Quyết định 1964/QĐ-TTg phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về CĐS đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 22/11.
Bên cạnh Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực và Phó Chủ tịch, Ủy ban Quốc gia về CĐS còn có 13 Ủy viên, bao gồm: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng.
Danh sách lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về CĐS (Tổ công tác) có 7 người, với Tổ trưởng là Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Các Tổ phó Tổ công tác gồm: Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh.
Trước đó, để tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh CĐS quốc gia trong giai đoạn mới, ngày 24/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về CPĐT thành Ủy ban Quốc gia về CĐS.
Ủy ban Quốc gia về CĐS có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh (ĐTTM); tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về CĐS là nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và ĐTTM; tạo thuận lợi cho việc triển khai CMCN lần thứ tư tại Việt Nam.
Uỷ ban cũng cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến CĐS; xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và ĐTTM thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Uỷ ban giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp CĐS, xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và ĐTTM; điều phối việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về CĐS, xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và ĐTTM; điều phối chung việc triển khai Chương trình CĐS quốc gia; theo dõi, điều phối thực hiện các nội dung liên quan của Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư đến năm 2030.
Uỷ ban cũng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về CĐS, xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và ĐTTM; đôn đốc việc triển khai Chương trình CĐS quốc gia.
Đồng thời, Uỷ ban sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về CĐS; xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và ĐTTM; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.