lệ. Và còn gì quyến rũ hơn, khi giữa không gian ấy lại được đắm mình trong những giai điệu trữ tình, ngọt ngào sâu lắng.
  • Hiệu quả thiết thực từ mô hình tiếp công dân trực tuyến
    Với sự phát triển của công nghệ truyền thông, họp trực tuyến, xét xử trực tuyến, tiếp công dân trực tuyến cũng đã được một số địa phương áp dụng. Việc tiếp công dân trực tuyến phần nào mang lại hiệu quả thiết thực so với tiếp công dân trực tiếp.
  • Nhà báo phát thanh trước yêu cầu chuyển đổi số
    Nhà báo phát thanh trong kỷ nguyên số cần hội đủ những kỹ năng cơ bản.
  • Khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành tại trung tâm IOC: Kinh nghiệm của Bình Phước
    Xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quý trong kỷ nguyên số - một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số (CĐS), tỉnh Bình Phước đã sớm tập trung quan tâm tạo lập, khai thác, sử dụng, tăng cường chia sẻ, kết nối dữ liệu số cùng với việc thành lập IOC và những kết quả bước đầu thu được rất đáng ghi nhận.
  • Tuyên Quang: Tăng cường các giải pháp chuyển đổi số báo chí
    Các chi hội nhà báo tại tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số (CĐS) báo chí với nhiều giải pháp từ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tin bài; duy trì hiệu quả chuyên mục “Chuyển đổi số” cho tới phát triển tác phẩm báo chí số.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị: Muốn phát triển, cần tuân thủ luật chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO