Quyết liệt xử lý vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ nhiều video xấu, độc trên không gian mạng

Bình Minh| 11/11/2020 15:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước thực trạng những videos có nội dung nhảm nhí, giật gân, xấu độc trên mạng xã hội thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Thông tin và Truyền thông đã có những biện pháp mạnh kịp thời chấn chỉnh.

Ngày 05/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 8305/VPCP-NC gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về việc xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền. Văn bản nêu rõ: "Trên mạng xã hội tràn lan những video có nội dung nhảm nhí, giật gân, nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền. Đáng ngại là những video nhảm nhí này đã thu hút hàng triệu người, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của trẻ em, phần nào kéo văn hóa nghe - xem của xã hội đi xuống. Thế nhưng vì nhiều lý do, những nội dung này vẫn xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát". Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý vấn đề trên.

Ngành Thông tin và Truyền thông: Quyết liệt xử lý vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ nhiều video xấu, độc trên không gian mạng - Ảnh 1.

Vidieo của Hưng Vlog bị rất nhiều ý kiến phản ánh là nhảm nhí, phản cảm. Ảnh chụp màn hình: Bình Minh

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây nhiều người đã tự dàn dựng, quay các video clip sau đó đăng tải lên kênh YouTube hay mạng xã hội Facbook cá nhân của mình nhằm mục đích câu view (thu hút người xem), câu like (tăng số lượng người tương tác trên tài khoản mạng xã hội). Qua đó, kiếm tiền, thậm chí nhiều tiền thông qua việc quảng cáo. Đáng nói, rất nhiều video phản cảm, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam hoặc tuyên truyền những thói hư, tật xấu đối với giới trẻ, kể cả trẻ em.

Vụ việc của Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng Vlog) làm video "Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết" được đăng tải trên kênh YouTube Hưng Vlog đã thu hút hàng triệu lượt xem. Ngay sau khi nắm được thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn Hưng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với số tiền 7,5 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Nguyễn Văn Hưng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Sau một thời gian bị xử phạt, gỡ bỏ thông tin, Nguyễn Văn Hưng tiếp tục bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang mời lên làm việc vì anh này đã đăng trên mạng xã hội Youtube clip "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết". Nam thanh niên trên tiếp tục bị cơ quan thanh tra lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 10 triệu đồng do thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, theo điểm b Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020NĐ-CP.

Ngành Thông tin và Truyền thông: Quyết liệt xử lý vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ nhiều video xấu, độc trên không gian mạng - Ảnh 2.

Hưng Vlog được Thanh tra Sở TT&TT Bắc Giang mời lên làm việc, xử phạt. Ảnh: stttt.bacgiang.gov.vn

Trước đó, những chiêu trò phản cảm Youtube còn có "Khá Bảnh" hay nhiều "giang hồ mạng" khác đều bị lực lượng chức năng của ngành Công an phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm...

Có thể thấy, trước thực trạng xuất hiện nhiều video clip phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt thời gian qua đã được, các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất kịp thời, quyết liệt, trực tiếp là lực lượng thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông và lực lượng an ninh mạng.

Theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện việc cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc… bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Bên cạnh chế tài xử phạt, nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng của các trang web, blog, trang mạng xã hội phát tán thông tin vi phạm pháp luật, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động phát hiện và theo dõi nguồn phát tán thông tin trên mạng Internet; thông báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiến hành xác minh, xử lý. Số liệu thống kê của Bộ cho thấy, năm 2018 đến ngày 10/5/2019, cơ quan chức năng của Bộ đã xử phạt 37 trường hợp thông tin sai sự thật, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác và quảng cáo không phù hợp với tổng số tiền 617,5 triệu đồng.

Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook gỡ bỏ một số nội dung phản cảm, xấu độc trên nền tảng ứng dụng của mình. Kết quả, đã có rất nhiều video bị gỡ bỏ.

Có thể khẳng định, sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng của ngành Thông tin và Truyền thông đã góp phần ngăn chặn, xử lý các video phản cảm, xấu độc trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Song, để phát huy hiệu quả hơn nữa, các cơ quan chức năng cần có chế độ kiểm duyệt chặt chẽ hơn đối với các trang mạng xã hội. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cả xã hội vì nếu các trang mạng xã hội xấu độc này bị người dùng "tẩy chay" thì sẽ không còn "đất sống", đặc biệt với trách nhiệm xã hội của mỗi nhà báo, cần tuyên truyền, viết bài, thể hiện quan điểm lên án, phê phán thẳng thắn đối với hiện tượng "xấu xí" trên không gian mạng nói trên.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt xử lý vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ nhiều video xấu, độc trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO