Truyền thông

Phát triển vùng Đông Nam Bộ là “hòn ngọc” kinh tế

T.H 10:54 09/10/2024

Hiện nay, khu vực Đông Nam Bộ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đi đầu trong hội nhập, phát triển công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành theo Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 25/10/2022 của Chính phủ) đã đề ra định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội với 6 vùng trên cả nước; trong đó, vùng Đông Nam Bộ được định hướng trở thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Đặc biệt, với tầm quan trọng và nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg về thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, nhằm đổi mới cơ chế điều phối Vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Xây dựng hạ tầng để đẩy mạnh giao thương

Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Khu vực này chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước nhưng lại là trung tâm kinh tế năng động, luôn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và là Vùng đầu tàu kinh tế cả nước.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế nhanh chóng và dân số đông đúc, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông tại vùng Đông Nam Bộ đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Để đảm bảo khả năng kết nối hiệu quả, vận chuyển hàng hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống, các dự án mở rộng tuyến đường cao tốc, phát triển đường sắt kết nối vùng và nâng cấp cảng biển đã được ưu tiên triển khai.

Dự kiến tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông ở vùng này là khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó khoảng 342.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 396.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030. Mục tiêu chính là tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, kết nối vùng và tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Riêng về mạng lưới đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trong vùng lên 772 km. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ sẽ đạt khoảng 413.000 tỷ đồng.

Hiện nay, hệ thống cảng biển của vùng Đông Nam Bộ gồm cảng cửa ngõ quốc tế (loại IA) Bà Rịa - Vũng Tàu; cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương là cảng biển địa phương (loại II).

dnb.png
Cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp phần thu hút FDI vào khu vực Đông Nam Bộ. (Ảnh: Internet)

Các cảng biển trong vùng đã được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch đồng bộ hiện đại như cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; bến cảng CMIT - cảng Bà Rịa - Vũng Tàu; khu bến Hiệp Phước (giai đoạn 1); khu bến Cát Lái (cảng TP.HCM); khu bến trên sông Đồng Nai. Đồng thời, các địa phương đã thực hiện cải tạo, nâng cấp luồng vào cảng biển khu vực TP.HCM theo sông Soài Rạp; luồng sông Thị Vải - Cái Mép; cải tạo luồng sông Sài Gòn và cầu Bình Lợi. Các nỗ lực này nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương và du lịch khu vực, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững của Đông Nam Bộ

Quy hoạch và nâng cấp hệ thống đường sắt vùng Đông Nam Bộ đang được đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và tối ưu hóa mạng lưới giao thông. Một trong những điểm trọng yếu là việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP.HCM, nhằm tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, các kế hoạch tiếp theo cũng được xác định, bao gồm đầu tư khai thác tuyến đường sắt trong đô thị TP.HCM và việc đưa vào sử dụng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP.HCM, Đồng Nai với thành phố Vũng Tàu và cảng Cái Mép - Thị Vải, cùng với tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, tạo nên một hệ thống giao thông đa dạng và tích hợp.

Như vậy có thể thấy cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ có sự phát triển rõ nét, điều này tạo thuận lợi cho liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp; phát huy tối đa các nguồn lực...

Phát huy hiệu quả các sản phẩm chủ lực của vùng

Theo thông tin của UBND TP.HCM, hiện thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phối hợp, tận dụng các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm...), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết. Theo đó, để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, toàn vùng đã tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng; xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ;nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông; dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Hiện nay, khu vực Đông Nam Bộ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đi đầu trong hội nhập, phát triển công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu. Hoạt động xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống. Đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… Một số nhóm ngành hàng đã ghi nhận có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao là điện tử, máy móc và linh kiện; dụng cụ phụ tùng khác; phương tiện vận tải; dệt may; giày dép; gỗ và các sản phẩm gỗ; thủy sản, rau củ quả và cà phê.

Những năm gần đây, các Sở, ngành, địa phương của vùng Đông Nam Bộ luôn quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm địa phương. Bộ Công thương cũng tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp vùng, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương, hướng tới phát triển thương hiệu quốc gia. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương trong vùng đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ các làng nghề, nông sản đặc trưng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, từng bước nâng vị thế, giá trị sản phẩm.

Để có thể thực hiện được các mục tiêu của chiến lược tổng thể, giữ vững được vị trí xuất khẩu cao, toàn vùng đang ra sức xây dựng thương hiệu chung cho 4 mặt hàng hóa chủ lực của vùng dựa trên lợi thế của các tỉnh thành địa phương: ngành da giày; ngành công nghiệp chế biến gỗ; sản phẩm nông sản; ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế năng động hiệu quả vùng Đông Nam Bộ

Thời gian tới, để phát triển vùng Đông Nam Bộ là “hòn ngọc” kinh tế của cả nước, một số chuyên gia đã đưa ra các giải pháp hữu hiệu như: sớm hoàn thành Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phải phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, sức cạnh tranh của Vùng đồng thời hóa giải những hạn chế yếu kém.

Cụ thể là: Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại; kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng. Phát triển đô thị theo các đầu mối giao thông lớn, phát triển các đô thị vệ tinh kết nối thuận lợi với các trung tâm có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, giảm tải cho các đô thị lớn, đô thị trung tâm. Hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt là tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, để Vùng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế…, phải phát triển hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP. HCM; Bình Dương; Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai); thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tỉnh Tây Ninh phải được chú trọng.

Tiếp tục tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh Vùng. Xây dựng, thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển Vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và với Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Trung Bộ.

Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các đối tác, các nước trong khu vực và các định chế quốc tế khác, nhằm thu hút nguồn lực vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Vùng…/.

Bài liên quan
  • Khai thác tối đa tiềm năng, phát triển logistics khu vực Đông Nam Bộ
    Hiện nay, ngành logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều điểm nghẽn trên cả phương thức vận tải đường bộ, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và đường sắt… Lĩnh vực này cần những đột phá chiến lược, mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển vùng Đông Nam Bộ là “hòn ngọc” kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO