Phát hành bộ tem chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện

Hoàng Linh| 20/10/2022 16:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm tri ân công lao của chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện, ngày 20/10/2022, Bộ TT&TT phát hành bộ tem "Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922-1995)".

Bộ tem được thiết kế tràn lề với màu xanh lá cây chủ đạo mang tính biểu đạt cao, hình ảnh chính trên tem thể hiện chân dung chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện, nền mẫu tem thể hiện hình ảnh tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại và Làng trẻ em SOS Việt Nam - tiêu biểu cho nhưng di sản mà Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện để lại cho các thế hệ mai sau. Kết nối giữa quá khứ và tương lai là cành hoa phượng - loài hoa biểu trưng của thành phố Hải Phòng, nơi ông Hoàng Thế Thiện sinh ra, lớn lên và tham gia cách mạng.

Phát hành bộ tem chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện - Ảnh 1.

Bộ tem Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1992 - 1995)

Hình ảnh trên tem phát huy được ý nghĩa lịch sử và giáo dục khi bộ tem được phát hành trong năm 2022 - năm diễn ra sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922 - 2022) và kỷ niệm 35 năm thành lập Làng trẻ em SOS Việt Nam (2987 – 2022)

Bộ tem có khuôn khổ 43 x 32 (mm), gồm 01 mẫu, giá mặt 4000đ do họa sĩ Vương Ánh Nguyệt thiết kế, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ 20/10/2022 đến 30/6/2024.

Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện, tên thật là Lưu Văn Thi, sinh ngày 20/10/1922 tại TP. Hải Phòng. Quê ông ở thôn Lê Xá, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sinh trưởng trong một gia đình dân nghèo thành thị, có truyền thống yêu nước, ngay từ năm 1940, ông đã tham gia hoạt động cách mạng trong Tiểu tổ bí mật và tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước của phong trào Hướng đạo sinh, phòng trào truyền bá quốc ngữ và Đoàn Thanh niên cứu quốc tại TP. Hải Phòng.

Năm 1943, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 5 năm tù khổ sai, giam tại nhà tù Hoả Lò Hà Nội, rồi đầy lên nhà tù Sơn La. Năm 1945, ông vượt ngục tập thể, rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách mạng.

Từ tháng 9/1949 - 1954, ông được cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự Trung ương vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ, rồi được cử giữ các chức vụ: Chính uỷ - Bí thư Đảng uỷ Trung đoàn Tây Đô, Chính uỷ - Bí thư Đảng uỷ Trung đoàn Cửu Long, Chủ nhiệm Chính trị phân liên khu miền Tây Nam Bộ - Quân khu uỷ viên, Uỷ viên Ban tuyên huấn và uỷ viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Từ tháng 12/1964 - 1/1975, ông được cử giữ các chức vụ Phó Chính uỷ Quân khu 8, Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên Sư đoàn 9, Chính uỷ - Bí thư Đảng uỷ Sư đoàn 1, Đảng uỷ viên Mặt trận Tây Nguyên, Chính uỷ - Bí thư Đảng uỷ Sư đoàn 304, Phó Chính uỷ Mặt trận 968 - Nam Lào, tham gia chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn kiêm Chính uỷ - Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư lệnh khu vực 470, Chính uỷ - Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Từ tháng 2/1975 - 9/1978, ông cũng được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng, trong đó tham gia chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc đập tan chiến tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch, mở toang cánh cửa phía Đông, tạo thuận lợi cho các quân đoàn chủ lực triển khai lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn và tham gia chỉ huy quân hướng Đông - một trong những cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Từ tháng 10/1978 - 6/1982, ông được cử giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia; Cố vấn bên cạnh Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, Phó Tổng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia, Phó Thư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia kiêm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia.

Từ 1982 - 1989, ông được cử giữ các chức vụ Thứ trưởng thứ nhất bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Uỷ viên Đoàn chủ tịch uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Xã hội, Chủ tịch danh dự đầu tiên Làng trẻ em SOS Việt Nam. Hiện nay làng trẻ em đã phát triển thành hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam tại 17 tỉnh, thành trên cả nước, với hàng chục ngàn người được hưởng những lợi ích do tổ chức mang lại. Ông mất năm 1995 tại TP. Hồ Chí Minh.

Với những cống hiến to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, hai Huân chương Quân công hạng Nhất cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Phát hành bộ tem chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện - Ảnh 2.

Các nhà sưu tập tem Hà Nội tham dự buổi phát hành bộ tem chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện

Thông tin thêm về bộ tem nhân ngày phát hành đầu tiên của bộ tem 20/10/2022, ông Vũ Văn Tỵ, nhà sưu tập tem kỳ cựu cho biết bộ tem đã được các cựu chiến binh đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại đề xuất phát hành tem để ghi lại hình ảnh về vị Chính uỷ Trường Sơn Hoàng Thế Thiện. Bộ tem đã lấy tên "Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện" để bao hàm nhiều lĩnh vực hoạt động của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát hành bộ tem chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO