Phát huy nguồn lực của các tôn giáo vào xây dựng, phát triển đất nước

Bình Minh| 02/10/2022 08:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại hội XIII của Đảng xác định, thực hiện công tác tôn giáo không đơn thuần là hoạt động đáp ứng nhu cầu tinh thần của bộ phận Nhân dân mà còn phải phát huy nguồn lực của các tôn giáo vào xây dựng, phát triển đất nước. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tôn giáo ở Việt Nam luôn là một vấn đề mang ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc.

Phát huy nguồn lực của các tôn giáo vào xây dựng, phát triển đất nước - Ảnh 1.

Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt, một điểm sinh hoạt tôn giáo của người dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Bình Minh

Thực hiện đường lối của Đảng về công tác tôn giáo

Trước hết, những quan điểm về công tác tôn giáo đặt dấu mốc cho việc đổi mới đường lối, chính sách của Đảng trong suốt thời kỳ đổi mới. Kể từ sau năm 1990, tiếp tục đường hướng đổi mới trong công tác tôn giáo, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng khác về tôn giáo như Chỉ thị số 37-CT/TW (1998), Nghị quyết số 25-NQ/TW (2003), Chỉ thị số 18-CT/TW (2018). Bên cạnh đó, Đảng có những chủ trương chỉ đạo để giải quyết một số vấn đề tôn giáo cụ thể, nhất là các tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, tôn giáo mới, điểm nóng tôn giáo… Cụ thể là chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài (Thông báo số 34-TB/TW ngày 14 tháng 11 năm 1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII), chủ trương công tác đối với Phật giáo Hòa Hảo (Thông báo số 165-TB/TW ngày 4 tháng 9 năm 1998 của Thường vụ Bộ Chính trị BCHTW Đảng khóa VIII), chủ trương công tác đối với Hồi giáo trong tình hình mới (Thông báo 119-TB/TW ngày 30 tháng 9 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX), chủ trương đối với đạo Tin Lành trong tình hình mới (Thông báo số 184-TB/TW ngày 30 tháng 11 năm 1998 của Thường vụ Bộ Chính trị BCHTW Đảng khóa VIII; Thông báo số 255-TB/TW này 7 tháng 10 năm 1999 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng khóa VIII; Thông báo số 160-TB/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX…).

Tiếp đến, quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới mở ra quá trình xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo của Nhà nước. Với trách nhiệm thể chế hóa đường lối của Đảng về tôn giáo, năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tôn giáo như: Nghị định số 69/NĐ-HĐBT ngày 21 tháng 3 năm 1991 về Quy định về các hoạt động tôn giáo; Nghị định số 26/NĐ-Chính phủ ngày 19 tháng 4 năm 1999 về các hoạt động tôn giáo thay thế cho Nghị định số 69/NĐ-HĐBT. Đặc biệt, kết quả của tiến trình đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng được đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2004. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 1 tháng 3 năm 2005 về Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và sau này được thay thế bằng Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2012 về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng trong thời gian này, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 văn bản quan trọng giải quyết một số vấn đề chuyên biệt về tôn giáo. Đó là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4 tháng 2 năm 2005 Về một số công tác đối với đạo Tin Lành, giúp giải quyết một cách "trọn gói" vấn đề Tin Lành ở Việt Nam và Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo, giúp giải quyết những vướng mắc liên quan một phần đến vấn đề đất đai, tài sản tôn giáo.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, trên tinh thần đổi mới, Hiến pháp năm 2013 hiến định những nội dung rất mới về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Ở đó tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung của quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người chứ không chỉ là quyền của công dân như quy định trước đây) và Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Trên thực tế, năm 2016 Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 và đây là văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn chịu sự chi phối của một số luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai, Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, Luật Khám, chữa bệnh…

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Việt Nam xây dựng được bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo. Đó là một hệ thống quản lý theo mô hình một cơ quan công quyền của Chính phủ từ trung ương cho đến địa phương và ngày càng được hoàn thiện đa tầng, đa chức năng. Ban Tôn giáo Chính phủ có chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước, là đầu mối phối hợp với các ngành về công tác tôn giáo và liên hệ với các tổ chức tôn giáo. 

Hiện nay có bốn cấp quản lý liên quan đến tôn giáo: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong bốn cấp đó có sáu đầu mối quản lý liên quan đến lĩnh vực tôn giáo: Cấp trung ương gồm Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ; cấp tỉnh là UBND tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh; cấp huyện là UBND huyện; cấp xã là Ủy ban nhân dân xã. Các nội dung thông báo và đăng ký chủ yếu được thực hiện ở cấp xã và cấp huyện, các nội dung xin phép chủ yếu được thực hiện ở cấp tỉnh và cấp trung ương. Với chức năng, nhiệm vụ được phân định, ở mỗi cấp quản lý có những nội dung công việc cụ thể liên quan đến quản lý và hướng dẫn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Các nhà nghiên cứu nhận định, trong tình hình mới hiện nay, dù trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tôn giáo được nâng lên song công tác vận động quần chúng tín đồ không giảm bớt tầm quan trọng, nhất là trong việc xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc. Ở đây thấy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác vận động, đối thoại, thuyết phục, tuyên truyền… và kể cả công tác đấu tranh chống lại các tư tưởng lệch lạc, sai lầm, góp phần thực hiện tập hợp rộng rãi quần chúng tín đồ vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, đất nước giàu đẹp.

Tuy nhiên, suy đến cùng, sự chuyển biến trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới là một dấu chỉ quan trọng cho thấy sự đúng đắn của công tác tôn giáo. Thực tế là đời sống tôn giáo của người dân tiếp tục được bảo đảm, sinh hoạt tôn giáo đi vào nền nếp, nhiều tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được công nhận tư cách pháp nhân, được đăng kí sinh hoạt, được mở trường đào tạo, tham gia hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, quan hệ quốc tế… Điều đó đã tạo ra một bầu không khí hồ hởi, vui tươi trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, công tác tôn giáo không chỉ giúp giải quyết được nhiều vấn đề nổi cộm tồn tại trong mối quan hệ giữa nhà nước với tôn giáo mà còn tạo điều kiện cho các tôn giáo thực hiện đường hướng đồng hành cùng dân tộc mà còn mở ra quá trình xây dựng, hoàn thiện luật pháp tôn giáo, yếu tố quan trọng góp phần phát triển bền vững đất nước…

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo

Xuất phát từ thực trạng công tác tôn giáo cũng như đặc điểm văn hóa - chính trị Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đưa ra một số giải pháp cơ bản liên quan đến Đảng và Chính quyền nhà nước.

Về phía Đảng, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh quan điểm, chủ trương đường lối về tôn giáo đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình hiện nay, đó là sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập toàn diện với thế giới, phát triển nhanh và bền vững.

Để thực hiện nội dung đó cần hết sức lưu ý công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, kết hợp với kinh nghiệm quốc tế về công tác tôn giáo nhằm cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng cho việc xây dựng, thực hiện các quan điểm, chủ trương về tôn giáo nói chung, công tác tôn giáo nói riêng.

Về phía chính quyền nhà nước:

Một là, thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là các vùng có đông quần chúng tín đồ các tôn giáo nhằm ổn định cuộc sống, củng cố khối đoàn kết dân tộc.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trên cơ sở thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo. Đây chính là việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong lĩnh vực tôn giáo. Ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về quyền tự do tôn giáo, kế thừa những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng pháp luật tôn giáo, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu hiện thực đời sống đang đặt ra. Trong đó, đặc biệt nhanh chóng hoàn thiện cơ chế phát huy nguồn lực của tôn giáo vào phát triển đất nước như tinh thần Chỉ thị số 18 và Đại hội XII mà Đảng đã nhấn mạnh, nhất là trong các lĩnh vực mà tôn giáo sẵn có thế mạnh như giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo… Đồng thời tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan đến tôn giáo như đất đai, tài sản, một số hoạt động tôn giáo cụ thể như truyền đạo, nhất là trên không gian mạng, vấn đề cải đạo…

Ba là, cần tiếp tục xây dựng mô hình quản lý nhà nước hợp lý, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý ngành với quản lý theo địa bàn lãnh thổ và ngược lại nhằm ổn định tổ chức bộ máy quản lý cũng như đời sống tôn giáo của Nhân dân. Hiện nay, việc quản lý lĩnh vực tôn giáo chủ yếu theo địa bàn lãnh thổ cần phải phân cấp quản lý cho cấp dưới và cấp cơ sở, nơi thường xuyên nắm bắt trực tiếp những tâm tư tình cảm, những động thái mới cũng như các hoạt động của các cá nhân, tổ chức tôn giáo và không tôn giáo. Đặc biệt chú trọng việc ổn định đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo ở cơ sở, nhất là ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa nơi có nhiều đồng bào là dân tộc thiểu số đồng thời là địa điểm hoạt động của nhiều tổ chức phi chính phủ, trong đội ngũ cán bộ ở đây khi không chỉ quá mỏng mà lại thường xuyên thay đổi.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc theo hướng phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, đồng bào có tôn giáo khác nhau. Có như vậy thì công tác vận động – cốt lõi nhất của công tác tôn giáo – mới đạt hiệu quả cao trước là nhằm phát huy được nguồn lực tôn giáo vào phát triển kinh tế - xã hội, sau là bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Năm là, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, có nghệ thuật giải quyết các điểm nóng tôn giáo, chủ động đấu tranh làm thất bại các âm mưu lợi dụng tôn giáo, nhân quyền chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước của các thế lực thù nghịch. Thực tế, khi thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ bản trên đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chủ động phòng ngừa những hành vi lợi dụng tôn giáo, gây mất trật tự an ninh chính trị - xã hội, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước.

"Như vậy, bước vào thời kỳ đổi mới, công tác tôn giáo ở Việt Nam cho thấy đây vẫn là một lĩnh vực quan trọng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Quá trình đổi mới nhận thức của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo chính là nhân tố quan trọng góp phần tái cấu hình trong đời sống tôn giáo Việt Nam, mở ra thời kỳ xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đó không chỉ bảo đảm nhu cầu cơ bản của Nhân dân mà còn thể hiện ứng xử của nhà nước với tôn giáo, kiến tạo môi trường xã hội bình đẳng cho các tôn giáo cùng đồng hành, phát triển, góp phần vun đắp khối đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước". PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh.

Theo TS. Lê Thị Vân Anh, Trưởng khoa Khoa học chính trị, Đại học Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo vào thực tiễn cách mạng. Những tư tưởng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như những hoạt động thực tiễn của Người đã vận động, cổ vũ mạnh mẽ đồng bào theo đạo cũng như các chức sắc, thủ lĩnh trong các tôn giáo tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ những thành quả cách mạng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi các cán bộ làm công tác tôn giáo vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn của địa phương để cùng với đồng bào theo đạo chăm lo, xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo" gắn với mục tiêu, lý tưởng của cách mạng Việt Nam hiện nay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát huy nguồn lực của các tôn giáo vào xây dựng, phát triển đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO