Phát triển nông nghiệp hữu cơ, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu

Hải Anh| 08/11/2022 09:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Để thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào giữa thế kỷ này, nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò đặc biệt quan trọng ….

Nông nghiệp là ngành cung cấp lương thực, thực phẩm chủ yếu cho cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước. Không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm, nông nghiệp cũng góp phần cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp. Bên cạnh đó, nông nghiệp và nông thôn cũng là thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa công nghiệp, hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa tư liệu sản xuất. Nông nghiệp còn là ngành sản xuất vật chất cơ bản, giữ vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế ở hầu hết cả nước, nhất là ở các nước đang phát triển. 

Hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị kinh tế cao

Vì thế, vị thế của nông nghiệp rất quan trọng trong tăng trưởng nền kinh tế và ổn định xã hội. Điều đó thể hiện rõ trong các chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ để hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, nông nghiệp Việt Nam phải tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng. Ý chí này tiếp tục được phát huy qua nhiều năm tháng phát triển đất nước đi lên, các chính sách, cơ chế pháp luật phát triển nông nghiệp tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện, trong đó nhấn mạnh những điều kiện khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ xanh và sạch. Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành quy định về phát triển nông nghiệp hữu cơ, các phương thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được khuyến khích áp dụng.

Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 đã ra đời, trở thành hành lang pháp lý phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, ứng phó với biến đổi khí hậu, các giải pháp sản xuất, kinh doanh theo hướng phục hồi tự nhiên phải được các cấp, các ngành ưu tiên phát triển cao nhất. Hiện thực cam kết của người đứng đầu Chính phủ, nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cần một hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế, là nông nghiệp hữu cơ.

Tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” được tổ chức hồi cuối tháng 9/2022, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là một sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu. Đặc biệt, giá trị của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn nằm ở năng lực tái tạo môi trường, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe con người, bao gồm từ người sản xuất, người phân phối, đến người tiêu dùng. Nông nghiệp hữu cơ cũng chung trách nhiệm với định hướng tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện đang gặp một số khó khăn, như xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm hữu cơ trong bối cảnh có nhiều hàng hóa, sản phẩm không phải là hữu cơ nhưng lại “gắn mác” hữu cơ và bán ra với mức giá rất cao. Điều đó khiến người tiêu dùng nghi ngại về vấn đề hàng giả, nhái hữu cơ. Ngoài ra, các khái niệm về nông nghiệp hữu cơ đôi khi vẫn chưa được hiểu một cách thống nhất, gây khó cho niềm tin của người tiêu dùng. Các chính sách, điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên diện rộng còn nhiều hạn chế. Công tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gặp khó khăn, đặc biệt khi triển khai trên diện rộng. 

Dù vậy, nông nghiệp hữu cơ vẫn là hướng đi lâu dài, bền vững mà ngành nông nghiệp cần hướng tới. Bên cạnh thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nền nông nghiệp hữu có còn mang lại dư địa khai thác về các sản phẩm du lịch nông nghiệp hữu cơ hiện đang được nhiều khách hàng ưa chuộng. 

Để phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, các vấn đề như công nghệ truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa, số hóa sản phẩm hữu cơ cần được quan tâm và chú trọng triển khai. Các doanh nghiệp cũng luôn chủ động đón nhận sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng; lựa chọn sản phẩm lợi thế của Việt Nam cho nông nghiệp hữu cơ và hình thành một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn.

Nhiều vấn đề quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ đã được đưa ra tham luận tại diễn đàn, như tình hình thực trạng sản xuất, chế biến, chứng nhận nông sản hữu cơ tại Việt Nam. Xu hướng kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ, cũng như sự cần thiết phải tổ chức các hoạt động kết nối giao thương cung cầu trong nước và thế giới. 

Địa phương tích cực triển khai nông nghiệp hữu cơ

Mới đây, tỉnh Bạc Liêu đã có những định hướng, hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa chất, các chất kích thích tăng trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật độc hại, chuyển hướng sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Với những định hướng này, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp sẽ được nâng cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và an toàn cho người tiêu dùng.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cần được hoàn thiện

Tại Hà Nội, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025'' đã xác định mục tiêu tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm, đặc biệt tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt trên 70%. 

Để đạt được những mục tiêu trên, Hà Nội đã tìm phương án phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, từ đó phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, theo xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 16/10 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra Chỉ thị số 10-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều biện pháp thực thi đã được đưa ra để đảm bảo mục tiêu về nông nghiệp bền vững như công tác tuyên truyền, phổ biến về việc triển khai có hiệu quả các chủ trương phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. 

Các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cũng cần được hoàn thiện, theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Thanh Hóa cũng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, mô hình chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Những mô hình này sẽ được giới thiệu nhằm khuyến khích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia học tập và làm theo, nhân rộng.

Để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam bền vững, rất cần thiết phải có sự chung tay của toàn xã hội, từ việc xây dựng niềm tin, kết nối thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp của các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xem xét, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hơn nữa sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới, tạo động lực thúc đẩy, thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của khối tư nhân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp hữu cơ, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO