Phát triển y tế số tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

TH| 29/09/2020 18:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Thị trường y tế số Việt Nam được đánh giá là đầy tiềm năng nhưng cũng chịu thách thức lớn về sự kết nối, cần sự chuyển dịch của các mô hình truyền thống, từ cải tiến quản lý đến đột phá về cách thức tiếp cận dịch vụ.

Tiềm năng y tế Việt Nam nói chung và y tế số (digital healthcare) có thể thấy qua giá trị tăng trưởng của ngành này với tổng chi tiêu y tế hơn 17 tỉ USD năm 2019, tương đương 6,6% GDP (ước tính từ hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions). Công ty cũng dự báo rằng chi tiêu cho y tế vào năm 2022 sẽ đạt 23 tỉ USD với mức tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm khoảng 10,7%.

Những thay đổi trong xã hội đang tạo ra cơ hội và thách thức mới

Tầng lớp trung lưu tăng nhanh và dân số già hóa

Lĩnh vực y tế ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng do những thay đổi về nhân khẩu học và kinh tế - xã hội hiện nay. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên biệt và chất lượng cao, đặc biệt khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng.

Dịch Covid-19 bùng phát đã chứng minh rằng sức khỏe đang và chắc chắn sẽ tiếp tục là ưu tiên của hầu hết người Việt Nam. Mặt khác, những lo ngại về an toàn thực phẩm, ô nhiễm và điều kiện sống cũng như làm việc không an toàn đã khiến mọi người sẵn sàng chi tiêu cho thuốc men và chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.

Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm có dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế và bệnh viện

Bảo hiểm y tế (BHYT) và xã hội là phương thức tài chính công chính  đối với các hệ thống y tế ở Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với 87% dân số Việt Nam có BHYT và chính phủ vẫn đang tiếp tục nỗ lực hướng tới đạt được chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Các sở y tế và bảo hiểm xã hội Việt Nam được yêu cầu khuyến khích việc tham gia và thực hiện BHYT trên cả nước. Từ 01/07/2020, mức đóng BHXH, bảo hiểm việc làm và BHYT mới áp dụng cho cả người lao động và người sử dụng lao động trong nước và nước ngoài có nhiều thay đổi rõ rệt so với mức trước đây.

Để ngăn chặn tình trạng quá tải và đảm bảo tất cả bệnh nhân ở thành thị và địa phương đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế, chính phủ đã tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng các bệnh viện mới. Do các bệnh viện công phụ thuộc vào ngân sách của nhà nước nên sẽ cần huy động nhiều nguồn đầu tư khác nhau để nâng cấp các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc. Hơn nữa, hệ thống y tế hiện cũng thiếu các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều các bệnh viện và phòng khám tư nhân tại những thành phố lớn để phục vụ cho phân khúc trung lưu.

Thiết bị và dụng cụ y tế

Ngày 28/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP về cấp phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế để đáp ứng nhu cầu cao từ các thị trường khác nhau như Mỹ, EU và Canada. Điều này đã giúp các doanh nghiệp (DN) địa phương, cụ thể là DN dệt may gia tăng số lượng đơn hàng. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, các DN đã xuất khẩu hơn 846 triệu chiếc khẩu trang y tế.

Khẩu trang không phải là sản phẩm duy nhất được săn đón trong thời kỳ đại dịch: máy thở, găng tay, áo choàng và bộ dụng cụ xét nghiệm từ Việt Nam cũng đã được chấp nhận trên toàn thế giới.

Phát triển y tế số tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 1.

Theo dự báo của Bộ Y tế, thị trường thiết bị y tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ từ 18 - 20% trong giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên, hầu hết các thiết bị y tế hiện đều phải nhập khẩu. Có rất ít nhà sản xuất thiết bị trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trên thực tế, hơn 90% thiết bị y tế tại Việt Nam được nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc và Singapore, trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10% thị phần.

Tại các bệnh viện công trên cả nước, trang thiết bị y tế cho khoa phẫu thuật và khoa hồi sức tích cực vẫn đang bị thiếu. Hơn nữa, các thiết bị hiện có cũng đã lạc hậu và cần được thay thế. Do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ  nhu cầu, Chính phủ Việt Nam khuyến khích nhập khẩu trang thiết bị y tế bằng cách áp thuế nhập khẩu thấp và không hạn chế hạn ngạch.

Dược phẩm

Mặc dù chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng dược phẩm sản xuất trong nước lên 80%, nhưng trung bình 55% lượng thuốc tại Việt Nam vẫn được nhập khẩu mỗi năm. Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu là hầu hết các công ty trong nước thiếu năng lực nghiên cứu và phát triển, không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Việc thực thi EVFTA sẽ xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm dược phẩm từ Liên minh châu Âu, đồng thời cho phép các công ty nước ngoài nhập khẩu và bán dược phẩm cho các nhà phân phối và bán buôn tại Việt Nam.

Hiện tại, 70% lượng thuốc ở Việt Nam được bán thông qua bệnh viện, trong khi 30% còn lại đến từ các hiệu thuốc. Việc người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn đã dẫn đến nhu cầu về thuốc gia tăng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các công ty dược phẩm đã ghi nhận kết quả khả quan trong quý đầu tiên của năm 2020. Công ty Cổ phần dược Hậu Giang (DHG), một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thị trường Việt Nam, đã công bố doanh thu quý I/2020 đạt 858 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Thay đổi để bứt phá trong y tế số

Trước những thách thức hiện tại mà các bệnh viện công ở Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, lĩnh vực y tế số có rất nhiều hứa hẹn. Trên thực tế, gần đây đã có những doanh nghiệp thành công trong khai phá lĩnh vực này. 

Ngày 18/4/2020, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do tập đoàn Viettel phát triển. Nền tảng đáp ứng đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế gồm: Tư vấn y tế; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh; Hội chẩn tư vấn giải phẫu; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh.  Với 70% dân số Việt Nam sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nền tảng sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đồng thời giảm thiểu chi phí.

Đến nay, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sỹ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển tuyến trên; những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé được kết nối với bệnh viện trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế…

Khu vực tư nhân cũng nhanh chóng tận dụng lợi thế của sự chuyển dịch sang các dịch vụ y tế số. Nhiều công ty khởi nghiệp đã có mặt tại Việt Nam trước khi dịch Covid-19 bùng và ngày càng mở rộng cũng như tối ưu hóa hoạt động của mình.

Nắm bắt những cơ hội mới có thể sẽ tạo ra những bứt phá trong y tế số tại Việt Nam. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển y tế số tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO