Quản lý DN cung cấp dịch vụ trung gian và kinh nghiệm của một số quốc gia

Ánh Dương| 26/09/2022 05:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Trên môi trường ảo, môi trường số hay môi trường truyền dẫn điện tử, Internet, hầu hết các mối quan hệ kinh tế, xã hội đều có sự hiện diện của bên thứ ba - bên tạo ra môi trường để các chủ thể tiến hành các giao dịch trên các nền tảng số.

Vai trò, trách nhiệm của bên thứ ba trong chuỗi cung ứng giá trị trên môi trường số

Các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) từ lâu đã hưởng lợi từ các trường hợp ngoại lệ dành cho trạng thái trung lập của mình, tuy nhiên những quy định về trách nhiệm của các DN này trong việc bảo vệ và thực thi quyền tác giả trên môi trường số vẫn còn chưa thực sự rõ ràng.

Do đó, vấn đề đặt ra là các quy định về trách nhiệm của các ISP cần được điều chỉnh để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức cũng như đề cao vai trò trách nhiệm của các ISP trong chuỗi cung ứng giá trị trên môi trường số.

Nói đến bên thứ ba hay bên trung gian trên môi trường số, chúng ta hiểu đó chính là các DN số - DN cung cấp các giải pháp nền tảng số nhằm tạo môi trường cho các tự nhiên nhân, pháp nhân, tổ chức tham gia vào các mối quan hệ dân sự, thương mại, kinh tế, xã hội trên môi trường số đó.

Các mối quan hệ phát sinh trên môi trường số (chủ yếu trên những nền tảng số) ngày càng phổ biến, đặc biệt là những quan hệ phát sinh có sự tham gia của bên thứ ba - nhà cung cấp dịch vụ trung gian đảm bảo, chẳng hạn các nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán như các cổng thanh toán điện tử, ví điện tử của các công ty: JetPay, Momo, Viettel Money hay VNPT Money,... hay các DN cung ứng nền tảng lưu trữ, xử lý và kinh doanh dữ liệu...

Bên cạnh những giá trị to lớn mà môi trường số mang lại thì các loại tội phạm trên môi trường số cũng phát triển mạnh mẽ không kém như các loại tội phạm công nghệ cao, lừa đảo, cung cấp thông tin giả, thông tin sai sự thật... và đặc biệt là các vi phạm liên quan đến hành vi cung cấp hàng giả, hàng nhái, các hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường mạng đã gây tổn thất vô cùng lớn đối với các nền kinh tế đang có môi trường thuận lợi cho những phát minh, sáng chế, sáng tạo.

Từ thực tế đó, các nước phát triển trên thế giới cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vì những ngành công nghiệp này đã và đang đem lại cho họ những nguồn thu khổng lồ.

Chẳng hạn như Mỹ, theo số liệu thống kê năm 2017, các ngành công nghiệp liên quan đến bản quyền đóng góp đến 38% GDP, 52% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo ra 27,9 triệu việc làm. Trong khi đó, tội phạm về bản quyền đã lấy đi của nước Mỹ khoảng 180 tỷ USD từ việc ăn cắp các bí mật thương mại, 18 tỷ USD từ việc dùng lậu các phần mềm, 29 tỷ USD từ việc bán hàng giả, hàng nhái.

Vì vậy, những nỗ lực của Mỹ hay các nước phát triển khác trong việc thiết lập các hàng lang, cơ chế pháp lý quốc tế để bảo vệ quyền SHTT là điều dễ hiểu.

Đối với Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo "Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quý Quyền, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) nhấn mạnh: "Để tạo điều kiện cho một nền kinh tế phát triển từ nội lực của chính mình thì trước hết phải tạo môi trường sáng tạo và biết tôn trọng quyền SHTT, khi đó mới có những đội ngũ sáng tạo và có những sản phẩm "Make in Viet Nam" giải quyết những "bài toán" của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đất nước".

Nhìn chung đến nay, các nước trên thế giới hầu như đều có hành lang pháp lý để bảo hộ quyền SHTT, bảo vệ các chủ sở hữu đối với các phát minh sáng chế, các tác phẩm văn học nghệ thuật,... nhưng cách thức và mức độ bảo đảm, cũng như cơ chế thực thi của mỗi nước có cách tiếp cận khác nhau.

Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Dựa trên thực tiễn đàm phán các hiệp định thương mại tự do, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế cho biết các đối tác phát triển như Mỹ (TPP/CPTPP) hay EU (EVFTA) đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền SHTT, bao gồm trách nhiệm của bên thứ ba/bên trung gian/nhà cung cấp dịch vụ Internet trong việc đảm bảo quyền SHTT, bản quyền các tác phẩm được bảo vệ.

Cụ thể, theo cơ chế "Safe Harbors" (vùng an toàn - cơ chế miễn trách nhiệm dành cho nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả do bên thứ ba thực hiện) và "Notice-and Takedown" (cơ chế thông báo và gỡ) quy định tại Điều 512 Đạo luật Bản quyền của Mỹ, cho phép chủ sở hữu bản quyền xóa nội dung trực tuyến vi phạm mà không cần kiện tụng và tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp Internet bằng cách cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý cho việc tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Điều luật này cũng bảo vệ các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến khỏi trách nhiệm về tài chính và giới hạn các hình thức trách nhiệm pháp lý khác đối với vi phạm bản quyền - được gọi là "vùng an toàn" (Safe Harbors) - để đổi lấy việc hợp tác với các chủ sở hữu quyền trong việc nhanh chóng gỡ bỏ những nội dung vi phạm nếu các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Bên cạnh đó, điều luật này cũng có một số yêu cầu khác nhau dựa trên các loại hình hoạt động mà các nhà cung cấp dịch vụ tham gia; đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến chỉ định một đại lý công khai trên mạng Internet để nhận thông báo của chủ sở hữu quyền, bao gồm cả thông tin liên hệ của đại lý trên website và đăng ký đại lý đó với Văn phòng Bản quyền của Mỹ.

Đối với các mối quan hệ phát sinh liên quan đến SHTT, Mỹ tham gia các Hiệp định thương mại tự do như TRIPS trong WTO hay trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ cũng đã áp dụng chính sách/cơ chế "Safe Harbors" and "Notice-and-Takedown" trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định. Theo đó, nếu các nước có cơ chế đủ mạnh để kịp thời gỡ bỏ các tác phẩm vi phạm bản quyền trên mạng, như có các biện pháp hành chính hay hình sự để ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền, có thiết chế để triển khai thực thi các biện pháp đó một cách hiệu quả thì sẽ tránh được những rủi ro khiếu kiện từ các tổ chức, cá nhân của Mỹ.

Hay tại Nhật Bản, quốc gia này không sử dụng cơ chế "Notice-and-Takedown" nhưng có Ủy ban bảo vệ bản quyền gồm đại diện Chính phủ, đại diện Hiệp hội bảo vệ bản quyền và chính các tác giả để tiếp nhận và xử lý những khiếu nại hay khiếu kiện về bản quyền. Ủy ban này sẽ đánh giá và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền trên mạng. Với cơ chế này, Mỹ đã chấp nhận Nhật Bản nằm trong "vùng an toàn", tránh đối diện với những đơn khởi kiện từ chủ thể quyền của Mỹ.

Quản lý DN cung cấp dịch vụ trung gian và kinh nghiệm của một số quốc gia - Ảnh 1.

(Hình minh họa)

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng có những quy định rõ về trách nhiệm đối với các ISP tại Hướng dẫn về Thương mại điện tử. Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian viễn thông và Internet có thể thoát khỏi trách nhiệm nếu thực sự DN đó không nhận thức được hành vi lưu trữ và cung cấp thông tin đó là sai luật, và thực sự không nhận thức được những thiệt hại gây ra do những hành vi vô ý vi phạm này; và khi nhận thức ra thì phải có hành động gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy cập ngay vào những tác phẩm đó.

Bên cạnh đó, Hướng dẫn về bản quyền trong thị trường kỹ thuật số cũng là một phần quan trọng trong các quy định pháp lý của EU để hiện đại hóa luật lệ về bản quyền trong thời đại kỹ thuật số với những quy định liên quan đến trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ nội dung trực tuyến (OCSSP).

Hướng dẫn này hướng tới việc đảm bảo công bằng cho những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo. Theo đó, các OCSSP khi cung cấp một nội dung mà có liên quan đến bản quyền ra công chúng thì phải được phép của chủ thể quyền, ngay cả khi tác phẩm đó do người dùng tải lên. Nếu đáp ứng điều kiện nêu trên thì DN OCSSP sẽ thuộc vào trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của Hướng dẫn.

Ngày nay, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ, các ISP có vai trò quan trọng đối với việc truyền đạt, phân phối tác phẩm. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng ý thức được vấn đề bảo vệ quyền tác giả, bảo hộ quyền SHTT. Do đó, việc quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý của ISP là vô cùng cần thiết để có thể đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cũng như trách nhiệm của các DN trung gian khi tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị trên môi trường số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý DN cung cấp dịch vụ trung gian và kinh nghiệm của một số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO