Quân đội là lực lượng nòng cốt bảo vệ và khắc phục sự cố môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nỗ lực phấn đấu xây dựng cảnh quan môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”; chủ động xây dựng phương án ứng phó, thích ứng, giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu đến tính mạng, sức khỏe bộ đội; tài sản, vũ khí, trang bị kỹ thuật; các công trình quân sự, quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Để góp phần nâng cao hơn nữa công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học, giúp cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên các cấp đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường”.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 70 bài tham luận với nội dung phong phú, hàm lượng khoa học cao; góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề mới về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đến mọi mặt của đời sống xã hội và các cơ quan, đơn vị Quân đội; đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò của Quân đội là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ
Môi trường tiếp tục bị xuống cấp, ở nhiều nơi đã đến mức báo động như: Đất đai bị xói mòn, thoái hóa, chất lượng nguồn nước suy giảm, không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng nề; khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng, điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi chưa bảo đảm; các thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khắc nghiệt, khó lường… Bởi vậy, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường, đã, đang và sẽ đặt ra những thách thức mới, gay gắt, quyết liệt và khó lường hơn.
Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp sáng tạo như: Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, bệnh viện quân y; trồng rừng; xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học, bom mìn tồn lưu sau chiến tranh; tham gia phòng, chống ô nhiễm môi trường và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; phòng chống cháy rừng; phòng chống dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19... Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nỗ lực phấn đấu xây dựng cảnh quan môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”; chủ động xây dựng phương án ứng phó, thích ứng, giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu đến tính mạng, sức khỏe bộ đội; tài sản, vũ khí, trang bị kỹ thuật; các công trình quân sự, quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Trong những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã cử các lực lượng tham gia có hiệu quả vào các hoạt động quốc tế trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường như: Triển khai 5 Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan; Đội công binh gìn giữ hòa bình số 1 được cử tới Phái bộ Lực lượng an ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại Abyei; đặc biệt từ ngày 13 đến ngày 22/2/2023 Bộ Quốc phòng cử 76 đồng chí cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng tham gia đã góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cộng đồng dân cư ở các nước sở tại. Qua đó, tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong mắt bạn bè và nhân dân thế giới.
Thiếu tướng Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng: Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường
Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, công tác nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó sự cố môi trường đã được triển khai đồng bộ. Năm 2023, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trên nhiều lĩnh vực.
Giai đoạn 2021-2023, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả 16 mô hình giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong kiểm soát, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường tại các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp Quốc phòng, kho tàng, bệnh viện, cải thiện môi trường tại trung tâm huấn luyện, trường bắn, kho vũ khí, các học viện, nhà trường, các sư đoàn bộ binh đủ quân. Nổi bật là các mô hình công nghệ xử lý cải thiện môi trường ở 3 sư đoàn bộ binh đủ quân: Sư đoàn 324 (Quân khu 4), Sư đoàn 302 (Quân khu 7); Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4; mô hình xử lý nước thải của Trường Sĩ quan Lục quân 2 đạt kết quả tốt.
Đặc biệt, năm 2023, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh chủng Hóa học công bố hoàn thành dự án xử lý chất độc dioxin sân bay Aso tỉnh Thừa Thiên - Huế (địa bàn Quân khu 4). Đây là dấu ấn quan trọng vì dự án này được thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ và vốn của Việt Nam (thông qua sự giúp đỡ của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Kết quả thực hiện đã được Bộ Quốc phòng đánh giá rất cao, đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bày tỏ, sự hài lòng, cảm ơn lực lượng quân đội (chủ trì là bộ đội hóa học) đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thậm chí là độc hại, nguy hiểm để hoàn thành xử lý ô nhiễm chất độc dioxin ở sân bay Aso, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn của tỉnh
Thiếu tướng Phan Văn Sỹ, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4: Nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”
Trong những năm qua, trên địa bàn Quân khu, thường xuyên xảy ra các cơn bão, lũ, mưa lớn trên diện rộng; trong đó điển hình năm 2020, trong gần 1 tháng có đến 5 cơn bão và 2 dải hội tụ áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng trực tiếp đến 6 tỉnh thuộc Quân khu gây ngập lụt sâu, lũ ống, lũ quét, sạt lở núi, cơ sở hạ tầng bị tàn phá khủng khiếp, giao thông bị chia cắt, nhiều làng xã bị cô lập. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trận lũ, sạt lở đất xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm 67 (huyện Phong Điền – Thừa Thiên - Huế) ngày 13/10/2020 đã làm 13 đồng chí hy sinh và sạt lở núi tại Đoàn KT-QP 337 (huyện Hướng Hóa – Quảng Trị) ngày 18/10/2020 làm 22 đồng chí hy sinh; trận lũ ống, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tháng 10/2022 gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân…
Những hành động, việc làm trong thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” đã tô thắm thêm truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của lực lượng vũ trang Quân khu 4. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, lực lượng vũ trang Quân khu luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”.
Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu làm cho công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có phương thức tổ chức mới, để huy động kịp thời các lực lượng khi có tình huống xảy ra. Trước những vấn đề trên, các cơ quan, đơn vị trong Quân khu phải thường xuyên chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, huấn luyện bổ sung các phương án; đồng thời chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến của thiên tai trên địa bàn; chủ động giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy rừng và công tác bảo vệ tại cơ quan, đơn vị; tăng cường kíp trực sở chỉ huy các cấp, trực cứu hộ, cứu nạn; nắm và quản lý chặt chẽ bộ đội; tổ chức kiểm tra kho, trạm, xưởng và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng: Vận dụng, phát huy thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và “3 sẵn sàng”
Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu với chức năng, nhiệm vụ giúp Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Quân uỷ Trung ương tham mưu cho Chính phủ trong công tác Phòng thủ dân sự, Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Từ thực tiễn trong tham mưu, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ ứng phó sự cố, thảm hoạ và tìm kiếm cứu nạn trên cả nước và khu vực miền Trung nói riêng, Cục Cứu hộ - Cứu nạn rút ra một số kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó, khắc phục các sự cố, thảm họa như sau:
Thứ nhất, thường xuyên quán triệt nghiêm túc đầy đủ các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Quốc phòng để cụ thể hóa bằng các kế hoạch các cấp, phối hợp chặt chẽ, thống nhất với các cơ quan chức năng của địa phương.
Thứ hai, chủ động cập nhật, nắm chắc tình hình diễn biến sự cố, nắm chắc lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ ứng phó, khắc phục sự cố; chủ động phối hợp với địa phương nắm chắc tình hình về mọi mặt ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra sự cố, kịp thời điều chỉnh kế hoạch ứng phó phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị và thực tế diễn biến của sự cố. Vận dụng, phát huy thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và “3 sẵn sàng” ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, nắm chắc thời cơ, khẩn trương, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực tổ chức ứng phó, khắc phục trong thời gian nhanh nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ cho các lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm ứng phó, khắc phục sự cố, đặc biệt chú ý đến diễn tập cho các lực lượng phối hợp tham gia ứng phó sự cố môi trường của các bộ, ngành, địa phương.
Thứ năm, tăng cường công tác động đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức về những nguy cơ, tác hại của sự cố môi trường; nâng cao nhận thức, tính chủ động của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nói riêng./.