Cả nước hiện có 72 Đài Phát thanh, truyền hình (PTTH) và đơn vị hoạt động truyền hình của cả Trung ương và địa phương với 283 kênh phát thanh, truyền hình. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, nhiều năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền về QCN trên hệ thống PTTH đã có nhiều bước tiến vượt bậc; nhận thức về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về QCN cũng ngày càng được nâng cao.
Qua công tác chỉ đạo, định hướng của các cơ quan quản lý báo chí, các Đài PTTH đã thông tin, tuyên truyền đảm bảo đồng bộ, chính xác và kịp thời các vấn đề quan trọng liên quan đến QCN. Năm 2020, hàng ngàn tin, bài được đăng, phát trên hệ thống PTTH từ trung ương đến địa phương. Đài PTTH Đồng Tháp phát sóng 800 tin, bài; Đài PTTH Bình Dương 622 tin, bài; Đài PTTH Vĩnh Long 348 tin, bài; Đài PTTH Bạc Liêu gần 300 tin, bài; Đài PTTH Ninh Thuận 350 tin, bài; Đài PTTH Bình Phước 335 tin, bài; Đài PTTH Bà Rịa - Vũng Tàu 233 tin, bài; Đài PTTH Hậu Giang 260 tin, bài…
Chủ động và bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cấp, ngành địa phương, Đài PTTH cả nước đã tập trung, tăng cường tuyên truyền, phản ánh những nội dung trọng tâm về QCN.
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCN, nhất là Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa X về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; Nghị quyết số 25/-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo; Hiến pháp năm 2013, trong đó nhấn mạnh đến cơ chế bảo hiến, thực hiện quyền con người, quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa QCN, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước về QCN.
Thứ hai, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác đấu tranh bảo vệ nhân quyền, chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cách mạng trước chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tuyên truyền phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo của các phần tử cực đoan, bất mãn xã hội.
Thứ ba, tuyên truyền đậm nét về những thành tựu nhân quyền trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... với điểm nhấn trong công tác xóa đói, giảm nghèo; việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển của Liên hợp quốc; thúc đẩy bình đẳng giới và những tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tham gia các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo, từ thiện…; chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong đời sống kinh tế, chính trị.
Thứ tư tuyên truyền về những thành tựu của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về nhân quyền, những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động, chương trình nghị sự và tham gia xây dựng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc cũng như tham gia vào các điều ước quốc tế đảm bảo quyền con người.
Thứ năm, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nội dung tuyên truyền còn nhấn mạnh vào việc Việt Nam cam kết bảo vệ, thúc đẩy, QCN trong tình hình mới; ủng hộ hợp tác quốc tế và cách tiếp cận đa phương nhằm ứng phó hiệu quả và phục hồi sau đại dịch; coi trọng các chính sách ổn định kinh tế - xã hội, các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân Việt Nam; khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ và thúc đẩy QCN đã đạt được những thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao.
Đặc biệt, năm 2020, trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn do đại dịch Covid-19, các Đài PTTH đã nỗ lực ứng biến, linh hoạt và sáng tạo để mang đến những sản phẩm truyền thông tiêu biểu về đề tài QCN. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Phát thanh và Truyền hình: Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Gia Lai, Bình Dương, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Bình Phước, Điện Biên, Trà Vinh, Đắk Nông,… đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục chuyên biệt, trọng điểm mang tính định kỳ để thông tin, tuyên truyền và phổ biến sâu rộng về QCN như: Đối diện, Đại đoàn kết, Dân tộc và Phát triển, Chính sách dân tộc, Đời sống nông thôn, Truyền hình thanh niên, Biển đảo quê hương, Chống diễn biến hòa bình, Kết nối yêu thương, Bình đẳng giới, Đồng hành cùng công nhân, Xóa đói giảm nghèo, Đảng vì dân - Dân theo Đảng, Dân tộc miền núi, Vì trẻ em, Nhìn thẳng nói đúng, Vì cộng đồng, Nhân đạo, An sinh xã hội, Phụ nữ và cuộc sống, Diễn đàn các vấn đề xã hội, Vì chủ quyền an ninh biên giới...
Bên cạnh một số kênh, chương trình chuyên biệt dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số của các đài quốc gia, một số Đài PTTH địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa dù còn nhiều khó khăn, song vẫn nỗ lực duy trì và đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để thông tin đến được với đồng bào dân tộc. Đài PTTH Đắk Nông (M’Nông); Đài PTTH Hà Giang (tiếng Tày, Mông, Dao); Đài PTTH Đắk Lắk (Ê Đê, M’Nông); Đài PTTH Bắc Kạn (Tày, Nùng, Dao, Mông); Đài PTTH Điện Biên (Mông, Thái); Đài PTTH Trà Vinh (Khmer);…
Nhờ công tác chỉ đạo và định hướng đúng đắn, kịp thời của các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông về QCN năm 2020 đã đạt được những kết quả tích cực, là một trong những mũi nhọn quan trọng trong nội dung sản xuất các chương trình PTTH. Để tiếp tục phát huy thành quả đạt được, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục chủ động đổi mới trong công tác chỉ đạo đảm bảo xuyên suốt và hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền về QCN.
Một số hình ảnh các cơ quan báo chí tác nghiệp, đưa tin về công tác nhân quyền tại Huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk