Quyết liệt xử lý hành vi bán bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo
Bộ Công Thương yêu cầu sở công thương các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp trên địa bàn.
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các đơn vị, địa phương, đề nghị tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cơ quan này cho biết thời gian qua, các hình thức biến tướng dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp vẫn diễn biến phức tạp. Các mô hình lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để dụ dỗ, lôi kéo người tham gia hoạt động ngày càng tinh vi, với nhiều hình thức biến tướng mới.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương yêu cầu Ủy ban Cạnh tranh quốc gia rà soát, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp…; Yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp; Đặc biệt giám sát các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp trên địa bàn; Phối hợp tích cực với các cơ quan công an, cảnh sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp…
Tổng cục Quản lý thị trường được giao chủ trì tham mưu xây dựng, hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Văn bản cũng nếu rõ các Cục Quản lý thị trường chủ động, tích cực kiểm tra hoạt động của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp trên địa bàn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Hiện trên cả nước có 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, giảm 48 doanh nghiệp so với năm 2016. Tính riêng năm 2023, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là hơn 768.000 người, tăng gần 61.000 người so với năm 2017 (707.330 người), tức tăng hơn 8%. Cũng trong năm này, tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt hơn 16.866 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022 là 21.110 tỷ đồng (khoảng 90% doanh thu bán hàng đa cấp đến từ việc kinh doanh thực phẩm chức năng). Với doanh thu này, tổng số thuế các doanh nghiệp đa cấp nộp ngân sách khoảng 2.255 tỷ đồng.
Bộ Công Thương đánh giá bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội. Năm 2023, Bộ Công Thương đã kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp và một người tham gia bán hàng đa cấp với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng.