Hiện tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 370 MHz băng thông cho thông tin di động 2G/3G trong tổng số 685 MHz đã quy hoạch cho thông tin di động nói chung. Các băng tần được quy hoạch sẵn sàng cho 4G bao gồm 1800 MHz, 2,3 GHz và 2,6GHz với tổng lượng băng thông là 430 MHz. Theo xu hướng chung của thị trường, các băng tần dùng để triển khai MBB theo công nghệ FDD được chú ý hơn các băng tần theo công nghệ TDD.
Quy hoạch băng tần cho MBB ở Việt Nam và thời điểm cung cấp tài nguyên tần số ra thị trường như sau:
- Băng tần 2,6 GHz:
Dự kiến băng tần này sẽ được đấu giá vào năm 2016. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) đang thực hiện các bước chuẩn bị cuối cùng để đảm bảo cuộc đấu giá quyền sử dụng băng tần 2,6 GHz cho MBB diễn ra thành công.
Quy hoạch sử dụng băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT, được hiểu là 4G, của Việt Nam được quy định tại Thông tư 27/2010/TT-BTTTT ngày 24/11/2010 và phù hợp với quy hoạch chung trên thế giới.
Hình 1. Quy hoạch băng tần 2,6 GHz
Ngày 03/06/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 835/QĐ-TTg phê duyệt các băng tần được đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Băng tần 2,6 GHz được đấu giá phần quy hoạch cho công nghệ FDD (các lô A-A’, B-B’, C-C’). Như vậy sẽ có tối đa 3 nhà khai thác được triển khai MBB trên băng tần 2,6 GHz.
Băng tần 2,6 GHz là rất hiệu quả đối với dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng tốc độ cao, phạm vi phục vụ của trạm gốc là nhỏ. Vì vậy cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 2,6 GHz thường phù hợp nhất với các khu đô thị lớn, có mật độ dân số cao và khi nhu cầu sử dụng lưu lượng của người dùng đủ lớn. Ở Việt Nam, lưu lượng dữ liệu băng rộng của người dùng chưa thật cao, một phần nguyên nhân do mức thu nhập của người dân còn thấp nên mức chi trả (APRU) cho dịch vụ vô tuyến băng rộng không thể cao như ở các nước phát triển. Do vậy băng tần này sẽ đóng vai trò bổ sung cho thông tin vô tuyến băng rộng ở các khu vực đô thị lớn của Việt Nam.
- Băng 850/900/1800 MHz: Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã cho phép doanh nghiệp viễn thông được phép chuyển đổi công nghệ từ GSM sang LTE/LTE-Adv trên băng tần 1800 MHz; WCDMA (3G) trên băng tần 900 MHz đã được cấp phép tại Thông tư 04/2015/TT-BTTTT ngày 10/03/2015. 1800MHz là băng tần chính để triển khai LTE/LTE-Adv trên thế giới với 176 mạng đã triển khaii. Số lượng thiết bị đầu cuối LTE hỗ trợ băng tần 1800 MHz rất lớn, tới 1322 thiết bị. Do vậy việc triển khai MBB trên băng tần 1800MHz với băng thông đủ rộng sẽ là nhân tố tích cực để thúc đẩy thị trường MBB của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
- Băng tần 700 MHz:Đây là băng tần sẽ được giải phóng sau khi số hóa truyền hình mặt đất. Ở Việt Nam, băng tần này sẽ được dùng để triển khai 4G sau khi quá trình số hóa truyền hình mặt đất hoàn thành. Hiện tại có doanh nghiệp đã thể hiện mong muốn sớm được triển khai 4G trên băng tần 700MHz. Căn cứ theo lộ trình số hóa truyền hình, băng tần 700MHz có khả năng sử dụng được ở các đô thị lớn và hai đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ từ năm 2018, trên toàn quốc sau 2020. Đây là băng tần rất phù hợp để cung cấp dịch vụ 4G trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là cho khu vực nông thôn, khu vực địa hình phức tạp do đặc tính truyền sóng tuyệt vời của băng tần này. Với lợi thế về vùng phủ lớn, doanh nghiệp thông tin di động sẽ tiết kiệm được khoản tiền đầu tư lớn do số trạm gốc (eNodeB) cần thiết để triển khai dịch vụ ít hơn nhiều so với triển khai trên các băng tần cao. Điều này sẽ trực tiếp dẫn tới giảm giá dịch vụ, phù hợp với nhu cầu tiếp cận dịch vụ MBB của người dùng ở khu vực nông thôn. Bộ TTTTcũng đang xem xét khả năng đấu giá sớm băng tần này để có thêm nguồn lực tài chính thúc đẩy quá trình số hóa truyền hình trên toàn quốc, đặc biệt là việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ gia đình nghèo và cận nghèo.
Hình 2. Quy hoạch truyền hình ở Việt Nam
*Các khối tần số thuộc băng tần 470-694 MHz được sử dụng ổn định, lâu dài cho truyền hình số mặt đất.
**Băng tần 694-806 MHz dôi dư do quá trình số hóa truyền hình sẽ được sử dụng cho MBB
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APT) đã nghiên cứu và đề xuất hai phương án quy hoạch băng tần 700 MHz (694-806 MHz), gọi là APT700, tại báo cáo số APT/AWG/REP-14 tháng 09/2010. Hiện nay quy hoạch APT700 đã được cấp phép tại 13 nước trên thế giới và triển khai thương mại bởi 10 nhà khai thác.
Kết quả nghiên cứu về tác động kinh tế-xã hội khi phân chia phổ tần được giải phóng sau khi số hóa truyền hình cho MBB làm tăng GDP của khu vực APT lên khoảng 1000 tỷ USD trước năm 2020; là tăng thuế lên 215 tỷ USD và tạo ra thêm 2,7 triệu việc làm mới. Với hiệu quả tích cực như vậy, nghiên cứu quy hoạch băng tần 700MHz ở Việt Nam hài hòa với khu vực và thế giới là rất cần thiết.
-Băng tần 800 MHz (832-862/791-821 MHz): đây là băng tần quy hoạch của khu vực Châu Âu, hài hòa với một phần quy hoạch APT700. Việt Nam đang nghiên cứu khả năng áp dụng để triển khai 4G.
-Băng tần 850 MHz (824-835/869-880 MHz): Đã cấp phép cho SPT nhưng hiện nay chưa khôi phục lại hoạt động.
- Quy hoạch tổng thể các băng tần 700/800/900 MHz cho MBB: Các băng tần dưới 1 GHz thường được coi là các băng tần hiệu quả để cung cấp dịch vụ MBB với vùng phủ rộng. Với các nước đang phát triển như Việt Nam, sử dụng hiệu quả các băng tần này sẽ giúp thúc đẩy phát triển dịch vụ MBB, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Vì vậy việc nghiên cứu sử dụng tối ưu các băng tần này cho phát triển kinh tế - xã hội là rất thiết thực. Cục Tần số vô tuyến điện đang nghiên cứu, đánh giá tính hiệu quả của nhiều phương án khả thi khác nhau để đưa ra quyết định quản lý tốt nhất cho thị trường. Đối với băng tần 806-880 MHz, trên thế giới đang có hai xu hướng quy hoạch:
-Mở rộng băng tần 850 MHz. Xu hướng này phù hợp với quy hoạch băng tần 850 MHz đã được thực hiện ở Việt Nam
-Áp dụng quy hoạch theo khu vực Châu Âu, CEPT800. Quy hoạch CEPT800 đã được áp dụng thành công ở Châu Âu và hài hòa một phần với quy hoạch APT700.
Ở Ở Việt Nam, băng tần 806-880 MHz đang được cấp phép cho SPT để triển khai 3G; và hệ thống thông tin an toàn và giảm nhẹ thiên tai (PPDR) băng hẹp đang hoạt động như thể hiện tại Hình 3. Khoảng tần số 470-804MHz đang được quy hoạch lại với lộ trình số hóa truyền hình đang triển khai. Căn cứ trên thực trạng sử dụng tần số và xu hướng quy hoạch băng tần 800 MHz trên thế giới, chúng ta cần cân nhắc thận trọng các phương án quy hoạch để mang lại lợi ích tốt nhất cho thị trường Việt Nam.
Hình 3. Hiện trạng sử dụng tần số của Việt Nam trong khoảng 470-880MHz
Như vậy tài nguyên tần số để triển khai thông tin vô tuyến băng rộng ở Việt Nam đã được quy hoạch khoa học, hài hòa với khu vực và trên thế giới. Với việc có đầy đủ các băng tần phù hợp cho MBB, đáp ứng cả các nhu cầu về vùng phủ cũng như lưu lượng cao, thị trường MBB trong nước, đặc biệt là 4G, đã được đảm bảo để phát triển đầy đủ và bền vững, phục vụ tốt nhu cầu của người dùng Việt Nam.
(Tổng hợp)