Chúng ta hiện đang phải đối mặt với sự đánh đổi giữa cách ly xã hội và thiệt hại kinh tế. Những người thiệt hại là nhiều hoạt động kinh tế liên quan đến tương tác vật lý giữa người với người, bao gồm thương mại bán lẻ, nhà hàng, du lịch, giải trí trực tiếp và hầu hết các hình thức công việc văn phòng. Khi cách ly xã hội được thực thi, các hoạt động này đều đình trệ.
Tồi tệ hơn, Covid-19 tấn công nền kinh tế khi toàn cầu hóa đã bao trùm lên hầu hết các ngành nghề trên thế giới. Hầu hết các hàng hóa ngày nay là sản phẩm của chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi các tương tác hoạt động sản xuất trực tiếp ở một địa điểm được kết nối với các thoạt động sản xuất trực tiếp ở nơi khác. Hoạt động sản xuất trực tiếp ở một nơi đình trệ sẽ dẫn tới suy giảm kinh tế ở nhiều nơi khác.
Thúc đẩy chi tiêu chính phủ cao hơn, giảm, giãn thuế và hạ lãi suất có thể khiến mọi người cầm cự được trong thời gian ngắn. Nhưng điều đó sẽ không có tác động kích thích hoạt động sản xuất khi mọi người không thể làm việc. Đồng thời, các chính sách kể trên cũng sẽ không làm tăng chi tiêu của những người tiêu dùng mới thất nghiệp khi hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa và dịch vụ giao hàng thì lại thiếu nguồn lực thể đáp ứng nhu cầu bùng nổ.
Vấn đề không phải là sự sụt giảm toàn diện trong tổng cầu, như trường hợp trong cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. Thay vào đó, sự sụt giảm đáng kể trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trực tiếp đi kèm với sự gia tăng mạnh mẽ không kém trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trực tuyến.
Đó là lý do tại sao Amazon và Netflix đang bùng nổ, nhưng các khách sạn và nhà hàng thì lại khốn đốn. Trên thực tế, đại dịch đã gây ra sự mất cân đối kinh tế nặng nề: Nhiều lĩnh vực phụ thuộc vào quy trình sản xuất và phân phối hiện tại đang dư thừa công nhân trầm trọng, trong khi những ngành khác không thể thuê đủ nhân lực.
Nhiều chính phủ đã công bố các biện pháp tài khóa để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch, như trả thêm tiền công cho những người lao động bị mất việc, giảm giờ làm (như ở Anh). Canada, Đan Mạch, Pháp và các nước khác đang thay doanh nghiệp trả phần lớn tiền lương của công ty để các công ty vẫn còn sống sót.
Nhưng những sáng kiến như vậy sẽ chỉ duy trì thu nhập từ các công việc đã biến mất, chứ không tạo thêm thu nhập từ các công việc vẫn còn chỗ trống. Mặc dù các chính sách như hiện tại phù hợp để chống lại suy thoái kinh tế và bù đắp sự thiếu hụt tạm thời về tổng cầu, nhưng chúng sẽ không giúp giải quyết sự mất cân bằng kinh tế.
Thật vậy, sẽ là vô trách nhiệm khi các chính phủ xây dựng chính sách với giả định rằng đại dịch hiện tại chỉ là sự cố tạm thời, xảy ra một lần. Các nhà hoạch định chính sách không nên nghĩ rằng như vậy là đủ để cung cấp cho chủ lao động và nhân viên một số tiền để sống qua ngày, trước khi kinh tế trở lại bình thường.
Không ai biết đại dịch sẽ kéo dài bao lâu. Nếu nó kéo dài hơn, thì mất cân đối trong nền kinh tế sẽ khiến các chính phủ ở khắp mọi nơi phải lập kế hoạch cho một sự thay đổi mang tính cấu trúc và dài hạn. Hỗ trợ thu nhập cho người mất việc sẽ không còn là một lựa chọn, vì vậy giúp mọi người tìm việc làm mới mới là thành tố quan trọng.
Nếu đại dịch có thể được kiểm soát trong thời gian tới, thì các chính phủ phải đảm bảo rằng họ luôn sẵn sàng cho tình huống dịch bùng phát trở lại. Điều đó có nghĩa là tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế trước những cú sốc, bằng cách đảm bảo rằng mọi người có kỹ năng cho các công việc mới.
Vì vậy, bất kể đại dịch kéo dài bao lâu, tổ chức các hoạt động kinh tế cần phải thay đổi căn bản.
Để hiểu được sâu xa vấn đề và xác định giải pháp chính sách, chúng ta cần đưa ra các loại hoạt động kinh tế mới. Cụ thể, chúng ta cần phân chia sản xuất và tiêu dùng thành các hoạt động tương tác vật lý (PI) và phi vật lý (PD).
Đại dịch đang tái cấu trúc mạnh mẽ chuỗi cung ứng toàn cầu và hành vi tiêu dùng, gây bất lợi cho các hoạt động PI và có lợi cho các hoạt động PD. Do đó, công việc chính của các chính phủ không phải là bù đắp cho sự thiếu hụt trong tổng cầu, mà là tài trợ cho những điều chỉnh cần thiết để vượt qua sự mất cân bằng kinh tế.
Để thúc đẩy sự chuyển dịch lao động từ PI sang PD, chính phủ nên cung cấp các khoản trợ cấp tuyển dụng. Đây là những ưu đãi vượt trội hơn nhiều so với giảm thuế biên chế.
Sự khủng hoảng không phải là nhu cầu sụt giảm, mà là những thay đổi đột ngột và nhanh chóng trong các hoạt động sản xuất và tiêu dùng của. Thay vì tuyệt vọng áp dụng các giải pháp cũ cho một vấn đề mới, chính phủ ở khắp mọi nơi phải giúp các nền kinh tế điều chỉnh sự thay đổi này. "Hãy cho cần câu, đừng cho con cá"!