Phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh mạng: Tiền đề đưa Việt Nam trở thành cường quốc an toàn thông tin

Ánh Dương| 31/08/2021 08:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Xây dựng đội ngũ chuyên gia về an toàn an ninh mạng (ATANM) chất lượng cao được xem là một trong những trụ cột vững chắc để bảo đảm nền tảng ATANM quốc gia cũng như hiện thực hóa ước muốn Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn thông tin.

Phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh mạng - Tiền đề đưa Việt Nam trở thành cường quốc an toàn thông tinVề đầu trang

Phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh mạng
Tiền đề đưa Việt Nam trở thành cường quốc an toàn thông tin

Phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh mạng
Tiền đề đưa Việt Nam trở thành cường quốc an toàn thông tin

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng (ATANM) đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đẩy nhanh chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Ba nhân tố cốt lõi trong đảm bảo ATANM là con người, chính sách và công nghệ, trong đó, con người là nhân tố quyết định. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực ATANM đang ngày càng trở nên quan trọng và được quan tâm.

Xây dựng đội ngũ chuyên gia về ATANM chất lượng cao được xem là một trong những trụ cột vững chắc để bảo đảm nền tảng ATANM quốc gia cũng như hiện thực hóa ước muốn Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn thông tin (ATTT).

Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã từng chia sẻ: “Chúng ta phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về ATANM làm nòng cốt. Riêng về lĩnh vực ATANM thì chuyên gia giỏi và nền công nghiệp quan trọng ngang nhau. Ngoài doanh nghiệp (DN), ngoài công cụ thì cần phải có các cá nhân xuất sắc. Vì công cụ chỉ xử lý được các lỗ hổng đã biết. Những lỗ hổng chưa biết chỉ có các chuyên gia mới xử lý được”.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện với sinh viên Học viện công nghệ BCVT

Nguồn nhân lực ATANM chất lượng cao là điều kiện hàng đầu trong việc đảm bảo ATANM. Tuy nhiên, theo khảo sát năm 2020 của tổ chức Chứng chỉ bảo mật hệ thống thông tin quốc tế (ISC2), dù lực lượng nhân sự ANM thế giới tăng 25% trong năm 2020 để đạt 3,5 triệu người, thì tính trên phạm vi toàn cầu vẫn còn thiếu hơn 3 triệu chuyên gia bảo mật. Một con số khá lớn trong bối cảnh CĐS đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Điều đáng lưu ý là khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiếu hụt trầm trọng nhất khi cần tới khoảng 2 triệu chuyên gia.

Tại Việt Nam, vấn đề này cũng không phải ngoại lệ. Theo Cục ATTT (Bộ TT&TT), nguồn nhân lực ATANM chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt tại địa phương. Đến hết năm 2020, lực lượng dân sự về ATANM của Việt Nam ước tính 50.000 người, trong khi đến năm 2021 chúng ta sẽ cần khoảng 700.000 nhân lực. Do vậy, Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực về ATANM.

Tuy nhiên, nhìn trong trung hạn, với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng và chuẩn bị từ sớm, nhân lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam có thể không thiếu hụt nghiêm trọng như thực trạng tại nhiều nước trên thế giới.

Nâng cao nguồn nhân lực ATANM: Việt Nam đã có những chuẩn bị từ rất sớm

Xác định thiếu hụt nguồn nhân lực ATANM là vấn đề có tầm quan trọng quốc gia, do đó, đào tạo nguồn nhân lực ATANM được Chính phủ hết sức quan tâm. Ngay từ đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 99/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020. Trong đó, 08 cơ sở đào tạo được lựa chọn để thực hiện đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành ATTT phục vụ mục tiêu phát triển trung hạn đến năm 2020.

08 cơ sở đào tạo đã thực hiện tuyển sinh đào tạo hệ chính quy thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT, cụ thể gồm: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT), Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, ĐH CNTT thuộc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng. Riêng ĐH Bách khoa Đà Nẵng tuyển sinh từ sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành CNTT sang học chuyên ngành an toàn mạng.

Ngoài các cơ sở đào tạo trọng điểm nêu trên, một số cơ sở đào tạo khác như: ĐH FPT; ĐH CNTT-TT, ĐH Thái Nguyên; ĐH Duy Tân; ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp thực phẩm và ĐH Việt Pháp. Bên cạnh đó, cũng có một số trung tâm đào tạo theo chương trình cấp chứng chỉ của các tổ chức quốc tế như: HanoiCTT, SaigonCTT, Học viện mạng NetPro-ITI, Trung tâm đào tạo ATHENA, Trung tâm đào tạo VnExpert…

Trong những năm vừa qua, Bộ TT&TT cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đào tạo nguồn nhân lực ATANM. Hai Bộ đã phối hợp triển khai một cách có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT theo Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, không chỉ tuyển sinh và đào tạo cho sinh viên mới, mà còn triển khai đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn, trong nước và ngoài nước cho cả đội ngũ giảng viên, cán bộ chuyên trách ATTT không chỉ của cơ quan Nhà nước (CQNN) mà còn hỗ trợ các DN.

Đối với khối các trường ĐH, Đề án ưu tiên hỗ trợ đào tạo sinh viên ngành ATTT trong các trường ĐH, hỗ trợ cơ sở vật chất - học liệu cho các trường trọng điểm đào tạo ATTT, hỗ trợ đào tạo giáo viên dạy ATTT các trường học lên cao cũng như đi du học ở những nước tiên tiến.

Bộ GD&ĐT đã áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ ĐH, bao gồm cả ngành ATTT (Công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017). Theo đó, huy động nguồn lực của DN tham gia đào tạo nhân lực CNTT-ATTT, thí điểm gỡ bỏ quy định truyền thống tạo điều kiện phát triển nhân lực CNTT-ATTT (thí điểm gỡ bỏ quy định truyền thống về chỉ tiêu tuyển sinh, về giảng viên, về thực tập, công nhận tín chỉ, chuyển trường, chuyển ngành, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp).

Ngoài ra, Cuộc thi sinh viên với ATTT được tổ chức thường niên cũng là một sân chơi nhằm khơi dậy đam mê, trao đổi học tập, tìm kiếm, tôn vinh các tài năng ATTT ngay từ trên ghế nhà trường. Tất cả đã hợp lực rèn luyện đội ngũ chuyên gia bảo mật nước ta có trình độ tầm cỡ khu vực và thế giới.

 Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng (ngoài cùng bên phải), Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc (ngoài cùng bên trái) trao giải Nhất cuộc thi Sinh viên với ATTT ASEAN năm 2020 cho đội HCMUS.Twice

Đặc biệt, để xây dựng một không gian mạng an toàn góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số, thì một yếu tố quan trọng khác không thể không nhắc đến đó chính là nâng cao nhận thức về ATTT cho người sử dụng.

Về khía cạnh này, Chính phủ cũng đã có những chính sách triển khai song hành cùng các chương trình quốc gia về triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT). Ngày 19/06/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT đến năm 2020 (Đề án 893). Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng trong việc nâng cao nhận thức toàn dân về ATANM.

Ngay sau khi Đề án 893 được phê duyệt, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tính đến hết năm 2020, Bộ TT&TT đã tổ chức xây dựng và xuất bản 38.000 cuốn cẩm nang và sổ tay ATTT cho cán bộ, công chức, viên chức, 70.000 tờ rơi, tờ gấp, áp phích tuyên truyền về ATTT để gửi tới các bộ và cơ quan ngang bộ, UBND, Sở TT&TT của 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan.

Các xuất bản phẩm này cung cấp cho độc giả những thông tin về tình hình ATTT tại Việt Nam, trên thế giới, thông tin về những chính sách mới được ban hành, số liệu đánh giá tình hình ATTT tại Việt Nam, và đặc biệt là các thông tin cảnh báo, chia sẻ kỹ năng bảo đảm ATTT.

Ngoài các xuất bản phẩm, Bộ TT&TT cũng đã phát hành qua hình thức điện tử, đăng tải trên website của Bộ TT&TT và Cục ATTT; thực hiện sản xuất các phóng sự về ATTT nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm ATTT được phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các nội dung tuyên truyền được thể hiện đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về tuyên truyền, tập huấn công tác bảo đảm ATTT trong các cơ quan, tổ chức. Kết quả thực hiện của các Đề án đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao năng lực ATANM Việt Nam.

Quả ngọt từ những nỗ lực

Với những bước chuẩn bị từ sớm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hai Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT, đến nay, những lứa nhân lực đầu tiên về ATTT theo Đề án 99 đã “ra lò” và kịp thời cung cấp cho xã hội, đáp ứng phần nào cơn khát của thị trường nhân lực ATANM. Đồng thời, nhân lực làm về công tác ATTT tại các CQNN và DN cũng được nâng cao rất nhiều về trình độ chuyên môn và nhận thức. Tất cả những điều đó đang giúp Việt Nam không bị hẫng về nhân lực trong lĩnh vực này.

Theo TS. Hoàng Xuân Dậu, Trưởng Bộ môn ATTT, Khoa CNTT - Học viện Công nghệ BCVT (1 trong 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về ATTT), ngay sau khi được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo ĐH ngành ATTT năm 2013, Học viện chính thức tuyển sinh ngành ATTT (cấp bằng Kỹ sư ATTT). Từ đó đến nay, Học viện đã tuyển sinh được 9 khóa ĐH ATTT, với số lượng sinh viên tăng dần từ 100, 150, 180, 200, 250 và hiện nay ổn định khoảng 200 - 230 sinh viên mỗi khóa.

Hiện tại, Học viện đã có 4 khóa ĐH ATTT với khoảng hơn 500 kỹ sư tốt nghiệp ra trường đóng góp lực lượng lao động chuyên sâu về ATTT và CNTT cho các cơ quan và DN. Nhiều kỹ sư ATTT tốt nghiệp tại Học viện hiện đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các đơn vị chuyên sâu về ATTT như Viettel Security, VNPT Security... Hàng năm, các đội tuyển sinh viên ATTT của Học viện tham dự các kỳ thi Sinh viên với ATTT quốc gia và quốc tế luôn đạt kết quả cao.

Thực tế cho thấy, trình độ nhân lực ANM Việt Nam cũng không thua kém các quốc gia khác. Nước ta có nhiều chuyên gia ATTT được đánh giá cao khi phát hiện ra những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng của các hệ thống trọng yếu trên thế giới và được xếp hạng, ghi nhận bởi Google, Facebook hay Microsoft. Điều này đã phản ánh kết quả nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.

Đặc biệt, minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này đó là theo Báo cáo xếp hạng ATANM toàn cầu (GCI) năm 2020 do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố mới đây, Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Số điểm đánh giá của Việt Nam đạt 94,55 với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột được ITU đánh giá. Bên cạnh 2 trụ cột Pháp lý và Hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20, điểm của Việt Nam ở 3 trụ cột Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực lần lượt đạt 16,31/20; 18,98/20 và 19,26/20.

Thành tích trên cho thấy những nỗ lực của Việt Nam đã phần nào được ghi nhận và sự thành công đó có đóng góp đặc biệt của đội ngũ an ninh mạng Việt Nam.

Vẫn còn đó những khó khăn

Bên cạnh số lượng, thì chất lượng nguồn nhân lực ATANM cũng là vấn đề cần được chú trọng. Trên thực tế các cuộc tấn công mạng trên thế giới cũng như ở Việt Nam thời gian vừa qua có quy mô, tính chất phức tạp, tinh vi với mức độ phá hoại ngày càng cao. Điều này đặt ra yêu cầu phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác ATTT, cũng như đẩy mạnh nâng cao nhận thức của người dân về an toàn không gian mạng trong thời gian tới.

Trên thực tế, nguồn nhân lực về ATANM chủ yếu lấy từ các cơ sở giáo dục, các trường ĐH, cao đẳng có ngành đào tạo liên quan đến CNTT, ATANM. Tuy nhiên, theo Cục ATTT, chất lượng đội ngũ sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa thực sự cao và đồng đều. Việc gắn bó lâu dài với công tác ATANM của các nhân sự trong ngành cũng là một khó khăn cần được giải quyết.

Không chỉ riêng ngành ATANM mà các ngành nghề khác trong xã hội nước ta cũng phải đối mặt với thách thức chung là sự phân bổ không đồng đều về nguồn lực giữa các trung tâm phát triển như các thành phố, đô thị lớn và các địa phương, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và biên giới, hải đảo. Do vậy, trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục tập trung các giải pháp để giải quyết sự mất cân bằng về cả số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực ATANM.

Bên cạnh đó, TS. Hoàng Xuân Dậu cho biết, CNTT và đặc biệt là ATTT là ngành học tương đối khó, đòi hỏi sinh viên đầu vào ở mức khá, giỏi và yêu cầu học tập với cường độ cao. Tuy vậy, việc thu hút học sinh giỏi vào các trường hiện vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, để có thể hút nhiều học sinh giỏi thi tuyển vào ngành, cần có một số cơ chế khuyến khích của cả Nhà nước và các trường đào tạo.

Ngoài ra, chương trình giảng dạy trong các trường và hệ thống văn bằng chưa được chuẩn hóa quốc tế, khiến cho hệ thống văn bằng ở nước ta chưa được thế giới công nhận.

Đặc biệt, đối với đào tạo ĐH ở Việt Nam nói chung và ngành ATTT nói riêng, chương trình học còn nặng về lý thuyết, thời gian thực hành ít, nhiều cơ sở đào tạo có hệ thống trang bị về ATTT, CNTT còn hạn chế. Hạn chế này khiến cho khả năng thích ứng với nghề của sinh viên sau khi ra trường chưa thực sự cao.

Bên cạnh những khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực thì việc nhận thức về các mối hiểm họa trên không gian mạng của công dân Việt Nam vẫn còn hạn chế.

“Nhận thức và kỹ năng về ATANM của người sử dụng mạng còn hạn chế đặc biệt từ phía người dân. Hiện nay, các quy định, hướng dẫn về ATANM đang ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Tuy nhiên, bản thân người dùng chưa thực sự chú ý và quan tâm đến các kỹ năng sử dụng mạng an toàn. Chỉ khi một số sự cố mất ATANM gây hậu quả tiêu cực xảy ra với chính mình và người thân thì người dùng mới quan tâm, lưu ý”, đại diện Cục ATTT cho biết.

Đẩy mạnh nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực ATTT

Năng lực về an ninh mạng của người Việt Nam đã được khẳng định, tuy nhiên số lượng các chuyên gia còn rất thiếu so với nhu cầu hiện tại. Do đó, cần đẩy mạnh đào tạo xây dựng đội ngũ cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực ATANM.

Để nâng cao hơn nữa việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực cần có sự đồng bộ của khối, ngành đào tạo và DN.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Cục ATTT cho biết, chúng ta cần chú trọng đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT và ATANM làm việc trong các cơ quan, DN của Việt Nam, không để tình trạng “chảy máu chất xám” về CNTT. Nâng cao chất lượng đào tạo về CNTT và ATANM tại các cơ sở đào tạo trong nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường ĐH, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm ANM nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Do đó, các cơ sở đào tạo cần có chính sách liên kết với các DN để hợp tác xây dựng các chương trình nhân viên học việc cho những sinh viên từ năm thứ hai, năm thứ ba có thể tham gia vào công việc thực tế như một chuyên viên an ninh mạng; qua đó, có thể rèn luyện và trưởng thành.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS. Hoàng Xuân Dậu cho biết, hiện Khoa CNTT - Học viện Công nghệ BCVT đang hợp tác với hơn 20 cơ quan, DN trong đào tạo sinh viên. Theo đó, 100% sinh viên được cử đến các cơ quan, DN để thực tập, làm việc trước khi ra trường. Điều này giúp sinh viên được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế và có thể hòa nhập nhanh với công việc khi ra trường.

Khoa CNTT cũng hợp tác với các DN để mở các khóa đào tạo chuyên sâu miễn phí cho sinh viên, như đã hợp tác với Samsung, Viettel. Nhiều DN cấp học bổng toàn khóa hoặc một phần cho sinh viên giúp cho nhiều sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn.

Việt Nam phát triển nguồn nhân lực ATTT chủ yếu thông qua đào tạo trong các trường ĐH, do đó, các trường cần đẩy mạnh xây dựng chương trình đào tạo có tính thực tiễn, tính ứng dụng cao và liên tục cập nhật xu thế mới nhất về ATTT để sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản tốt ngay ở trên giảng đường.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần đổi mới hơn nữa về phương pháp giảng dạy bởi một bộ phận cán bộ, giảng viên hiện nay chỉ sử dụng những phương pháp giảng dạy truyền thống, chưa lấy người học làm trung tâm, chưa ứng dụng tối đa lợi thế của CNTT vào giảng dạy.

Ngoài ra, một xu hướng tiếp cận quan trọng khác đối với đào tạo nguồn nhân lực ATTT cũng cần được đẩy mạnh phát huy đó là thông qua các cuộc thi ATTT trong nước và quốc tế hoặc tham gia vào các dự án ATTT có thể giúp các bạn trẻ có cơ hội giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè quốc tế qua đó có thể học hỏi cũng như nâng cao năng lực về ATANM. Các trường học, cơ quan, tổ chức, DN cần tiếp tục xây dựng nhiều sân chơi hơn nữa cho sinh viên như CTF hay Hackathon, tổ chức thêm nhiều cuộc thi, học bổng về ATTT; lồng ghép các dự án thực tế vào trong chương trình đào tạo.

Cùng với đó, DN và chính phủ có thể khuyến khích và cải thiện chuyên môn ATTT bằng cách tài trợ học bổng để giúp sinh viên đủ khả năng tham gia các khóa sau ĐH về ATTT.

Đặc biệt, để thu hút và giữ chân nhân viên tiềm năng, các tổ chức, DN Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ nhân viên phát triển hết sức khả năng bản thân, ví dụ như học và thi các chứng chỉ bảo mật, tạo cơ hội tham gia khóa đào tạo nâng cao từ nhiều hãng bảo mật khác nhau.

Như bà Genie Sugene Gan, Trưởng Bộ phận Đối ngoại và Quan hệ Chính phủ, Kaspersky châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ, nâng cao năng lực an ninh mạng là một trong những lĩnh vực quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn tới. Ngoài việc giáo dục hoặc nâng cao nhận thức, Việt Nam cần chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về an ninh mạng.

 Ngoài việc giáo dục hoặc nâng cao nhận thức, Việt Nam cần chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về an ninh mạng. 

Genie Sugene Gan
Trưởng Bộ phận Đối ngoại và Quan hệ Chính phủ, Kaspersky châu Á - Thái Bình Dương

 Ngoài việc giáo dục hoặc nâng cao nhận thức, Việt Nam cần chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về an ninh mạng. 

Genie Sugene Gan
Trưởng Bộ phận Đối ngoại và Quan hệ Chính phủ, Kaspersky châu Á - Thái Bình Dương

“Việt Nam cần có đội ngũ kỹ thuật thường xuyên được đào tạo để nâng cao kỹ năng phát hiện mối đe dọa, tìm kiếm mối đe dọa theo thời gian thực, phân tích phần mềm độc hại, ứng phó sự cố, đánh giá bảo mật,… Việt Nam nên phối hợp với các công ty an ninh tư nhân hàng đầu có sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình”, bà Genie Sugene Gan cho biết thêm.

Bên cạnh việc phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, vấn đề nâng cao nhận thức về ATTT cho người dùng Internet cũng cần được đẩy mạnh. Để xây dựng một môi trường mạng an toàn thì mỗi người dùng đều có thể là một viên gạch góp phần xây dựng và phát triển hệ sinh thái an toàn đó. Do vậy, thời gian tới, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về an toàn không gian mạng; tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn công tác bảo đảm ATTT nhằm nâng cao nhận thức về ATTT cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên cả nước.

 Một cuộc diễn tập đảm bảo ATTT mạng do VNCERT/CC thuộc Cục ATTT (Bộ TT&TT) tổ chức

Cùng với đó là đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về ATTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh mạng xã hội phổ biến để người dân có thể dễ dàng tiếp cận được với các kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động tuyên truyền tại các hệ thống thông tin cơ sở như tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, đội ngũ kỹ thuật làm công tác CNTT và ATTT; mời các chuyên gia trong lĩnh vực ATTT về trao đổi, thảo luận tại các hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao kỹ năng, nhận thức cho đội ngũ cán bộ trong công tác bảo đảm ATTT;…

Đối với các trường học, có thể nâng cao nhận thức về ATTT cho học sinh, sinh viên thông qua tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, diễn đàn và cuộc thi tìm hiểu về ATTT, đồng thời lồng ghép nội dung về ATTT trong chương trình dạy môn Tin học…

Từ thực tế cho thấy, muốn có một không gian mạng an toàn, lành mạnh và hiệu quả thì việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải được thực hiện song song với nâng cao nhận thức về ATTT cho người dùng, có như vậy ATANM mới được duy trì lâu dài và bền vững.

Hiện thực hóa quyết tâm đưa Việt Nam trở thành cường quốc về ATTT

Ngày 06/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 21/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT giai đoạn 2021 - 2025” (Đề án 21). Quyết định này giúp hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về ATTT, góp phần triển khai thành công Chương trình CĐS quốc gia, phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số (CPS), nền kinh tế số - xã hội số và nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về ATTT theo đánh giá của ITU.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATTT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về ATTT khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu cụ thể là tổ chức 6.000 lượt đào tạo ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng ATTT của người dùng cho các công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị CNTT khi làm việc của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các DN, tổ chức kinh tế của Nhà nước; lựa chọn và tổ chức đào tạo 200 chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về ATTT ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ; đào tạo 5.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT;...

Triển khai Đề án 21, ngày 10/8/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1184/QĐ-BTTTTT thành lập Ban Điều hành triển khai Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT giai đoạn 2021-2025”. Ban Điều hành có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối việc tổ chức triển khai Đề án theo quy định tại Quyết định số 21/QĐ-TTg.

Trước đó, Bộ TT&TT cũng đã có Quyết định số 212/ QĐ-BTTT về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 21. Theo kế hoạch triển khai, Bộ TT&TT thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản được giao. Đồng thời, Bộ TT&TT phối hợp thực hiện các nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, địa phương như đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về ATTT ở nước ngoài, đào tạo thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT trong nước; đào tạo kiến thức, kỹ năng ATTT cho các tổ chức, cá nhân; triển khai đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản về ATTT trong các cơ sở giáo dục và các nhiệm vụ khác nếu có...

Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao thì nâng cao nhận thức về ATTT cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Ngày 23/11/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT giai đoạn 2021 - 2025”.

Mục tiêu của Đề án đặt ra là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm ATTT tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao năng lực quốc gia về bảo đảm ATTT; giảm thiểu các sự cố mất ATTT bắt nguồn từ nhận thức yếu kém của con người về các nguy cơ mất ATTT.

Thông qua Đề án, người sử dụng Internet được trang bị đầy đủ nhận thức và các kỹ năng cơ bản về bảo đảm ATTT, có thể an tâm sử dụng mạng Internet, mạng xã hội, thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch điện tử trên không gian mạng, tham gia chính quyền điện tử, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, tích cực, hiệu quả. Đồng thời, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhận thức được vai trò, trách nhiệm bảo đảm ATTT khi triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.

Đặc biệt, đối với đối tượng học sinh, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng cơ bản nhằm tạo dựng một thế hệ mới có tư duy và sử dụng hiệu quả, tích cực trên không gian mạng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT từng nhấn mạnh: “Cường quốc ANM thì cũng như cường quốc quân sự, công nghiệp ANM cũng như công nghiệp quốc phòng. Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì phải biết bảo vệ mình trên không gian mạng. Sứ mệnh của ATANM Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”.

Do đó, với các chính sách và chiến lược cùng sự chuẩn bị kỹ càng, nguồn nhân lực ATTT sẽ được nâng lên cả về lượng và chất. Đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ATANM chính là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về ATTT, góp phần triển khai thành công chương trình CĐS quốc gia, phát triển CPĐT hướng tới CPS, nền kinh tế số, xã hội số và nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về ATTT.

Thực hiện: Ánh Dương

Xuất bản: Tháng 8/2021


Chia sẻ bài viết này

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh mạng: Tiền đề đưa Việt Nam trở thành cường quốc an toàn thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO