Toàn cảnh Hội thảo
Quản lý tần số đối với di động băng rộng và các công nghệ ứng dụng cho di động băng rộng trong tương lai là một vấn đề nóng tại Việt Nam, khi theo lộ trình của Chính phủ công nghệ 4G sẽ phải sớm được cấp phép trong năm 2016 và khái niệm công nghệ 5G đã được thông qua trên thế giới. Một trong những đặc tính ưu việt của công nghệ 4G là khả năng kết hợp phổ tần để cung cấp đường truyền tốc độ cao. Theo đó, công nghệ di động băng rộng trong tương lai chỉ có thể được hiện thực hóa khi đáp ứng được nhu cầu phổ tần.
Sự phát triển của vô tuyến băng rộng là xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghiệp viễn thông. Việc quản lý và sử dụng hiệu quả phổ tần, kết hợp với các giải pháp công nghệ sẽ giúp cho nhà khai thác thông tin di động đầu tư hiệu quả và nâng cao chất lượng mạng di động của mình. Do vậy, yêu cầu có phương án sử dụng phổ tần đối với di động băng rộng 4G và tầm nhìn về mạng thông tin di động 5G ngày càng bức thiết.
Trên cơ sở đó, Hội thảo lần này là cơ hội kết nối, trao đổi và thảo luận các vấn đề về phổ tần và công nghệ mới nhất như: Tầm nhìn về mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G), các công nghệ thông tin vô tuyến băng rộng thế hệ mới, giải pháp cho mạng thông tin vô tuyến băng rộng, vai trò của Wifi offload trong mạng thông tin di động, các giải pháp thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ di động băng rộng trong nhà, vai trò của Wifi dưới góc nhìn của doanh nghiệp thông tin di động
Tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe các chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới về tần số vô tuyến điện của Ericsson, Qualcomm, Sam Sung, Huawei, Intel, Viettel chia sẻ kinh nghiệm trong việc khai thác và cung cấp dịch vụ di động băng rộng.
Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, ông Đoàn Quang Hoan phát biểu khai mạc Hội thảo cho biết, Hội thảo lần này được tổ chức nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về công nghệ di động băng rộng, các xu hướng phát triển của di động băng rộng và xu hướng sử dụng băng tần trong tương lai gần và tương lai xa, giúp cho các nhà cung cấp, các doanh nghiệp trong lĩnh vực có thể khai thác hiệu quả phổ tần cho sự phát triển thành công của băng rộng di động.
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, thông tin di động là một lĩnh vực đã và đang phát triển tốt ở Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội. Bộ TT&TT rất coi trọng việc phát triển thông tin di động băng rộng các thế hệ tiếp theo để có hạ tầng viễn thông hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, góp phần chuyển đổi cơ cấu, tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính vì vậy, Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ký ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 21/01/2016 phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020. Một trong những mục tiêu cơ bản của Chương trình này là xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng di động 3G/4G phục vụ 95% dân số vào năm 2020 và đủ năng lực cung cấp đa dịch vụ băng rộng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, Hội thảo lần này được tổ chức rất kịp thời và hữu ích trong bối cảnh Bộ TT&TT đang hoàn thiện chính sách cấp phép 4G và các doanh nghiệp cũng đang tích cực chuẩn bị báo cáo kết quả thử nghiệm 4G để xin phép chính thức triển khai.
Hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các nhà sản xuất, công nghiệp, nhà cung cấp cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức thông tin di động hàng đầu khu vực và thế giới. Thông qua Hội thảo này, Thứ trưởng Phan Tâm cũng nhấn mạnh, các đại biểu, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tích cực trao đổi thảo luận, tiếp cận và học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia quốc tế về quản lý tần số và thông tin vô tuyến nói chung và với thông tin di động băng rộng nói riêng./.