Chuyển động ICT

Phát triển hệ sinh thái và ứng dụng IoT cho Việt Nam

Phòng Công nghệ và Dịch vụ - Cục Viễn thông - Bộ TT&TT 01/11/2024 06:15

Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) là một khái niệm bao quát khó hình dung được đầy đủ các phương thức mà công nghệ này có thể sẽ ảnh hưởng đến các ngành kinh doanh kinh tế và xã hội.

Tóm tắt:
- Hiện trạng sự phát triển IoT ở Việt Nam:
+ IoT ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, tập trung vào các ngành thiết yếu như điện, nước, giao thông, và an ninh.
+ Thị trường IoT tại Việt Nam còn nhỏ, cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới, có chính sách hỗ trợ, tham khảo kinh
nghiệm nước ngoài và tạo các dự án tiên phong để nâng cao năng lực cạnh tranh.
+ Doanh thu thị trường IoT của Việt Nam vào khoảng 6 tỷ USD năm 2023
- Đề xuất phát triển IoT Việt Nam:
+ Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc kiến
tạo
+ Cần có một lộ trình, chính sách chung cho toàn bộ các thành tố của hệ sinh thái IoT để các bên cùng “bắt tay nhau”
phát triển
+ Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong xây dựng hệ thống quốc gia nghiên cứu và phát triển về IoT
+ Để xây dựng lợi thế cạnh tranh, Chính phủ đóng vai trò không thể thiếu trong việc tạo ra một số dự án tiên phong

Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi đưa ra khái niệm và xem xét một vài khía cạnh đầy triển vọng về tương lai của IoT. Trên cơ sở xem xét hiện trạng sự phát triển IoT tại Việt Nam, chúng tôi đưa ra một số đề xuất cho việc phát triển hệ sinh thái và ứng dụng IoT cho Việt Nam.

he-sinh-thai-1.png

Khái niệm và tương lai cho IoT

Khái niệm IoT:

Có thể xem khái niệm IoT [1] là “một cơ sở hạ tầng mạng di động toàn cầu với các khả năng tự định hình dựa trên các giao thức liên lạc tiêu chuẩn và tương tác, nơi "vạn vật" hữu hình và ảo có các đặc tính, thuộc tính vật lý và tính cá nhân ảo, sử dụng các giao diện thông minh và được tích hợp vào mạng thông tin một cách thông suốt”.

Internet vạn vật sử dụng các thiết bị cảm biến, bộ truyền động và công nghệ truyền dữ liệu gắn kết với các thực thể vật lý - từ các thiết bị đường bộ đến máy tạo nhịp tim - cho phép những vật thể này được theo dõi, phối hợp hoặc được kiểm soát thông qua một mạng dữ liệu hay Internet.

Khái niệm trên cũng gần giống với định nghĩa thuật ngữ “Internet of things (IoT)” của Tổ chức Viễn thông quốc tế (ITU): “Internet vạn vật (IoT) là một cơ sở hạ tầng toàn cầu cho xã hội thông tin, cho phép cung cấp các dịch vụ tiên tiến bằng cách kết nối “vạn vật” (things) dựa trên các công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) tiên tiến có tương tác với nhau” [2].

Phạm vi công nghệ IoT trải rộng từ các thẻ nhận dạng đơn giản đến cảm biến và thiết bị truyền động phức tạp. Các thẻ nhận dạng bằng tần số vô tuyến (RFID) có thể được gắn với hầu hết các vật thể. Các thiết bị đa cảm biến và thiết bị truyền động tinh vi để truyền các dữ liệu có liên quan đến vị trí, hiệu suất, môi trường và các trạng thái hiện đang ngày càng phổ biến. Với các công nghệ mới hiện đại như các hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), có thể đặt nhiều thiết bị cảm biến tinh vi trong hầu như mọi vật thể (thậm chí trong cơ thể con người).

hinh-1_thi-truong-iot.png
Hình 1. Dự báo thị trường IoT toàn cầu

Tương lai cho IoT:

Viễn cảnh của Internet Tương lai dựa trên các giao thức liên lạc tiêu chuẩn như Internet vạn vật (IoT), Internet Con người (IoP), Internet Năng lượng (IoE), Internet Truyền thông (IoM) và Internet Dịch vụ (IoS) cho phép các “vật thể/đối tượng thông minh” được kết nối vào một nền tảng mạng công nghệ thông tin toàn cầu chung. Internet vạn vật (IoT) cùng với những phát triển Internet mới nổi này là xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số, xã hội số, là nền tảng cho nền kinh tế tri thức trong tương lai và xã hội đổi mới sáng tạo.

Theo báo cáo mới nhất của IoT Analytics [3], số lượng kết nối của các thiết bị IoT toàn cầu trong năm 2023 tăng 16% và đạt 16,7 tỷ kết nối. Dự báo đến năm 2027 sẽ có 29,7 tỷ thiết bị IoT được kết nối.

Các cảm biến nối mạng không dây trong mọi thứ chúng ta có sẽ tạo thành một Web mới. Nhưng nó sẽ chỉ có giá trị nếu hàng tỷ bit dữ liệu mà nó tạo ra có thể được thu thập, phân tích và xử lý. Hệ quả trực tiếp đầu tiên của IoT là việc tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ, khi mọi đối tượng vật lý hoặc ảo kết nối với IoT có thể có một cặp song sinh số trên cloud, có thể tạo ra các bản cập nhật thường xuyên. Kết quả là, khối lượng tin liên quan đến người tiêu dùng IoT có thể dễ dàng đạt từ 1.000 đến 10.000 tin/người/ngày.

Sự đóng góp của IoT sẽ phụ thuộc vào giá trị tăng lên của thông tin được tạo ra bởi số lượng các liên kết giữa các sự vật và sự chuyển đổi thông tin được xử lý thành kiến thức vì lợi ích của nhân loại và xã hội. IoT có thể cho phép người và đồ vật kết nối mọi nơi, mọi lúc, với mọi thứ và mọi người, sử dụng một cách lý tưởng nhất mọi đường dẫn/mạng và mọi dịch vụ.

Hạ tầng của IoT cho phép kết hợp các đối tượng thông minh (tức là cảm biến không dây, robot di động, ...), công nghệ mạng cảm biến, và con người, sử dụng các giao thức truyền thông khác nhau nhưng có thể tương tác và tạo thành một mạng không đồng nhất/đa hình thái động có thể được triển khai trong các không gian không thể tiếp cận được hoặc từ xa (giàn khoan dầu, mỏ, rừng, đường hầm, đường ống ...) hoặc trong trường hợp khẩn cấp hoặc các tình huống nguy hiểm (động đất, lửa, lũ lụt, khu vực chiếu xạ ...).

Trong hạ tầng này, các thực thể khác nhau hay “vạn vật” khám phá và khai thác lẫn nhau và học cách tận dụng lợi thế dữ liệu của nhau bằng cách tổng hợp các tài nguyên và làm tăng đáng kể phạm vi và độ tin cậy của các dịch vụ tạo ra.

Kiến nghị và đề xuất phát triển IoT Việt Nam

Hiện trạng sự phát triển IoT ở Việt Nam

Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu, giai đoạn cung cấp kết nối cho các thiết bị/dịch vụ M2M đơn lẻ cho các ngành công nghiệp thiết yếu như điện, nước, giao thông, xây dựng, an ninh, bán lẻ. Thị trường IoT Việt Nam vẫn đang ở quy mô nhỏ, chỉ bằng 1/300 lần quy mô thị trường thế giới theo doanh thu. Hiện tại Việt Nam có khoảng 4 triệu thuê bao IoT. Dự báo đến năm 2027, Việt Nam sẽ có khoảng 15 triệu thuê bao IoT, trong giai đoạn 2023 - 2027 tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 39% (theo báo cáo của Deloitte).

Theo Statista, doanh thu thị trường IoT của Việt Nam vào khoảng 6 tỷ USD năm 2023 (thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ có doanh thu 172 tỷ USD năm 2023, gấp khoảng 28 lần thị trường Việt Nam). Trong đó lĩnh vực ô tô chiếm tỷ trọng lớn nhất với quy mô thị trường khoảng 2 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (2023-2028) khoảng 16,04%. Dự báo quy mô thị trường IoT của Việt Nam sẽ đạt 13 tỷ USD năm 2028.

Việt Nam đưa ra chiến lược quốc gia tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số, chính phủ số và đô thị thông minh, an ninh an toàn mạng. Trong đó, cũng nhấn mạnh vào nghiên cứu phát triển các công nghệ lõi, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các công nghệ này.

Tuy nhiên, hiện nay có ít ứng dụng IoT có ảnh hưởng thực sự mạnh mẽ tới đời sống xã hội. Các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông thông minh như thu phí không dừng, phạt nguội bằng camera hiện đang là các ứng dụng liên quan tới IoT phổ biến, có nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống. Các lĩnh vực tiềm năng như y tế, nông nghiệp, nhà máy thông minh sẽ cần thêm thời gian để có những ứng dụng IoT phù hợp với Việt Nam.

Từ góc độ ngành, hầu hết các hệ thống ứng dụng nêu trên đều là của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cơ bản mới chỉ tập trung vào các ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động, máy tính cá nhân mang tính nhỏ lẻ mà chưa khai thác hết tính thông minh của các hệ thống cảm biến hay khai thác dữ liệu lớn. Đặc biệt, các thiết bị phần cứng (camera, thiết bị RFID, các cảm biến hóa học...) cũng đều đang phải nhập khẩu từ nước ngoài.

he-sinh-thai-2.png

Kiến nghị và đề xuất

Nhìn chung, toàn cảnh hệ sinh thái IoT Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện, bước đầu đã có một số ứng dụng IoT được triển khai. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng phát triển, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp cơ bản:

Một là, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc kiến tạo những điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy tác động kinh tế của ngành công nghiệp IoT trong các lĩnh vực; xây dựng hạ tầng cơ sở về mạng truyền thông với thế hệ 5G; xây dựng và thống nhất tiêu chuẩn IoT; tăng cường bảo mật, an toàn, an ninh, cho IoT.

Hai là, cần có một lộ trình, chính sách chung cho toàn bộ các thành tố của hệ sinh thái IoT để các bên cùng “bắt tay nhau” phát triển. Có thể nói các vấn đề nghiên cứu và phát triển về IoT bao phủ trong một phạm vi rất rộng. Nó không chỉ giới hạn trong phạm vi một kỹ thuật cụ thể nào đó của công nghệ thông tin và truyền thông mà bao trùm gần như toàn bộ các lĩnh vực từ công nghệ phần cứng, phần mềm, công nghệ kết nối truyền thông, quản lý mạng, cơ sở dữ liệu.

Không những thế, nó còn liên quan tới các kỹ thuật, công nghệ thuộc các lĩnh vực khác như tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ về môi trường, nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác. Do vậy, để thực hiện được những mục tiêu mà IoT hướng tới đòi hỏi phải có sự hợp tác nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết các vấn đề đặt ra, để tạo ra các nền tảng, ứng dụng dịch vụ IoT mang tính tổng thể, hoàn chỉnh trong thực tế.

Bên cạnh đó, cần khởi tạo một hệ sinh thái sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua hợp tác với các đối tác toàn cầu để định chuẩn. Thông qua các vườn ươm công nghệ, cần có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp của khu vực và thế giới tham gia nhằm phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực và tận dụng chi phí sản xuất thấp tại Việt Nam.

Ba là, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong xây dựng hệ thống quốc gia nghiên cứu và phát triển về IoT. Một số nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc đã hình thành một Hệ thống quốc gia nghiên cứu và phát triển về IoT, là kết quả của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13.

Hệ thống đó bao gồm các doanh nghiệp như các tổng đài và các nhà phân phối cung cấp các hoạt động và phát triển hệ thống của IoT. Các trường đại học và viện nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu các công nghệ chủ chốt và các tổ chức tiêu chuẩn chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn cho IoT trong toàn quốc. Đến nay, nền công nghiệp dựa trên IoT của Trung Quốc đã được hình thành và tập trung ở các vùng ven biển cũng như một số vùng thuộc miền Trung và Tây nước này.

Bốn là, để xây dựng lợi thế cạnh tranh, Chính phủ đóng vai trò không thể thiếu trong việc tạo ra một số dự án tiên phong để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo ra sức cạnh tranh trên tới thị trường nội địa, cũng như hướng thị trường quốc tế.

IoT đang trong giai đoạn đầu phát triển, chưa được định hình hoàn toàn, đặc biệt là các chuẩn trong kết nối, bảo mật và số lượng thiết bị IoT cho thị trường Việt Nam còn ở mức thấp, chưa đủ hấp dẫn để các hãng quốc tế tập trung cung cấp giải pháp toàn diện. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tính đến việc tham gia chuỗi giá trị IoT. Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp và doanh nghiệp cần vào cuộc một cách chủ động, tích cực.

Có thể thấy, các hệ thống này liên quan tới tất cả các ngành, các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, y tế... Đây chính là cơ hội cho các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Chúng ta có thể làm ra những thiết bị 100% Made in Vietnam như Công ty Mimosa đã làm với cảm biến độ ẩm, nhiệt độ trong nông nghiệp; DTT đã làm với các bộ TUHOC STEM trong giáo dục; Việt Nam có thể tiến tới sản xuất các thiết bị phức tạp hơn như RFID của ICDREC hay thậm chí là những IP camera thông minh tiên tiến nhất... Đây là lý do để chúng ta tin rằng công nghiệp IoT tại Việt Nam có cơ hội phát triển.

1. Internet vạn vật: Hiện tại và Tương lai, Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia.
2. ITU-T Y.2060, Overview of the Internet of things

3. https://iot-analytics.com/number-connected-iot-devices/

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Đẩy mạnh khai thác nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế để tăng tốc xây dựng hạ tầng số Việt Nam
    Từ ngày 2-4/12/2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có các cuộc làm việc với Lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Lãnh đạo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu về hạ tầng số và công nghệ số của Ngân hàng Thế giới và các nước trong khu vực Châu Á-Đông Âu.
  • Đông Nam Á sẽ có khoảng 680 triệu thuê bao 5G vào cuối năm 2030
    Đông Nam Á dự kiến đạt khoảng 680 triệu thuê bao 5G vào cuối năm 2030. Lưu lượng dữ liệu trung bình trên mỗi điện thoại thông minh tại Đông Nam Á dự báo sẽ tăng từ 19 GB/tháng vào năm 2024 lên 39 GB/tháng vào năm 2030.
  • Nghiên cứu về khai thác, sử dụng KOL trong quảng bá hình ảnh quốc gia
    Xác định đội ngũ KOL [1] - những người hiện đang nắm giữ sức mạnh truyền thông số, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ - là một trong những lực lượng chủ lực, lực lượng truyền thông mới của hoạt động thông tin đối ngoại và quảng bá hình ảnh quốc gia trên không gian mạng.
  • Chuyển đổi số góp phần phát triển bền vững cuộc sống người dân miền núi
    Có thể nói mục tiêu tổng quát của Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến nhiều vấn đề, nội dung quan trọng, tất cả vì sự tiến bộ, phát triển, tăng trưởng bền vững cuộc sống cho mọi đối tượng đồng bào, người dân.
  • Người hùng ở bản Nùng Khâu Vai
    Lương Văn Hùng, chàng trai người Nùng (xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) là một trong những người đầu tiên trong bản đốt đuốc, lội bộ xuống huyện để học chữ. Anh cũng là người tiên phong làm du lịch, nuôi cá trên thượng nguồn sông Nho Quế…, tự mình xóa nghèo và giúp cả bản làng cùng thoát nghèo.
  • Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, sát thực tiễn của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới
    Trong những năm qua, Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của công tác thông tin đối ngoại.
  • Xây dựng đô thị thông minh tạo hệ sinh thái bền vững cho Việt Nam
    Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đô thị thông minh trở thành một mô hình lý tưởng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn vào quản lý đô thị không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
  • Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động báo chí tại Việt Nam
    Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Với lĩnh vực báo chí, công nghệ AI đem đến nhiều bước ngoặt mang tính đột phá trong quy trình sáng tạo, sản xuất nội dung, trong hoạt động xuất bản cũng như làm thay đổi vai trò và vị thế của thế hệ công chúng số trong việc tiêu thụ các sản phẩm báo chí.
  • 3M kỷ niệm 30 năm đồng hành phát triển tại Việt Nam
    Ngày 4/12/2024, Tập đoàn 3M - một công ty khoa học toàn cầu - chính thức kỷ niệm 30 năm thành lập tại Việt Nam. Từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1994, 3M đã trở thành một đối tác quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp và kinh tế của đất nước.
  • Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
    Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh các giải pháp nhằm huy động, đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.
Phát triển hệ sinh thái và ứng dụng IoT cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO