Truyền thông

Phát triển du lịch qua Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ

Nguyễn Khải 09/12/2024 14:48

Lễ hội Đua ghe Ngo đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Lễ hội không chỉ quảng bá, giới thiệu hình ảnh về địa phương và con người vùng đất Nam bộ mà còn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa; phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực và dựa trên tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 74/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 02/01/2021, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó được khẳng định vị thế trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ, được lan tỏa trong các hoạt động văn hoá, thể thao và là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham gia, trải nghiệm.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 620.000 lượt du khách tham dự Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ I năm 2024. Tổng doanh thu cho các hoạt động của lễ hội đạt khoảng 80 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Đặc biệt trong 2 ngày diễn ra giải Đua ghe Ngo (14-15.11) đã thu hút khoảng 200.000 lượt người đến xem và cổ vũ, tăng 30% so với năm ngoái. Điều này cho thấy tiềm năng để phát triển du lịch qua Lễ hội này là rất lớn.

dgn.jpg
Lễ hội Đua ghe Ngo

Bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ

Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ diễn ra vào rằm tháng 10 (âm lịch) hằng năm. Đây là một môn thể thao truyền thống của người Khmer xuất hiện trong những ngày diễn ra lễ hội Ok Om Bok, đua ghe Ngo được coi là hoạt động đặc trưng nhằm thể hiện sự biết ơn đối với thần nước đã mang đến cho người dân một mùa bội thu.

Đua ghe Ngo - một trò chơi thể thao dân tộc Khmer, bao giờ cũng gắn với nghi lễ cúng trăng - đút cốm dẹp (Óoc Om Bóc), bởi khi thu hoạch mùa lúa mới, đồng bào Khơme thường làm lễ cúng tạ ơn các vị thần mặt trăng, thần đất, thần nước đã phù hộ ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nên bà con thu hoạch được mùa.

Theo sử liệu thì Sóc Trăng là vùng đất khai sinh và phát triển nên Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Ngày xưa không chỉ tổ chức mỗi năm hai lần theo truyền thống của dân tộc, mà có năm còn tổ chức cuộc đua đến 4 hoặc 5 lần. Đến năm 1928 thì việc tổ chức lễ đua ghe ngo vào dịp lễ xuất hạ đã dần dần không tổ chức nữa, chỉ tổ chức duy nhất mỗi năm một lần lễ đua ghe Ngo vào dịp lễ Oóc Om Bóc và tồn tại cho đến tận ngày nay.

Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng ngày càng phát triển và chưa có năm mà người dân không tổ chức lễ hội này. Ngay cả thời kỳ khó khăn nhất của những năm 1945, 1946, 1947 nhưng lễ hội vẫn diễn ra bình thường; nếu tổ chức tập trung không được thì tổ chức từng vùng liên huyện, có nơi chỉ tổ chức được ban ngày. Thế mà lễ hội đua ghe Ngo vẫn tổ chức theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc.

Những năm gần đây, nhờ vào các chính sách phát triển kinh tế cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc mà các hoạt động văn hóa, thể thao vùng đồng bào Khơme được duy trì và phát triển lên tầm cao mới, nổi bật là phong trào đua ghe Ngo.

Lễ hội Đua ghe Ngo được tổ chức là dịp để người dân và du khách tụ họp vui chơi, thưởng thức các màn tranh tài của các đội thi, qua đó góp phần đắc lực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đua ghe Ngo nhờ đó mà phát triển, trở thành biểu tượng của sức mạnh tinh thần và sự đoàn kết trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.

Theo dân gian, chiếc ghe Ngo (còn gọi là Tuk Ngo) đã xuất hiện ở đồng bằng từ lâu đời. Xuất phát từ hình ảnh con rắn trườn đi trên mặt nước, người dân nơi đây đã tạo dáng chiếc ghe Ngo như con rắn cho gọn nhẹ, dễ bơi. Ghe Ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây.

Ngày nay, việc tìm được cây vừa to, vừa dài rất khó khăn, người Khơme đã dùng những mảnh ván ghép với nhau để thay thế. Ghe Ngo được làm giống hình con rắn dài khoảng từ 25 - 30 m, ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu ghe được uốn cong lên như hình đầu rắn, đuôi ghe hay gọi là sau lái được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 - 60 người ngồi bơi và chỉ huy.

Biểu tượng của ghe Ngo, mỗi nơi không giống nhau. Biểu tượng ghe Ngo Chùa Champa (Sóc Trăng) là con cọp; chùa Ông Mek (Trà Vinh) lại là con cá nược… Người Khơme tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe Ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh.

Lễ hội Đua ghe Ngo còn có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt, góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên, rèn luyện thể chất, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ. Đây còn thể hiện được tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết tạo thành sức mạnh vô song, niềm tự hào dân tộc. Chính hội đua ghe này đã làm nên bản sắc, đặc trưng cho cộng đồng dân tộc Khmer ở Nam bộ và cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

Lễ hội đua ghe Ngo mang đậm nét truyền thống, văn hóa của dân tộc Khmer, giúp khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, người dân và du khách đến với vùng đất Nam bộ vào những tháng cuối năm này. Bởi đua ghe Ngo đã trở thành điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hằng năm, khi hội đua ghe diễn ra đã thu hút hàng vạn lượt người đến tham gia, cổ vũ, tìm hiểu, nghiên cứu. Đua ghe Ngo trong lễ hội Oóc Om Bók đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.

Đẩy mạnh quảng bá Lễ hội Đua ghe Ngo để phát triển du lịch

Trong những năm gần đây, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với việc bảo tồn, Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer đang ngày càng được phát huy và nâng tầm.

Để phát triển bền vững, Lễ hội Đua ghe Ngo luôn được tổ chức trang trọng, có sự tham dự của đại diện các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng các dân tộc cùng với đồng bào Khmer, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc; thông qua lễ hội cũng quảng bá, giới thiệu hình ảnh về địa phương và con người vùng đất Nam bộ; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa; phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực và dựa trên tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Trong khuôn khổ của Lễ hội Đua nghe Ngo, các hoạt động văn hóa, thể thao được lồng ghép tổ chức nhằm đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch. Qua đó, góp phần thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động phát triển du lịch địa phương.

Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị văn hóa lễ hội đua ghe Ngo cần có sự hỗ trợ từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nghệ nhân đồng bào dân tộc Khmer. Đẩy mạnh công tác xuất bản các ấn phẩm về lễ hội, không chỉ là các tài liệu giấy mà còn những tài liệu về hình ảnh, âm thanh nhằm lưu lại một cách chân thực nhất về Lễ hội Đua ghe Ngo. Đồng thời, trước-trong-sau lễ hội các pano, áp phích, băng rôn quảng cáo cần được viết song song ngôn ngữ Việt, Khmer và tiếng Anh để giúp du khách dễ theo dõi và hiểu được ý nghĩa của Lễ hội.

Cần đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình, cơ sở vật chất để phục vụ “trường đua”, người dân và du khách. Đầu tư đào tạo bồi dưỡng các nghệ nhân đặc biệt là thế hệ trẻ đồng bào dân tộc Khmer.

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, cần đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền cho Lễ hội Đua ghe Ngo trên các nền tảng số để Lễ hội đến với khách du lịch một cách nhanh nhất - tốt nhất. Cùng với đó cập nhật thường xuyên thông tin về chương trình Lễ hội, địa điểm và thời gian tổ chức các hoạt động để người dân và du khách được tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng. Qua đó, cũng tuyên truyền lan tỏa những nét đẹp truyền thống của dân tộc, những điểm đến thú vị hấp dẫn của Việt Nam tới thế giới./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch qua Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO