Truyền thông

Quan hệ Việt Nam - Pháp: 50 năm hợp tác bền chặt và bước chuyển mới với "Đối tác Chiến lược Toàn diện"

Linh Linh 03/11/2024 11:24

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 6-7/10, Việt Nam và Pháp đã chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

hop-bao-71024.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong quan hệ song phương, đưa Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) thiết lập quan hệ đối tác ở cấp độ cao nhất với Việt Nam. Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội mới, tạo động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước trong tương lai.

Hơn 50 năm sâu sắc quan hệ ngoại giao

Quan hệ Việt Nam - Pháp khởi đầu từ ngày 12/4/1973, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ.

Ngay sau khi đất nước thống nhất (1975), Pháp đã sớm thể hiện thiện chí hợp tác và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới Pháp vào tháng 4/1977 đã đặt nền móng quan trọng cho mối quan hệ hợp tác bền vững giữa hai quốc gia.

Năm 2013, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược. Điều này thể hiện cam kết gắn bó lâu dài và hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực trọng yếu như kinh tế, quốc phòng, giáo dục và khoa học công nghệ.

Trong suốt 50 năm qua, quan hệ Việt - Pháp không ngừng được củng cố và phát triển, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước. Bên cạnh đó, hai bên đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác quan trọng, như Đối thoại Chiến lược an ninh quốc phòng giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước; Đối thoại Kinh tế cấp cao thường niên; Đối thoại Chiến lược Quốc phòng.

Những nỗ lực hợp tác này đã góp phần xây dựng một mối quan hệ đối tác tin cậy, đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối ngoại của cả hai quốc gia.

Hợp tác kinh tế: Nền móng cho hợp tác song phương

Trong lĩnh vực kinh tế, Pháp hiện là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại EU. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 3,17 tỷ USD các mặt hàng chủ lực như giày dép, dệt may, gốm sứ, thủy sản, máy móc và linh kiện điện tử; nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm...

Về đầu tư, Pháp đứng thứ 16 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 674 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 3,81 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư trọng điểm của Pháp tại Việt Nam bao gồm: thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất - phân phối điện khí nước điều hòa.

Đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố Việt Nam tham gia hợp tác với 240 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước, tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển đô thị.

Ngoài ra, Pháp còn là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ Pháp tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên bao gồm biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh

Mỗi năm, Pháp hỗ trợ Việt Nam khoảng 200 triệu euro thông qua các hình thức như khoản vay kho bạc ưu đãi, vốn hỗ trợ không hoàn lại từ Quỹ nghiên cứu khu vực tư nhân (FASEP) và vốn ODA từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Giáo dục và văn hóa: Cầu nối gắn kết bền chặt

Từ đầu những năm 1980, giáo dục luôn là lĩnh vực được Pháp ưu tiên hợp tác với Việt Nam. Hàng năm, Chính phủ Pháp dành hàng chục suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, đặc biệt tập trung vào các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Hiện có hơn 10.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Pháp, đưa Pháp trở thành điểm đến lớn thứ ba của du học sinh Việt Nam trên thế giới.

Về giao lưu văn hóa, Pháp hỗ trợ 5 triệu euro mỗi năm cho các hoạt động văn hóa tại Việt Nam, thông qua các trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Hiệp định giữa hai Chính phủ về hoạt động của các trung tâm văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, trở thành cầu nối quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước.

Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Pháp có khoảng 350.000 người, là cộng đồng lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. Cộng đồng này không chỉ đóng vai trò là cầu nối thúc đẩy hợp tác, mà còn là biểu tượng gắn kết giữa hai quốc gia.

Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ khẳng định sự tin cậy chính trị giữa hai bên mà còn mở ra cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, năng lượng, và giao lưu nhân dân. Với nền tảng lịch sử sâu sắc, tầm nhìn chiến lược chung và những thành tựu hợp tác đã đạt được, quan hệ Việt Nam - Pháp hứa hẹn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực cũng như toàn cầu./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Việt Nam - Pháp: 50 năm hợp tác bền chặt và bước chuyển mới với "Đối tác Chiến lược Toàn diện"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO