Phát triển văn hóa đọc trong thanh niên

Nguyễn Thanh Lợi| 01/12/2022 08:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát triển văn hóa đọc trong thanh niên là một nhiệm vụ của Đoàn trong việc xây dựng con người phát triển toàn diện.

Từ ngày 14/12 đến ngày 16/12/2022 tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được tổ chức với sự tham gia của 980 đại biểu đại diện cho hơn 22 triệu đoàn viên, thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Trước Đại hội, nhiều ý kiến góp ý cho hoạt động công tác Đoàn thanh niên. Xin giới thiệu ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh Lợi, Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. HCM:

Xã hội hiện đại đang phát triển nhanh chóng về nhiều mặt, các nhu cầu xã hội được đáp ứng không ngừng, con người đang sống trong một "thế giới phẳng", mối giao tiếp luôn rộng mở. Thanh niên VN luôn khao khát được cống hiến và khẳng định vị thế của mình, đồng thời cũng đang đứng trước những thách thức của thời đại.

Trong xu thế toàn cầu hóa, sự giao lưu giữa các nền văn hóa diễn ra vô cũng mạnh mẽ, mà thanh niên là đối tượng tiếp thu chính các trào lưu văn hóa đó, cả cái hay và điều dở. Vậy nên vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc luôn có ý nghĩa thời đại.

Thanh niên trong thời đại ngày nay ngoài kiến thức, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đóng góp xã hội, thì cần phải hiểu biết về văn hóa dân tộc. Trong hành trình đó, Đoàn Thanh niên không thể đứng ngoài cuộc. Cần đưa nó vào tiêu chí đánh giá yêu cầu của một đoàn viên. Bản thân mỗi đoàn viên cần có ý thức tự giác trong việc trau dồi vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc. Trước nay, ta cũng có những hoạt động hướng về cội nguồn cho thanh niên nhưng chưa đạt được hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho các thế hệ trẻ để rèn luyện bản lĩnh văn hóa phải nằm trong đường hướng dài hơi của tổ chức Đoàn. Có thể phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các câu lạc bộ di sản văn hóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa địa phương như: Khánh Hòa, Bình Dương đã làm, thu hút rất đông học sinh tham gia. Những chuyến du khảo tìm hiểu các di tích, làng nghề, diễn xướng dân gian, lễ hội… Bảo tàng luôn là một trong những địa chỉ mang tính giáo dục cao qua việc nâng cao hiểu biết về văn hóa địa phương cũng như đất nước.

Ví dụ, có thể tổ chức "Hành trình đến với bảo tàng" nhằm thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, thanh niên đến với thiết chế văn hóa khoa học giáo dục này. Những việc làm này cần phải tính tới hiệu quả cụ thể chứ không nên chỉ là hình thức, làm sao để có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của những chủ nhân tương lai của đất nước. Giỏi chuyên môn, ngoại ngữ nhưng không thể thiếu sự hiểu biết về văn hóa của nước nhà, giúp các bạn thanh niên tự tin hơn trong việc giao lưu với bạn bè năm châu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát triển văn hóa đọc trong thanh niên cũng là một nhiệm vụ của Đoàn trong việc xây dựng con người phát triển toàn diện. Mạng xã hội, truyền thông bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thông tin của thời đại, đồng thời cũng khiến con người xa nhau hơn trong mối giao tiếp ở thế giới thực. Đi đâu cũng thấy giới trẻ cắm mặt vào điện thoại, lãng phí thời gian mà quên đi những cách học hành, đọc sách mang lại nhiều lợi ích. Đoàn có thể dùng chính mạng xã hội như một kênh thông tin hữu hiệu cho việc quảng bá, giới thiệu những tác phẩm tốt thông qua sự cộng tác với các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội để truyền cảm hứng cho thanh niên.

Cần tạo phong trào đọc sách trong học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân qua việc xây dựng các thư viện, tủ sách ở khu phố, cơ quan, nhà máy. Một số thầy cô cũng đã có ý thức xây dựng tủ sách ngay trong lớp học của mình, giúp cho việc tiếp cận với văn hóa đọc gần gũi hơn. Cần làm gì để thanh niên ham đọc sách, thấy được ích lợi từ hoạt động đó, thì không chỉ ở vai trò của nhà trường, xã hội, mà Đoàn cần phải góp phần vào để xây dựng hình ảnh thanh niên tri thức. Đọc tức là phát triển.

Xây dựng bản lĩnh văn hóa dân tộc cho thanh niên là mục tiêu quan trọng trong việc phát triển nhân cách, là xu thế của thời đại, mà Đoàn cần có những phương cách tổ chức cho phù hợp.

Ngày 21/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Công ty CP Giáo dục và Phát triển Nghề nghiệp (BnD Edu) phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình "Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn" năm 2022.

Chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” năm 2022 tập trung vào các nội dung: Chương trình Thúc đẩy văn hoá đọc với chủ đề “Hành trang tri thức”; vận động, khuyến khích hội viên, thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hóa đọc trong thanh niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO