Cần đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị
Phát biểu Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Liên minh Hợp tác Công tư về Đô thị thông minh (ĐTTM), Tập đoàn IEC… tổ chức chiều nay 16/11, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, sự kiện nhằm hướng đến mục tiêu phân tích, đánh giá và thảo luận về nhằm tìm ra các giải pháp, đề xuất phù hợp, thực tế để thúc đẩy hiệu quả công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo quan điểm, tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, là dịp để chúng ta đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị được phê duyệt có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Đồng thời, lấy văn hoá, văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế đô thị, đồng thời, gắn với quản lý, phát triển xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh hòa bình, ổn định, bền vững.
Với mục tiêu và ý nghĩa này, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, việc quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị cần phải đi trước một bước, tạo nguồn lực chủ yếu để thúc đẩy, phát triển đô thị hiệu quả, phù hợp thực tế từng địa phương.
Đặc biệt, khi triển khai tiến hành xây dựng việc quy hoạch đô thị cần phải ưu tiên về nguồn lực, chất lượng nguồn lực, nhất là đối với người đứng đầu cần phải xóa bỏ tư duy về nhiệm kỳ, quy hoạch treo, lợi ích nhóm…
"Việc quy hoạch là một bước quan trọng và khi có quy hoạch đúng, chuẩn, chúng ta mới đảm bảo việc phát triển các đô thị theo hướng bền vững của hiện tại và trong tương lai", Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Cũng theo Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, Nghị quyết số 06-NQ/TW chính là "kim chỉ nam" trong việc xây dựng, phát triển các đô thị của Việt Nam hiện nay. Cũng trong Nghị quyết này, một trong 06 nhiệm vụ trọng tâm được nêu đã nhấn mạnh đến việc muốn thúc đẩy nhanh, hiệu quả về việc phát triển các đô thị, công tác quy hoạch đô thị luôn quan trọng, cấp thiết.
"Công tác quy hoạch đô thị cần phải đổi mới toàn diện (phương pháp, quy trình, nội dung, sản phẩm quy hoạch…) và cần đảm bảo hướng tiếp cận: Đa ngành; bao trùm, tầm nhìn dài hạn; toàn diện có tính chiến lược theo quy luật của thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững", Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh thêm.
Cũng theo Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, để làm được điều này, các cơ quan quản lý, nhà quy hoạch, các cơ quan chức năng, tỉnh thành, địa phương… cần phải sớm cụ thể hóa các chính sách đảm bảo phù hợp trong tầm nhìn dài hạn, đặc biệt phải đảm bảo có gắn kết, tích hợp giữa các nội dung quy hoạch đô thị cân bằng giữa các vùng phù hợp với tổng thể quy hoạch đô thị quốc gia.
Tiếp thu, đánh giá cao các quan điểm chỉ đạo của Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết thêm, việc quy hoạch đô thị là nhiệm vụ "sương sống" để triển khai, tạo khung hình thành, vận hành hiệu quả các đô thị hiện nay.
Hơn nữa, việc phát triển đô thị là quy luật khách quan mang tính thời đại và toàn cầu, do đó, khi chúng ta hình thành, vận hành, khai thác hiệu quả các giá trị các đô thị mang lại, các giá trị mới bền vững sẽ được tạo ra.
Cụ thể cho quan điểm này, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, các đô thị phát triển trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài ngoại lệ, đã dần khẳng định định vai trò là động lực phát triển nền kinh tế, đồng thời, cũng là "hạt nhân" góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi số cho mỗi đất nước, quốc gia.
"Do đó, việc quản lý, phát triển đô thị cần phải song hành với việc quy hoạch đô thị, bởi khi khi làm tốt được điều này sẽ tránh được những hạn chế, yếu kém xảy ra", KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển tích cực cùng những giá trị, lợi ích to lớn các đô thị tạo ra, theo KTS. Trần Ngọc Chính công tác này hiện nay vẫn còn những hạn chế như: Việc phát triển quy hoạch còn dàn trải (công tác quy hoạch đất đai); hạ tầng đô thị chưa theo đáp ứng được các yêu cầu về mật độ dân số…
Hơn nữa, việc chỉnh trang lại các đô thị, chung cư bị xuống cấp vẫn còn những bất cập, rào cản về cơ chế, chính sách; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn gia tăng, diễn biến phức tạp; khoảng cách thu nhập người giầu và nghèo còn nhiều khoảng cách… Đặc biệt, chúng ta vẫn chưa hoàn thiện, xây dựng, ban hành được kế hoạch tổng thể trong công tác này và các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn thiếu và khi cần xin ý kiến chỉ đạo, thay đổi từ các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý còn chậm nên chưa phát huy được vai trò của quy hoạch đô thị đối với sự phát triển chung của nền kinh tế, xã hội.
"Chúng ta cần sớm tháo gỡ khó khăn này một cách triệt để công tác thực hiện nhiệm vụ phát triển các đô thị hiện nay được thuận lợi, hiệu quả, bền vững…", ông Trần Ngọc Chính nêu quan điểm.
Cũng theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, để tháo gỡ các khó khăn, hạn chế trên, chúng ta cần đổi mới tư duy, lý luận trong công tác quy hoạch đô thị, đảm bảo quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, hiện đại.
Đặc biệt, cần lấy con người, và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Văn hoá, văn minh đô thị làm nền tảng phát triển đô thị và cần kết hợp hài hòa việc phát triển đô thị với công cuộc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước…
Cần phải bám sát các yêu cầu thực hiện theo quy định, yêu cầu tại Nghị quyết 06 NQ/TW
Tại phần trình bày, nêu các quan điểm, giải pháp nhằm xây dựng, phát triển công tác này hiệu quả, KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng cho rằng những kết quả trong công tác quy hoạch đô thị những năm qua đã được chú trọng, thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được như kỳ vọng, mong đợi.
"Chúng ta vẫn chưa tạo và đạt được sự chuẩn hóa đa dạng cần phải có của hệ sinh thái đô thị và chưa tận dụng để phát huy triệt để những tiềm lực về văn hóa - xã hội. Vấn đề chính là chưa có quan điểm rõ ràng và khả thi đối với mục tiêu văn hóa - xã hội, đặc biệt là chủ đề công bằng xã hội và bản sắc văn hóa trong không gian đô thị", KTS. Phạm Thị Nhâm nhấn mạnh.
Cũng theo KTS. Phạm Thị Nhâm, để thúc đẩy, phát triển các đô thị, giờ đây, chúng ta cần xây dựng mạng lưới đô thị bao gồm: Mạng lưới hành chính đô thị nông thôn; mạng lưới phân loại đô thị; mạng lưới phân bố trung tâm đô thị cấp quốc gia và cấp vùng chức năng quan trọng quốc gia; mạng lưới phân bổ trung tâm đô thị địa phương.
Đặc biệt, việc quy hoạch đô thị phải gắn với phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị theo vùng miền; đề cao yếu tố môi trường, phục hồi sinh thái và các hoạt động phát thải carbon thấp. Ngoài ra, việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội, chú trọng chất lượng môi trường sống đô thị - nông thôn, huy động tổng hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là những quan điểm quan trọng chi phối vấn đề quy hoạch đô thị Việt Nam…
Đồng tình với các quan điểm của KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS. Trương Văn Quảng nhấn mạnh thêm, câu chuyện quy hoạch luôn cần thiết, cấp bách, được chú trọng nhiều năm qua, tuy nhiên, muốn công tác quy hoạch triệt để cần phải bám sát các yêu cầu thực hiện theo quy định, yêu cầu tại Nghị quyết 06 NQ/TW.
Điều này có nghĩa, chúng ta phải thông suốt, thực hiện trên quan điểm, lấy việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cần phải tuân thủ theo hướng đô thị xanh, văn minh, bền vững và giàu bản sắc, kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế sẽ là định hướng quan trọng của công tác quy hoạch đô thị trong hiện tại và tương lai..
Khi bàn về giải pháp phát triển đô thị hiện nay, KTS. Trương Văn Quảng đề xuất cần phát triển đô thị theo hướng phù hợp, đồng bộ, thống nhất với từng vùng, miền, thực tế của từng địa phương.
Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế quản lý mạng lưới đô thị quốc gia trên cơ sở Luật quy hoạch; Xây dựng; Quản lý phát triển đô thị; Hệ thống văn bản quy phạm (Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết, Chương trình hành động)… vì đây là công cụ quan trọng để quản lý mạng lưới đô thị Việt Nam ổn định, hiệu quả, bền vững.
Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho biết, đến tháng 9-2022, cả nước đã có 888 đô thị, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước. Các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng của các vùng miền và cả nước./.