Quả ngọt từ sách - “mỗi học sinh đến trường là một đại sứ văn hóa đọc”

Hoàng Minh| 05/12/2022 14:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 - Chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” đã khép lại, nhưng những thông điệp của các thí sinh nhí tham dự cuộc thi này để lại dư âm và sức lan tỏa lớn.

Cuốn sách truyền cảm hứng

Chia sẻ cảm nhận "về một cuốn sách đã truyền cảm hứng, hướng em tới lối sống tích cực, có ý thức xây dựng môi trường sống văn hóa lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước", Nguyễn Thị Khánh Huyền (lớp 11A4, Trường THPT Nghi Xuân, Hà Tĩnh) xuất sắc giành một trong 6 giải A của cuộc thi, với bài thi chia sẻ khát vọng sống có lý tưởng, cống hiến cho quê hương từ tiểu thuyết "Tuổi thơ dữ dội" của nhà văn Phùng Quán. Nguyễn Thị Khánh Huyền cho biết, em lựa chọn "Tuổi thơ dữ dội" vì yêu thích các cuốn sách về lịch sử và văn học Việt Nam, những cuốn sách khơi dậy tình yêu sâu sắc với quê hương, Tổ quốc. " Em muốn đánh thức tình yêu cũng như ý thức trách nhiệm của các bạn trẻ với đất nước thông qua câu chuyện này", - Huyền nói.

Trình bày trong 15 trang một kế hoạch khoa học cụ thể, chi tiết và mang tính thực tiễn cao về phát triển văn hóa đọc cho học sinh Trường THPT Nghi Xuân, cô trò nhỏ Nguyễn Thị Khánh Huyền đã đưa ra nhiều nội dung, giải pháp phát triển văn hóa đọc phù hợp với giới trẻ trong thời đại công nghệ 4.0 như có thể tổ chức các cuộc thi sáng tạo video giới thiệu sách, thử làm phát thanh viên giới thiệu sách...

Em Huỳnh Thị Kim Thư, học sinh lớp 11D3, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là một trong hai thí sinh toàn quốc đoạt giải Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu - đã chọn và làm tác phẩm dự thi về cuốn "Muôn kiếp nhân sinh" của Nguyên Phong. Một cuốn sách cần sự đọc kỹ và trải nghiệm chiều sâu, nhưng cô học trò giỏi văn và cũng là học sinh giỏi toàn diện của trường Nguyễn Đình Chiểu đã không ngần ngại chia sẻ những cảm nhân, hiểu biết của mình  với mong muốn sẽ có nhiều bạn đọc tìm đến sách, yêu sách, yêu văn học hơn. Kim Thư cho rằng, nếu biết chọn cho mình một quyển sách ngay đúng thời điểm mà bạn cần, thì việc đọc sách dần sẽ trở thành một thói quen không thể thiếu.

Bà Đoàn Quỳnh Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi chia sẻ: "Là năm thứ 4 tổ chức nhưng là năm có số lượng thí sinh tham gia đông nhất từ trước đến nay, tăng 1,5% so với năm 2021. Chủ đề cuộc thi "Khát vọng phát triển đất nước" không chỉ giúp thí sinh định hướng được cách chọn sách để thực hiện bài thi, mà từ chủ đề tưởng như rất lớn lao ấy, nhiều bạn thí sinh đã đề xuất những giải pháp, những việc làm rất gần gũi với môi trường, với lứa tuổi của mình. Từ đó khơi dậy và hình thành trách nhiệm công dân trong mỗi người dân với quê hương, đất nước, với cộng đồng".

Nuôi dưỡng tình yêu với sách bằng cách đặc biệt

Với thầy trò trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), phong trào đọc sách ngày càng phát triển mạnh mẽ, do sự sự quan tâm, đầu tư xây dựng văn hóa đọc của nhà trường trong những năm qua. Bởi vậy, trong hai lần Hà Nội tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Trường THPT Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) đã giành giải nhất và giải nhì.

Là học sinh duy nhất đoạt giải nhì (giải cao nhất của khối THPT toàn thành phố) trong Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc TP Hà Nội lần thứ II, Giải Khuyến khích cấp Quốc gia năm 2022, em Nguyễn Vũ Đức Hiếu, học sinh lớp 11I2 THPT Xuân Phương đã nuôi dưỡng tình yêu với sách bằng cách hết sức đặc biệt. Thích chơi bóng rổ, thích hát, đàn piano, guitar viết nhạc - sáng tác tới cả trăm ca khúc trong hơn một năm, tham gia nhiều hoạt động phong trào và đoạt nhiều giải thưởng, là người tưởng như ưa thích những hoạt động hướng ngoại, nhưng Hiếu cho biết em thực sự thích đọc sách từ nhỏ, và hình dung từ những câu chuyện trong các cuốn sách để… sáng tác ca khúc. Những người bạn nghe nhạc của em đã tìm đọc lại sách để cảm nhận nhiều hơn về câu chuyện đã gợi nên sáng tác ấy.

Cô Lê Thị Bích Thuỷ, cán bộ Thư viện Trường THPT Xuân Phương cho biết: Khi Bộ văn hóa thể thao và du lịch phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố lần thứ hai, với chủ đề Khát vọng phát triển đất nước, Thư viện Trường THPT Xuân Phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức vòng sơ khảo cấp trường để lựa chọn bài viết đặc sắc nhất tham dự cuộc thi. Bài dự thi được cô và trò chuẩn bị rất kỹ càng, trau chuốt.

"Em Nguyễn Vũ Đức Hiếu là một học sinh rất thông minh, có khả năng cảm thụ âm nhạc và tư duy tốt. Khi bài thi của em đạt giải nhì thành phố, giải khuyến khích toàn quốc đã có sức lan tỏa rộng tới các bạn trong trường. Vì giải thưởng này, các em biết đến cuộc thi nhiều hơn, biết sách quan trọng như thế nào trong học tập và cuộc sống, và từ đó cũng tìm đến thư viện đọc sách nhiều hơn, và cũng là động lực để nhiều bạn mong muốn tham dự cuộc thi này hơn" - cô Thuỷ chia sẻ.

Trao giải A cho các thí sinh

Trao giải A cho các thí sinh

Và trong bài thi của mình, Nguyễn Vũ Đức Hiếu đã đưa ra những đề xuất về việc cần đổi mới hoạt động thư viện để phát triển văn hóa đọc trong trường học, để học sinh có thể cảm nhận những giá trị mà sách mang lại, "như bổ sung, cập nhật thường xuyên những đầu sách đa dạng, phong phú; tổ chức các hoạt động thu hút học sinh như các cuộc thi quay video giới thiệu sách, nhằm mang lại sân chơi hấp dẫn; phối hợp với giáo viên ngữ văn để giới thiệu các cuốn sách hay, đáng đọc…" - Hiếu nói.

Một cuộc thi thực sự có chiều sâu

Như vậy, sau bốn lần tổ chức, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thực sự đã trở thành thương hiệu trong đời sống văn hóa, cho hoạt động khuyến đọc, được học sinh, sinh viên trong cả nước hưởng ứng sôi nổi, góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc phù hợp với các lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.

Hai thí sinh xuất sắc nhận danh hiệu Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022

Hai thí sinh xuất sắc nhận danh hiệu Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022

Từ cách thức cuộc thi lan tỏa vào tới nhà trường, được sự ủng hộ nhiệt thành của ngành giáo dục các địa phương, nên những hoạt động giới thiệu sách, tìm hiểu về sách, làm bài thi được tổ chức có chiều sâu. Không chỉ qua các tiết học trên lớp, các tiết hoạt động tập thể mà qua sách và xây dựng văn hóa đọc sách, học sinh được thẩm thấu những tinh hoa văn hóa, sống hướng theo chuẩn mực đạo đức và bồi đắp những ước mơ. Nhiều địa phương đã thực sự quan tâm, sáng tạo trong tổ chức và có chính sách động viên, khích lệ thí sinh dự thi.

Những thí sinh tham gia đã cho thấy trách nhiệm và sự nghiêm túc qua các bài dự thi rất đa dạng về thể loại, được đầu tư khá công phu với các hình thức thể hiện phong phú từ viết tay, vẽ hình minh họa, viết truyện tranh, video…Hình thức trình bày, thể hiện ấn tượng, sáng tạo, đa dạng và độc đáo, và có những bài đã có ý tưởng hay và mới lạ, tạo sự xúc động và hiệu ứng mạnh đối với người đọc. Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn để thanh thiếu niên có thể chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách một cách hiệu quả.

Đánh giá sáng kiến tổ chức cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" của Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ hy vọng những thí sinh đã đoạt giải qua bốn kỳ tại cuộc thi có thể phát huy thành công của mình bước đầu này, để lan tỏa tình yêu với sách, với mong mỏi "làm sao mỗi một học sinh đến trường là một đại sứ văn hóa đọc".

Kết thúc cuộc thi, Danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022 được trao cho hai thí sinh: Nguyễn Thanh Mai (lớp 2A1, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Nam Định) và Huỳnh Thị Kim Thư (lớp 11B3, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang).

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 8 giải Nhất, 16 giải Nhì, 52 giải Ba và 180 giải Khuyến khích cho các tác giả có bài dự thi chất lượng cao; trao giải Chuyên đề cho tác giả có bài chia sẻ cảm tưởng hay nhất, truyện ngắn khuyến đọc hay nhất, bài thơ khuyến đọc hay nhất, tranh vẽ khuyến đọc ấn tượng nhất, bài dự thi có phần minh họa ấn tượng nhất, bài dự thi thể hiện chủ đề cuộc thi ấn tượng nhất, kế hoạch - sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng nhất…

Ban Tổ chức cũng trao giải thưởng cho người khiếm thị có Bài dự thi của xuất sắc nhất; giải thưởng cho clip dự thi được nhiều người bình chọn nhất; các giải tập thể cho đơn vị có thí sinh đạt giải nhiều nhất, giải cho đơn vị có thí sinh tham gia nhiều nhất; giải thưởng cho các đơn vị tổ chức tốt vòng sơ khảo./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quả ngọt từ sách - “mỗi học sinh đến trường là một đại sứ văn hóa đọc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO