Trên thực tế, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quản lý dịch vụ truyền hình internet. Nội dung trên dịch vụ phải gồm có kênh chương trình và các nội dung theo yêu cầu (VOD). Những nội dung này phải được cơ quan báo chí (Đài PTTH) biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.
Với sự phát triển của công nghệ truyền dẫn internet băng rộng, đã xuất hiện nhiều dịch vụ truyền hình theo yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam, khiến cho thị trường THTT trong nước mấy năm qua gặp nhiều biến động.
Việt Nam là quốc gia có chủ quyền trên không gian mạng Internet. Vì vậy, các dịch vụ có nguồn gốc nước ngoài cung cấp xuyên biên giới như dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet cần phải tuân thủ pháp luật Việt Nam trên cùng điều kiện pháp lý như doanh nghiệp trong nước.
Nắm bắt được tình huống quản lý mới này, đồng thời trước xu thế các Doanh nghiệp trong nước cũng có nhu cầu chỉ cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng intetnet, không có kênh chương trình, từ năm 2018, Bộ TTTT đã đề xuất và trình Chính phủ sửa đổi NĐ số 06/2016/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường THTT; đồng thời điều chỉnh được đối tượng là các Doanh nghiệp xuyên biên giới.
Quan điểm của Bộ TTTT khi xây dựng quy định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP là:
- Lĩnh vực PTTH là lĩnh vực có tác động đến tư tưởng, đạo đức, văn hóa, lối sống của người dân; có liên quan đến nhiệm vụ bảo tồn các giá trị truyền thống, giá trị văn hóa của Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ đặc điểm, chế độ chính trị của Việt Nam. Vì vậy, việc quản lý nội dung cung cấp trên dịch vụ PTTH, trong đó bao gồm dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet vừa phải bảo đảm tuân thủ theo các quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh, vừa phải bảo đảm thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng.
- Quản lý dịch vụ PTTH, bao gồm dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet là quản lý về nội dung cung cấp trên dịch vụ. Kênh chương trình hay nội dung theo yêu cầu, về bản chất nội dung là giống nhau, chỉ khác nhau ở phương thức đóng gói để cung cấp đến người xem. Vì vậy, việc biên tập, kiểm soát nội dung kênh chương trình và nội dung theo yêu cầu đều phải được quản lý đồng bộ, thống nhất: Nội dung phải được biên tập (tiền kiểm) trước khi cung cấp đến người xem. Tiêu chí biên tập chương trình trên kênh và biên tập nội dung theo yêu cầu là như nhau.
Tuy nhiên, do tính chất của các loại nội dung, có thể thấy dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã nới lỏng hơn, phân nhóm nội dung để cho Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập. Đây đã là một bước tiến khá cởi mở. Tuy nhiên, khi Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, đòi hỏi Doanh nghiệpphải nâng cao nhận thức pháp luật để bảo đảm tránh gặp rủi ro đối với dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Đồng thời, để đảm bảo được quản lý về nội dung, cơ quan QLNN sẽ phải triển khai nhiều biện pháp quản lý và bổ sung thêm nguồn lực cho công tác hậu kiểm.
Một số nội dung mới cơ bản của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung này so với quy định của pháp luật hiện hành đó là:
- Sửa đổi 05 giải thích từ ngữ gồm: Dịch vụ Phát thanh, truyền hình; Dịch vụ giá trị gia tăng, đơn vị cung cấp nội dung, đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình và Thuê bao sử dụng dịch vụ và bổ sung 04 giải thích từ ngữ gồm: Chương trình trong nước, Chương trình nước ngoài, Nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu và Cước dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
Toàn văn dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 06/2026/NĐ-CP cập nhật dưới đây.