Phát triển bền vững tài nguyên nước từ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình

P.V| 08/07/2022 09:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đầu tiên được lập cho hệ thống này. Quy hoạch này có thể góp phần cải tạo, phục hồi nguồn nước, tối ưu sử dụng nước và vận hành liên hồ chứa, nâng cao giá trị sử dụng nước.

Nhiều khó khăn, thách thức mà hệ thống sông Hồng - Thái Bình đang phải đối mặt

Vừa qua, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo sở ban ngành, 14 địa phương trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, các đối tác phát triển, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước đã có nhiều trao đổi thẳng thắn, chuyên sâu về các khó khăn, thách thức cũng như giải pháp để thực hiện tốt chiến lược quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình tại hội thảo "Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình".

Phát triển bền vững tài nguyên nước từ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình - Ảnh 1.

Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là lưu vực sông lớn nhất cả nước chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống.

Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 169.000 km2. Trong số đó, phần lưu vực nằm ở Việt Nam có phạm vi diện tích lớn nhất được xem là “rốn nước,” với hơn 50%. Đây cũng là lưu vực sông lớn nhất nước, chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống.

Giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhưng hệ thống sông Hồng - Thái Bình hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm nguồn nước; ảnh hưởng của các hồ chứa dẫn đến xói lở bờ bãi; gia tăng xâm nhập mặn vùng cửa sông;…

Về phía các địa phương nằm trong hệ thống lưu vực sông này, thách thức lớn hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường nước nhiều nơi đang ở mức báo động. Điểm nóng nhất về ô nhiễm chất lượng nước là hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải của các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương có chiều dài là 200km, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông. Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… chưa được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống. Hệ thống còn phải tiếp nhận nguồn nước từ các sông khác đang rất ô nhiễm chảy vào. Để giải quyết vấn đề này rất cần có đề án, chương trình tổng thể, quy mô cho toàn bộ lưu vực sông.

Xây dựng quy hoạch phù hợp để thay đổi bền vững hiện trạng tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình

Với mục tiêu bám sát quan điểm nhất quán của Chính phủ, việc xây dựng quy hoạch để phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để từ đó, quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch của các ngành có khai thác, sử dụng nước, tôn trọng quy luật tự nhiên, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, nâng cao giá trị của nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhằm đảm bảo các mục tiêu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình đến năm 2030, các đơn vị, địa phương phải thực hiện được các chỉ tiêu quan trọng như: 60% vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát tự động, trực tuyến và 40% còn lại được giám sát định kỳ; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa dạng sinh học cao được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và có cắm mốc; 100% nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối theo quy định…

Quy hoạch sẽ đưa ra phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước. Trong đó, chỉ rõ lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên từng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác của các tầng chứa nước; lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng theo không gian (vùng/tiểu vùng sông) và theo thời gian. Đồng thời, quy hoạch chỉ rõ các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng phát triển tài nguyên nước thuộc quy mô cấp phép ở Trung ương và mạng giám sát tài nguyên nước, giám sát quy hoạch. Bên cạnh đó, quy hoạch đưa ra dự báo nhu cầu nước theo lưu vực và phân bổ cụ thể cho các ngành sử dụng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình là quy hoạch đặc thù, khác hẳn lưu vực sông khác trên cả nước. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần tập trung thu thập, phân tích, tính toán kỹ nhu cầu sử dụng nước của các ngành trên lưu vực. Đồng thời, trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, trung tâm tiếp tục thực hiện các hạng mục, nội dung nhiệm vụ để sớm hoàn thiện quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đầu tiên được lập cho hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình, cụ thể hóa các quan điểm trong Quy hoạch Tài nguyên nước và dựa trên các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước. Quy hoạch này được kỳ vọng có thể cải tạo, phục hồi nguồn nước, tối ưu sử dụng nước và vận hành liên hồ chứa, nâng cao giá trị sử dụng nước.

Để phát triển bền vững an ninh nguồn nước, hài hòa lợi ích giữa các đối tượng sử dụng nước, việc quy hoạch tài nguyên nước là rất cần thiết và cần được thực hiện sớm cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình, một trong những lưu vực sông lớn và có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của nước ta. Đồng thời, góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của các địa phương. Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III/2022.

Thời gian qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được Bộ TN&MT giao triển khai lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành công tác thu thập số liệu, tài liệu về chất lượng nước, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh, các giải pháp bảo vệ, phục hồi môi trường nước các nguồn nước mặt ô nhiễm nghiêm trọng; rà soát, bổ sung thông tin số liệu từ nhóm dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước các lưu vực sông để phù hợp với yêu cầu quy hoạch.

Đồng thời, Trung tâm cũng đã hoàn thành việc xây dựng kịch bản tính toán phục vụ lập quy hoạch theo giai đoạn hiện trạng và trong kỳ quy hoạch (2025, 2030, 2050) với các yếu tố tác động như nguồn nước thượng lưu, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, hiện trạng khai thác, sử dụng nước; Trung tâm đang phối hợp với các đơn vị triển khai công tác đánh giá tác động môi trường, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ, sản phẩm chính của Quy hoạch như báo Báo cáo tổng hợp, Bản đồ quy hoạch, dự thảo Tờ trình, Quyết định phê duyệt quy hoạch;...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững tài nguyên nước từ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO