Chúng ta cần nỗ lực đến đâu?
Có thể nói, trong vòng gần 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã liên tục có nhiều hành động nhằm thúc đẩy thói quen đọc. Năm 2014, Thủ tướng ra quyết định lấy ngày 21/4 làm Ngày Sách Việt Nam (284/QĐ-TTg). Mới đây, Quốc hội đã công nhận 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc (điều 30 Luật Thư viện 2019). Ngay trước đó, năm 2017 Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (329/QĐ-TTg). Ngay tháng 2 năm nay, Thủ tướng vừa phê duyệt chương trình "Chuyển đổi số ngành thư viện" (206/QĐ-TTg). Bên cạnh đó là hàng loạt những phát ngôn, chỉ đạo của các vị đứng đầu Chính phủ về tăng cường đọc sách. Các địa phương cũng hào hứng tiến hành nhiều sự kiện như Ngày hội văn hoá đọc, Hội sách… Điều đó cho thấy một sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền.
Các Nhà xuất bản (NXB), các đơn vị làm sách tư nhân cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Thử lướt qua các nhà sách hay các website bán sách, chúng ta sẽ thấy sự phong phú đáng mừng về thể loại sách cũng như tác giả. Hiện nay, gần như mọi loại sách đều được xuất bản và bày bán. Từ những sách khó đọc như triết học cho đến văn học kinh điển, từ dòng sách được Liên Xô (cũ) tài trợ trước đây đến những tác phẩm mới đoạt giải, từ các tiểu thuyết trước 1975 ở miền Nam cho đến "truyện ngôn tình" hiện đại… tất thảy đều được dịch và in ra phục vụ công chúng. Rất nhiều tác giả Việt Nam nổi tiếng như Nam Cao, Ngô Tất Tố… đều có sách được liên tục in lại với nhiều hình thức khác nhau; song song đó là hàng loạt cây bút mới với số lượng xuất hiện đáng nể. Bạn đọc có thể dễ dàng mua sách ở các trang bán hàng trên mạng hoặc những tiệm sách, hầu hết đều có dịch vụ giao sách đến tận nơi.
Điểm qua tình hình như thế, chúng ta có thể nghĩ rằng thói quen đọc đã lan toả và phát triển rộng khắp. Song trên thực tế thì bức tranh vẫn chưa nhiều màu sáng. Số tựa sách đa dạng, hầu hết mọi sách hay đều có, nhưng số lượng bản in trên từng đầu sách vẫn còn quá ít. Dù là tác phẩm đoạt giải Nobel hoặc truyện tranh dành cho thanh niên, cũng chỉ được in vài nghìn bản. Đó là chưa kể giá sách chưa đạt tới mức "vừa tầm tay" của toàn dân. Những cuốn sách về kỹ năng sống, về tâm lý học, lý ra phải phổ cập khắp nơi; nhưng đơn vị làm sách nào lạc quan lắm mới dám xuất bản 5000 cuốn, đa phần là in 2000 - 3000 cuốn. Con số quá thấp so với gần 100 triệu dân mà hầu hết đã xoá mù chữ. Một cuốn sách hay, nếu chỉ chạm được tới 1% dân số đã là khiêm tốn, nhưng tựa sách đạt 1 triệu bản in chắc chắn là mơ ước của giới xuất bản nước ta lúc này.
Như vậy, với những nỗ lực đã có, dường như vẫn chưa đủ để tạo cú hích lớn cho việc đọc sách của dân chúng. Số sách bình quân mỗi người Việt Nam đọc mỗi năm, vẫn sẽ không vượt quá 2 cuốn. Đây là một chỉ số đáng buồn, cho ngành xuất bản và cho toàn xã hội. Chúng ta đều biết giờ đây muốn phát triển không còn có thể trông chờ vào tài nguyên mà phải dựa tri thức. Vậy muốn tạo nên một xã hội đọc sách để từ đó có đủ tri thức bước vào cạnh tranh toàn cầu, chúng ta cần phải làm những gì?
Cần những chính sách thật mạnh mẽ
Như đã đề cập bên trên, số lượng sách in ra tính theo từng tựa sách hiện nay quá nhỏ so với dân số. Kỷ lục vài năm gần đây liên tục thuộc về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với con số 150.000 bản cho một tựa sách, nghĩa là chỉ có 0,15% dân số sở hữu cuốn sách ăn khách nhất toàn quốc trong vòng mấy thập niên. Mà thật ra, chỉ có mỗi tác giả này đạt được con số đó, còn lại đều ít hơn khoảng 50 lần! Điều này cho thấy cần có những hành động thật sự mạnh mẽ hơn nữa, có thể gọi là cuộc cách mạng, thì mới có thể thay đổi tình hình.
Về chiến lược tổng thể, có thể tóm gọn trong ba việc: tạo lập thói quen đọc từ nhỏ trong nhà trường, đưa sách đến "tầm tay" người dân và truyền thông về đọc sách.
Để tạo dựng một cộng đồng có thói quen đọc sách, chúng ta không nên chỉ dựa vào cá nhân và gia đình. Tủ sách gia đình là đáng trân trọng, nhưng tác động của nó khá nhỏ và sẽ tiêu tốn nhiều cho toàn xã hội. Muốn trẻ con có thói quen đọc, phải đưa việc đó vào hệ thống giáo dục, vào nhà trường. Năm 2020, Hội Xuất bản Việt Nam đã gửi văn bản cho Bộ Giáo dục – Đào tạo về việc đưa "tiết đọc sách" vào chương trình chính khóa. Nếu được thực hiện, đây là hành động rất tốt, nhưng chưa đủ. Để tạo thành thói quen, việc có thêm 1-2 tiết mỗi tuần sẽ cần thời gian khá lâu. Sẽ tuyệt vời hơn nếu mỗi ngày đều có ít nhất 20 phút đọc sách ngay tại lớp, với sách do nhà trường cho mượn, đều đặn và rộng khắp trên tất cả trường học toàn quốc, cả công lập lẫn tư thục. Với một chính sách quyết liệt như thế, chỉ trong vài năm, chúng ta sẽ có một thế hệ mới mà việc đọc không còn là xa xỉ, mà chỉ nhẹ nhàng gần gũi như ăn bánh, xem TV… Việc này nhiều nước tiên tiến đã làm, kèm theo việc đưa ra danh mục 10 cuốn sách phải đọc và viết báo cáo trong một năm học. Khi học sinh đọc nhiều, sẽ dẫn đến việc giáo viên (và một số phụ huynh) sẽ phải tự "nâng cấp" việc đọc của mình so với hiện nay.
Để sách "vừa tầm tay" người dân, cần những chính sách có thể nói là đầy dũng cảm. Thứ nhất là phát triển hệ thống thư viện đa dạng. Thứ hai là hỗ trợ các đơn vị làm sách để có số lượng sách lớn với giá vừa phải. Nhà nước cần khuyến khích lập thư viện tư, song song với việc cải thiện - thậm chí là "lột xác" - hệ thống thư viện công, bao gồm cả thư viện trường học. Chính sách này đòi hỏi một loạt những biện pháp như: Đơn giản thủ tục và miễn thuế cho thư viện; Trả lương cao cho thủ thư; Tài trợ mua sách cũng như quy định quy mô và hoạt động bắt buộc của các thư viện trường học. Mục tiêu là mọi người dân đều có thể đến thư viện để đọc hoặc mượn sách trong tầm đi bộ hoặc một chuyến xe buýt. Mong muốn này quá lớn nhưng không phải là không thực hiện được, vì vốn dĩ mọi địa phương trên cả nước đều có sẵn những nguồn lực chưa được dùng đúng mức.
Kết hợp với việc phát triển hệ thống thư viện là sự hỗ trợ đơn vị làm sách - kinh doanh sách, như "song kiếm hợp bích". Nhà nước nên miễn thuế hoàn toàn cho những doanh nghiệp xuất bản, kinh doanh sách (chỉ riêng sản phẩm sách) kèm theo điều kiện họ sẽ cung cấp một số lượng sách quy định cho hệ thống thư viện với giá có mức lợi nhuận thấp.
Các nhà sách cũng được ưu đãi về mặt bằng nếu cam kết duy trì một mức lợi nhuận nào đó, nhằm đảm bảo giá sách không bị đội lên quá cao do chi phí phát hành (hiện nay có thể lên đến 50% giá bìa). Và quan trọng hơn hết, là sử dụng ngân sách cùng với tài trợ xã hội hoá để mua và phân phối sách đến các thư viện trên toàn quốc, ít nhất là thư viện công. Nói cách khác, hai nhóm biện pháp này nhằm giúp người dân dễ dàng đến với sách chứ không phải chỉ thúc đẩy họ mua sách. Ở cấp vĩ mô, nguồn lực toàn xã hội tiêu tốn cho hệ thống thư viện sẽ thấp nguồn lực cho việc mỗi gia đình, cá nhân tự mua tất cả sách cần đọc.
Nhóm chính sách thứ ba cần sự chuyển biến lớn lao, đó là truyền thông về sách và đọc sách. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những chính sách, đề án về nhiệm vụ truyền thông văn hóa đọc. Việc tận dụng và quy định các tần số truyền hình, truyền thanh, hạ tầng mạng Internet phải dành một tỷ lệ nhất định trong thời lượng (hoặc số lượng) phát sóng cho các chương trình về sách, đọc sách hay rộng hơn là về tri thức, khoa học, giáo dục. Đó là sự đóng góp trở lại cho xã hội bằng những chương trình hữu ích. Nhóm chính sách này không chỉ thúc đẩy truyền thông về sách mà còn về tri thức, hiểu biết khoa học nói chung.
Khởi đầu cho một giấc mơ
Như tựa bài viết đã nêu, nếu thật sự muốn thay đổi thực trạng hiện nay về thói quen đọc, về văn hoá đọc, cần một cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động. Quá trình tư duy và thực hiện sẽ có những khó khăn thậm chí là đau đớn, nhưng thành quả nó đem lại sẽ là một kỳ tích mà chúng ta hằng mong muốn. Việc cần làm nên chăng là thành lập một Ủy ban phát triển văn hoá đọc (thậm chí tương đương Bộ) trực thuộc Chính phủ để xem xét và tiến hành các đề xuất nói trên, cũng như các đề xuất khác của các tổ chức, cá nhân hữu trách và tâm huyết. Chỉ cần khoảng một thập niên, chúng ta sẽ để lại cho những thế hệ sau một di sản đáng giá.
Một quốc-gia-đọc-sách - tại sao không?