Phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Cuốn sách "Phát triển kinh tế số ở Việt Nam" đã cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, quản lý và bạn đọc quan tâm đến những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế số, phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia. Trước bối cảnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số được ban hành, nhờ đó, kinh tế số đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết quả rất tích cực, ở một số lĩnh vực có sự phát triển mang tính đột phá.
Kinh tế số ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra trong phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay như: thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp; kinh tế số còn có quy mô nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều khó khăn, thách thức...
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia; đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, không ngừng chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới.
Cuốn sách Phát triển kinh tế số ở Việt Nam của tập thể tác giả, do PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo và TS. Nguyễn Mạnh Hùng làm đồng chủ biên đã cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, quản lý và bạn đọc quan tâm đến những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế số, phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay.
Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học các ban Đảng Trung ương, mã số KHBĐ (2019)-16, do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.
Nội dung của cuốn sách gồm 3 phần: Những vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển kinh tế số; Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế số của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020; Quan điểm, giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2025.
Ngoài ra, nội dung cuốn sách còn có 3 phụ lục về: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.